Thứ sáu, Tháng Một 24, 2025
HomeKinh DoanhBàn giải pháp nâng cao chất lượng sản xuất và tiêu thụ...

Bàn giải pháp nâng cao chất lượng sản xuất và tiêu thụ chè

Tại Diễn đàn, Tổng Biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam Nguyễn Ngọc Thạch cho rằng, Việt Nam hiện đứng thứ 5 thế giới về xuất khẩu chè, với sản phẩm được xuất khẩu đến hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tuy nhiên, giá chè xuất khẩu bình quân của nước ta hiện chỉ đạt khoảng 65% so với mức bình quân của thế giới và chỉ bằng 55% giá bình quân của chè xuất khẩu từ Ấn Độ và Sri Lanka.

Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng giá chè xuất khẩu bình quân của nước ta còn thấp do phần lớn chè xuất khẩu của Việt Nam là chè thô, chưa qua chế biến sâu, đóng gói đơn giản, thiếu nhãn mác, thương hiệu rõ ràng… Điều này khiến chè Việt Nam khó cạnh tranh với các sản phẩm chè đến từ các quốc gia khác.

Thu hoạch chè tại vùng chè đặc sản Tân Cương, TP Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên.
Xây dựng mô hình sản xuất chè an toàn

Còn theo Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam Hoàng Vĩnh Long, ngành chè nước ta có hơn 1,5 triệu người trực tiếp tham gia trồng và sản xuất chè và khoảng 2,5 triệu người gián tiếp tham gia vào quá trình sản xuất, chế biến và tiêu thụ chè.

Mặc dù, trong những năm qua, sản lượng và số lượng xuất khẩu lớn nhưng giá trị thu được của mặt hàng này chưa cao, tính cạnh tranh của mặt hàng còn thấp, giá cả sản phẩm không ổn định trên thị trường quốc tế và vẫn còn phụ thuộc vào một số thị trường chính.

Trong khi, đa số các doanh nghiệp chè hiện nay đều ý thức và nắm bắt được xu hướng tiêu dùng cũng như thách thức từ các rào cản kỹ thuật ở thị trường nhập khẩu. Đồng thời, thị trường nội địa cũng ghi nhận sản lượng tiêu dùng ngày càng tăng khi người tiêu dùng ngày càng ưu tiên sản phẩm có chất lượng, uy tín và nguồn gốc rõ ràng.

Bàn giải pháp nâng cao chất lượng sản xuất và tiêu thụ chè ảnh 2

Các đại biểu tham dự diễn đàn kết nối sản xuất và tiêu thụ chè.

Do vậy, để ngành chè Việt Nam thực sự bứt phá về chất lượng và sản lượng, từng bước giữ vị thế vững chắc trên thị trường quốc tế, theo Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam Hoàng Vĩnh Long, các địa phương, doanh nghiệp cần phải đẩy mạnh sản xuất chè an toàn, chất lượng cao; nâng cao năng lực chế biến chè, tăng cường quảng bá thương hiệu sản phẩm chè thông qua các chương trình xúc tiến thương mại trong nước và quốc tế…

Do vậy, diễn đàn là một trong những hoạt động thiết thực với mục đích truyền thông, phổ biến rộng rãi bộ giống chè mới, kinh nghiệm đổi mới bộ giống chè, áp dụng kỹ thuật canh tác tiên tiến và chế biến các sản phẩm chè. Kinh nghiệm chuyển đổi cơ cấu sản xuất từ cây trồng khác sang trồng chè chất lượng cao.

Các yêu cầu thị trường đối với sản phẩm chè, đồng thời giải đáp những thắc mắc, khó khăn, vướng mắc của địa phương, doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân trong quá trình sản xuất, chế biến, xuất khẩu chè an toàn, chất lượng cao.

Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam và nhiều ý kiến tại diễn đàn cho rằng, hành trình thay đổi tư duy để tìm con đường thương mại mới cho ngành chè Việt Nam không phải là việc làm một “một sớm một chiều”. Nhưng nếu ngay từ bây giờ, chúng ta có một cách tiếp cận tổng thể, từ cấp nông hộ đến doanh nghiệp và cả sự đồng hành, hỗ trợ từ Chính phủ, cơ quan quản lý nhà nước, các nhà khoa học, cơ quan truyền thông… thì ngành chè nước ta sẽ ngày một tươi sáng hơn, tạo ra lợi thế cạnh tranh đặc biệt cho ngành chè Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Theo Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), diện tích chè cả nước năm 2023 đạt hơn 122.000ha, giảm khoảng 12.000ha so năm 2015, tốc độ giảm bình quân 0,32%/năm. Nguyên nhân do Lâm Đồng và một số tỉnh miền núi phía bắc đã chuyển đổi diện tích chè già cỗi, giống cũ, năng suất và chất lượng thấp sang cây trồng khác, đặc biệt chuyển đổi sang cây ăn quả tại các tỉnh miền núi phía bắc.

Nguồn: https://nhandan.vn/ban-giai-phap-nang-cao-chat-luong-san-xuat-va-tieu-thu-che-post843172.html

NhanDan Logo

Hello Mình là Cải

Theo dõi
Thông báo của
0 Góp ý
Mới nhất
Cũ nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận

Tin Nóng Hôm Nay