Tổng thống Nga Vladimir Putin đã chúc mừng lễ nhậm chức lần thứ hai của Tổng thống Mỹ Donald Trump bằng những lời khen ngợi nồng nhiệt, nói rằng ông Trump đã thể hiện “lòng dũng cảm” trong chiến dịch tranh cử và giành được “chiến thắng thuyết phục” trong cuộc bầu cử.
Nhưng vài giờ sau đó, tại Phòng Bầu dục, ông Trump vẫn không phản hồi lời khen ngợi của nhà lãnh đạo Nga.
Thay vào đó, ông Trump đã đưa ra những bình luận gay gắt về người đồng cấp Nga, nói rằng ông Putin đang “hủy hoại nước Nga”.
“Ông ấy nên đạt được một thỏa thuận. Tôi nghĩ ông ấy đang hủy hoại nước Nga bằng cách không đạt được một thỏa thuận nào”, ông Trump tuyên bố.
Ông Trump nói rằng ông có kế hoạch sớm gặp ông Putin, nhưng không chắc liệu người đứng đầu Điện Kremlin có tìm kiếm giải pháp đàm phán hay không.
Truyền thông Mỹ nhận định, ông Trump gửi thông điệp gay gắt “chưa từng thấy” trong những tháng gần đây cho ông Putin, tập trung vào thiệt hại kinh tế mà cuộc xung đột Ukraine gây ra cho Nga.
“Tôi nghĩ Nga sẽ gặp rắc rối lớn. Hãy nhìn vào nền kinh tế của họ. Hãy nhìn vào lạm phát của họ ở Nga. Tôi rất hiểu ông ấy. Tôi hy vọng ông ấy muốn đạt được một thỏa thuận”, ông Trump nhấn mạnh.
Ông Trump cũng đề cập đến con số thương vong của quân đội Nga sau 3 năm xung đột. Tân tổng thống Mỹ cho rằng đây là một tổn thất lớn đối với Nga.
“Hàng triệu người đang bị thiệt mạng. Đây là một tình huống tàn khốc”, ông nói.
“Nga đã mất khoảng 800.000 binh lính tính đến nay. Ukraine đã mất khoảng 600.000 hoặc 700.000. Tôi nghĩ rằng con số này thấp hơn những gì họ đưa ra”, ông Trump cho biết thêm.
Theo các nhà phân tích, việc tập trung vào vấn đề kinh tế và tổn thất của Nga cho thấy chính quyền Trump dường như hiểu rằng Moscow có thể đang chịu áp lực về thời gian và Washington có thể “tranh thủ” điểm yếu này.
Trong cuộc phỏng vấn tại Nhà Trắng hôm 21/1, khi được hỏi liệu ông có áp đặt thêm lệnh trừng phạt đối với Moscow hay không nếu Tổng thống Putin từ chối tham gia các cuộc đàm phán hòa bình, ông Trump trả lời: “Có khả năng như vậy”.
Trước đây, trong suốt chiến dịch tranh cử vào Nhà Trắng, cả Tổng thống Trump và Phó Tổng thống J.D. Vance đều bày tỏ sự hoài nghi về việc Mỹ tiếp tục can dự vào cuộc chiến ở Ukraine. Tổng thống Trump và “phó tướng” của ông cho rằng Ukraine nên chấp nhận một lệnh ngừng bắn với Nga, mặc dù đã mất một phần lãnh thổ.
Giới chức Nga hiểu rằng ông Trump không phải người dễ đoán.
Cố vấn chính sách đối ngoại của ông Putin, Yuri Ushakov, nói rằng Nga đang “xem xét” các bình luận của ông Trump, nhưng vẫn chờ các trợ lý của ông chủ Nhà Trắng liên hệ về các cuộc đàm phán tiềm năng.
“Chúng tôi sẵn sàng và cởi mở đối thoại với chính quyền mới của Mỹ về cuộc xung đột ở Ukraine. Nếu có các tín hiệu liên quan đến từ Washington, chúng tôi sẽ tiếp nhận và sẵn sàng đàm phán”, ông Ushakov cho biết.
