‘Thiên hạ suốt ngày nói bị cáo lấy tiền của SCB đi đâu’
Bà Trương Mỹ Lan (chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) khẳng định mình không có ý kêu oan, mà chỉ xin xét lại quá trình, bối cảnh hành vi của bà.
Bà Lan cho rằng trước khi tái cơ cấu, nợ của SCB lên đến 125.000 tỉ, tài sản không đủ pháp lý, lãi suất vay cao. SCB gặp rất nhiều khó khăn, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước mời bà tham gia tái cơ cấu SCB.
“Suốt 20 năm nay suốt ngày bị cáo đưa tiền, tài sản vào SCB. Những tòa nhà của bị cáo có từ mấy chục năm trước nên Ngân hàng Nhà nước mới mời bị cáo vào hợp nhất SCB, nhưng thiên hạ suốt ngày nói bị cáo lấy tiền SCB đi đâu. Bị cáo chưa bao giờ có chữ ký nào ở SCB, không biết chủ tịch, nhân viên nào ở SCB” – bà Lan nói.
“Bị cáo liệt kê những tài sản nào SCB mượn của bị cáo?” – chủ tọa hỏi. Bà Lan cho biết bà không đủ thời gian để liệt kê. Bà chỉ kể ra một số tài sản như tòa nhà Timesquare, tòa nhà An Đông,…
Chủ tọa tiếp tục hỏi các tài sản này có thế chấp để vay của các ngân hàng khác không? Bà Lan nói các tòa nhà này không thế chấp ở bất cứ ngân hàng nào.
Điển hình, tòa nhà An Đông chỉ thế chấp để vay mấy trăm tỉ nhưng mấy tháng sau đã trả hết. Ngoài ra không thế chấp ở bất cứ ngân hàng nào. Các tòa nhà của Vạn Thịnh Phát chỉ dùng để cho thuê, chứ không vay để đầu tư.
Vay tái cơ cấu chứ không có tiền
“Tài liệu của cơ quan điều tra cho thấy các tòa nhà đã bị thế chấp để vay ở các chi nhánh SCB, chiếm 48% dư nợ của SCB, tài liệu này đúng không?” – chủ tọa nói. Bà Lan cho rằng không có chuyện đó. Bà Lan cho rằng các khoản vay của SCB là để cơ cấu SCB, chứ thực chất không giải ngân.
Chủ tọa hỏi bà Lan có gì để chứng minh không? Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát nói có thể chứng minh được, như khách sạn Windsor trước khi khánh thành thì đã thế chấp cho Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM để vay 15.000 tỉ cho SCB. Các tòa nhà Windsor và Timesquare không có hồ sơ vay ở ngân hàng cũ.
Chủ tọa hỏi: “Trước khi sáp nhập 3 ngân hàng, tổng tài sản của bị cáo có những gì?”. Bà Lan trả lời trước khi sáp nhập bà Lan có tòa nhà An Đông, tòa nhà Windsor, tòa nhà Sherwood…
Về nguồn tiền hình thành tài sản, bà Lan nói các tài sản hình thành từ quá trình kinh doanh, tích lũy của cả gia tộc. Bà Lan khẳng định không dùng tiền của SCB để tiêu dùng hay mua tài sản.
“Nếu nói SCB mượn tài sản của bị cáo thì tại sao bị cáo lại khắc phục?” – chủ tọa hỏi. “Bị cáo không muốn như vậy, nhưng điều tra nói bị cáo như thế thì không lẽ bị cáo để cho các nhân viên chịu sao, bị cáo chấp nhận cùng anh em chia sẻ” – bà Lan nói.
Bà Trương Mỹ Lan xin lại biệt thự cổ cùng nhiều bất động sản
Tại tòa, bà Trương Mỹ Lan xin hội đồng xét xử cho bà xin lại căn nhà cổ số 110 Võ Văn Tần, quận 3. Căn nhà cổ này là của bà cho con gái, được nhiều kỹ sư Việt Nam và nước ngoài trùng tu để bảo tồn. Bà Lan lo sợ căn nhà bị kê biên, để lâu căn nhà sẽ xuống cấp rất phí.
Ngoài ra, bà Lan cũng xin lại tòa nhà 78 Nguyễn Huệ, quận 1 của con gái Chu Duyệt Phấn.
Đối với tòa nhà số 19-25 Nguyễn Huệ, có diện tích 400m2. Trước đây, bà cho Ngân hàng Hàn Quốc thuê với giá 500.000 USD, nhưng sau khi ông Võ Tấn Hoàng Văn làm việc với con gái bị cáo thì con gái bị cáo cho SCB thuê với giá 400.000 USD, nhưng 2 năm nay SCB không trả tiền thuê.
Đồng thời bà Lan cũng xin lại một số tài sản khác đang bị kê biên.
Nguồn: https://tuoitre.vn/ba-truong-my-lan-xin-lai-can-biet-thu-co-cho-con-gai-va-nhieu-tai-san-khac-20241104170909397.htm