Theo cây bút Peter Suciu, người chuyên phân tích các xu hướng trên mạng xã hội của tờ Forbes, thời điểm mà phương tiện truyền thông xã hội đóng vai trò lớn trong đời sống, quan điểm của công chúng ngày càng có sức nặng thì im lặng trong kỳ bầu cử Mỹ không phải lựa chọn khôn ngoan của những người nổi tiếng.
Đặc biệt là với sự phát triển của văn hóa thần tượng trong 10 năm trở lại đây, những người hâm mộ luôn chờ đợi người mà mình ngưỡng mộ bày tỏ quan điểm, góc nhìn về một vấn đề nào đó để hưởng ứng cho “chắc ăn”, trong trường hợp này là người mà họ sẽ bầu làm tổng thống.
Con dao hai lưỡi
Lúc này, những ngôi sao chọn giữ quan điểm trung lập sẽ bị người hâm mộ đồn đoán là ủng hộ bên đối lập trong tâm trí của họ, dần dần, lựa chọn im lặng hay lên tiếng không còn nằm trong tay các thần tượng nữa.
Nhìn từ trường hợp của Chappell Roan, nữ thần tượng nổi tiếng là tương tác với các fan nhiệt tình thông qua mạng xã hội TikTok hay Instagram bỗng nhiên dính tranh cãi “từ trên trời rơi xuống” chỉ vì chọn giữ im lặng, không lên tiếng ủng hộ ông Donald Trump hay bà Kamala Harris.
Adrian Horton, nữ phóng viên của tờ The Guardian thì chỉ ra rằng sự trung lập này còn vô hình trung gây ảnh hưởng đến các tập đoàn quản lý hoặc những nhà tiếp thị; khiến các nhãn hàng phải gây áp lực lên các nghệ sĩ để họ nhanh chóng công bố ứng cử viên tổng thống mà họ ủng hộ vì mục đích quảng bá.
Đây cũng là tiền đề để tạo ra một “canh bạc”, nếu người họ ủng hộ không giành chiến thắng, chặng đường sự nghiệp sau này của các sao nhiều khả năng cũng sẽ bị ảnh hưởng.
Theo Brian Lowry, một nhà báo chuyên mảng truyền thông của CNN thì ngoại lệ thuộc về những người ở vị thế như Taylor Swift, Beyoncé, Oprah Winfrey, Harrison Ford, Bruce Springsteen, Leonardo DiCaprio, Robert De Niro…
Họ có thể thoải mái bày tỏ chính kiến của mình mà không ảnh hưởng quá nhiều đến vị thế siêu sao của họ, lúc này, các chính trị gia phải tìm đến họ để tìm sự ủng hộ chứ không phải ngược lại.
Một nước đi tiến bộ trong bầu cử Mỹ?
Với các fan của Taylor Swift thì một lời ủng hộ bà Kamala Harris của cô có ảnh hưởng hơn hàng trăm trang giấy mực của báo chí, các chuyên gia chính trị.
Bằng chứng rõ nhất là khi Taylor Swift đăng bài ủng hộ Harris vào tháng 9-2024, 406.000 người đã nhấp vào liên kết của cô ấy để đến Vote.gov, trang web bỏ phiếu của tiểu bang.
Không chỉ mỗi Taylor Swift, một nghiên cứu năm 2024 của Trường Harvard Kennedy cũng cho thấy những người nổi tiếng có thể khiến số lượng cử tri đăng ký bỏ phiếu tăng mạnh, đặc biệt là đối với những cử tri trẻ tuổi.
Tuy nhiên, điều này vốn dĩ không mới, nhớ thời tổng thống Barack Obama tranh cử năm 2008, một nghiên cứu của Đại học Kelogg đã chỉ ra rằng sự ủng hộ của Oprah Winfrey dành cho ông Obama đã kiếm về hơn 1 triệu phiếu bầu nhờ sức ảnh hưởng của bà trong showbiz.
Brian Lowry cũng nói thêm rằng chiến thuật này được áp dụng với quy mô lớn hơn nhiều trong kỳ bầu cử năm nay khi cả ông Donald Trump và bà Kamala Harris đều dùng sức mạnh của các sao để làm quân cờ tìm kiếm sự ủng hộ từ cử tri.
Trong “đấu trường siêu sao” này, ông Donald Trump có vẻ đã có phần lép vế so với đối thủ khi bà Harris có sự ủng hộ liên tục từ các nghệ sĩ lớn như Beyoncé, Bruce Springsteen, Stevie Wonder, Maggie Rogers, Willie Nelson, Jennifer Lopez, Oprah cùng nhiều người khác trong giai đoạn nước rút của kỳ bầu cử.
Tuy ta chưa biết được liệu những sự ủng hộ này có giúp bà Kamala Harris giành chiến thắng hay không, trong những tuần qua, chắc hẳn những độc giả thường xuyên theo dõi diễn biến bầu cử đều cảm nhận được làn gió mới mà những người nổi tiếng mang lại cho một sự kiện trọng đại của nước Mỹ.
Việc các nghệ sĩ thúc đẩy công dân thực hiện quyền bầu cử, vận động người trẻ, đặc biệt là gen Z quan tâm đến chính trị vẫn là một phong trào đáng khen.
Họ đang sử dụng quyền lực truyền thông của mình vì tương lai nước Mỹ, tựa như câu nói nổi tiếng của Người Nhện: Quyền lực càng cao, trách nhiệm càng lớn.
Nguồn: https://tuoitre.vn/bau-cu-my-va-su-on-ao-cua-nhung-nguoi-noi-tieng-khi-cong-khai-ung-ho-ong-trump-hay-ba-harris-20241106085822643.htm