Khi được hỏi khi nào ông sẽ gặp Putin, Tổng thống Trump trả lời: “Bất cứ khi nào họ muốn, tôi sẽ gặp”.
Hạn chót bị bỏ lỡ
Trong chiến dịch tranh cử, ông Trump nhiều lần tuyên bố sẽ chấm dứt xung đột Ukraine trong 24 giờ sau khi nhậm chức. Tuy nhiên, hạn chót này đã qua và Tổng thống Trump không thực hiện được cam kết do chính ông đưa ra.
Hạn chót bị bỏ lỡ, cùng với việc ông Trump đề cập rất ít tới cuộc xung đột Ukraine trong diễn văn nhậm chức hôm 20/1, đã cho thấy mức độ khó khăn của việc tìm ra giải pháp cho cuộc chiến này.
Trong danh sách dài các ưu tiên mà ông Trump đã nêu trong diễn văn nhậm chức, Ukraine không được nhắc đến. Mặc dù ông Trump tự nhận mình là “người kiến tạo hòa bình”, nhưng ông không đưa ra bất kỳ cam kết cụ thể nào về việc tiếp tục viện trợ cho Kiev.
Khi được hỏi cuộc chiến sẽ kéo dài bao lâu, ông Trump nói với các phóng viên rằng ông không thể trả lời trước khi nói chuyện với nhà lãnh đạo Nga.
Cho đến nay, ông Trump vẫn chưa đưa ra chiến lược cụ thể để chấm dứt xung đột Ukraine.
Theo Oleksandr Merezhko, người đứng đầu ủy ban đối ngoại của quốc hội Ukraine, Tổng thống Trump và đội ngũ của ông có thể đã bắt đầu nhận ra rằng, ý tưởng chấm dứt chiến tranh trong 24 giờ, hoặc thậm chí trong vòng 6 tháng, là “quá tham vọng và phức tạp”.
“Bây giờ họ thực tế hơn và đang điều chỉnh một chút chiến lược của mình”, ông Merezhko cho biết.
Một số tuyên bố gần đây của ông Trump và các đồng minh dường như hướng đến việc đạt được một thỏa thuận hòa bình từ vị thế mạnh hơn.
“Tôi muốn đạt được thỏa thuận và cách duy nhất để đạt được thỏa thuận là không từ bỏ Ukraine”, ông Trump nói trong một cuộc phỏng vấn với tạp chí Time vào tháng 12/2024.
Trong khi đó, tạp chí Financial Times đầu tháng này dẫn lời của 2 quan chức châu Âu cho biết, viện trợ của Mỹ cho Ukraine sẽ vẫn tiếp tục sau lễ nhậm chức của ông Trump.
“Toàn bộ nhóm của ông Trump bị ám ảnh bởi sức mạnh, vì vậy họ đang hiệu chỉnh lại cách tiếp cận đối với Ukraine”, một quan chức cho biết.
Các cố vấn của ông Trump cũng đang xây dựng một chiến lược toàn diện để áp đặt lệnh trừng phạt đối với Nga, nhằm gây áp lực buộc Moscow phải đạt được thỏa thuận hòa bình, theo Bloomberg.
“Tôi không nghĩ ông Trump muốn tỏ ra yếu đuối so với ông Putin, hoặc chịu trách nhiệm cho việc “mất Ukraine” giống như cách ông Biden “mất Afghanistan”, Roland Paris, giáo sư về các vấn đề quốc tế tại Đại học Ottawa, nói.
“Ông ấy muốn được coi là người kiến tạo hòa bình, người kết thúc, thay vì bắt đầu, các cuộc chiến tranh, và ông ấy muốn tỏ ra mạnh mẽ khi làm như vậy”, chuyên gia Paris nhận định.
Nguồn: https://dantri.com.vn/the-gioi/bai-toan-moi-cua-tong-thong-trump-khi-lo-hen-cham-dut-xung-dot-ukraine-20250122160337315.htm