Ngày 27/3, luật sư Phan Trung Hoài đại diện cho 8 luật sư bào chữa hỏi bà Trương Mỹ Lan (69 tuổi, Chủ tịch hội đồng quản trị Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) về các nội dung kháng cáo.
Luật sư Hoài đặt vấn đề, bản thân bị cáo Lan được xác định là nắm giữ hơn 91% cổ phần của Ngân hàng SCB nên có được những quyền nhất định, trong thời gian sắp tới, bà có quan điểm xử lý thế nào để khắc phục toàn bộ hậu quả vụ án.

Bà Trương Mỹ Lan (Ảnh: Trịnh Nguyễn).
Bà Lan cho biết, Nhà nước và Chính phủ hiện nay đang ủng hộ doanh nghiệp tư nhân. Bà cảm thấy SCB dù sao cũng do mình sở hữu 91% nên với quyền của cổ đông lớn bà xin được nhờ luật sư hỗ trợ, phối hợp với đối tác nước ngoài vào xử lý toàn bộ hậu quả.
Đối với quyết định của tòa sơ thẩm về việc tiếp tục phong tỏa, ngăn chặn tài khoản tại ngân hàng và các tài sản bị kê biên, bà Lan đề nghị tòa xem xét giải tỏa kê biên để bán và hoàn thiện pháp lý, kêu gọi đầu tư và cam kết sử dụng toàn bộ tiền vào việc khắc phục hậu quả vụ án.
Trả lời câu hỏi của luật sư về phương án khắc phục hậu quả cho các trái chủ, bà Lan một lần nữa khẳng định không chiếm đoạt sử dụng số tiền 30.000 tỷ đồng từ việc phát hành trái phiếu.
Trong số tiền này, bà khai SCB chỉ sử dụng hơn 28.400 tỷ đồng và bà cam kết bằng mọi giá sẽ chịu trách nhiệm khắc phục cho các trái chủ số tiền này.
Chủ tịch Vạn Thịnh Phát cũng xác nhận với luật sư rằng, mới đây trong văn bản gửi TAND Cấp cao và cho trại giam, Cục Thi hành án Dân sự TPHCM cho biết đã thu hồi tổng số tiền hơn 8.642 tỷ đồng (trong giai đoạn một của vụ án) và ưu tiên khắc phục cho các trái chủ.
Ngoài ra, cơ quan này cũng đã ban hành quyết định thi hành án về việc sẽ thu ngay khoản tiền hơn 8.093 tỷ đồng.

Các bị cáo tại tòa (Ảnh: Trịnh Nguyễn).
Các quyết định thi hành án đã ban hành liên quan đến 2 giai đoạn phải thu hồi còn lại từ những người liên quan là 12.000 tỷ đồng (từ ông Nguyễn Văn Liêm; Công ty Hồng Phát; Công ty Tuần Châu, Âu Lạc; vốn góp tại Công ty Liên doanh Vietcombank…). Như vậy, tổng cộng 3 khoản trên sẽ là 29.545 tỷ đồng theo các quyết định được ban hành tính đến ngày 14/3.
Đối với số tiền khoảng 32.000 tỷ đồng, nhà chức trách phải tiếp tục ra quyết định thu hồi, tuy nhiên việc này có thể bị chậm và ảnh hưởng đến quyền lợi của các trái chủ.
Vì vậy, bà Lan đề nghị SCB phối hợp với các cơ quan chức năng dùng số tiền thu hồi được để giải quyết cho các trái chủ và thu hồi đến đâu giải quyết đến đó.
Trước khi kết thúc phần thẩm vấn, luật sư Phan Trung Hoài cũng đặt nhiều câu hỏi đối với đại diện SCB, rằng nhiều khoản tiền bà Lan cho rằng là của bà và vay mượn từ nước ngoài chuyển vào SCB, phía ngân hàng có ý kiến gì; hiện nay SCB còn ghi nhận tỷ lệ vốn góp của nhóm cổ đông nước ngoài thế nào… Tuy nhiên, đại diện cho SCB cho biết không có ý kiến gì về những câu hỏi này, thông tin có trong hồ sơ vụ án và đã được các cơ quan tố tụng đã kết luận.
Phiên tòa tiếp tục với phần xét hỏi của các luật sư bào chữa cho nhóm bị cáo là đồng phạm của bà Lan.
Trong phạm vi giai đoạn 2 của vụ án đang phúc thẩm, bà Trương Mỹ Lan bị xác định về 3 tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản (30.081 tỷ đồng của 35.824 trái chủ) thông qua việc phát hành trái phiếu khống; Rửa tiền (445.747 tỷ đồng) và Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới (4,5 tỷ USD – tương đương 106.730 tỷ đồng).
Tuy nhiên, trả lời thẩm vấn của tòa trong phiên tòa ngày 26/3, bà cho rằng việc xử bà về các tội danh này là không đúng nhưng nhận trách nhiệm về toàn bộ hậu quả của vụ án.
Trong giai đoạn 1, bà Trương Mỹ Lan bị TAND Cấp cao tại TPHCM tuyên phạt mức án tử hình về tội Tham ô tài sản, 20 năm tù tội Đưa hối lộ, 16 năm tội Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng (bản án đã có hiệu lực pháp luật).
Nguồn: https://dantri.com.vn/phap-luat/ba-truong-my-lan-xin-giai-toa-ke-bien-tai-san-20250327141449338.htm