Bầu Đức từ vui “không ngủ được” đến gánh lỗ mảng nuôi heo
Ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) cách đây 3 năm từng thừa nhận: “Lúc phát hiện ra con heo ăn chuối, tôi đã không ngủ được”. Đó là thời điểm Hoàng Anh Gia Lai – doanh nghiệp do ông làm Chủ tịch Hội đồng quản trị – tập trung cho việc trồng chuối và nuôi heo.
Theo tính toán của bầu Đức thời điểm đó, chuối được tận dụng làm thức ăn có sẵn cho heo, giúp giảm giá thành vì giá vốn chỉ 35.000 đồng/kg. Thậm chí tại kỳ họp với cổ đông năm 2021, bầu Đức còn cho rằng thức ăn chiếm 65% con heo, Hoàng Anh Gia Lai chủ động được đến 40% nên chuyện nuôi heo lỗ là không có.
Nuôi heo từ năm 2000, Hoàng Anh Gia Lai dần mở rộng cụm chuồng trại và gia tăng diện tích trồng chuối. Sở hữu chuỗi nuôi trồng khép kín, thậm chí dùng chuối thải ra để nuôi heo, bầu Đức tự tin mảng chăn nuôi này có hiệu suất lợi nhuận tốt. Kế hoạch nuôi 1 triệu con heo ăn chuối vào năm 2023 từng được hé lộ.
Sản phẩm heo ăn chuối cũng được doanh nghiệp giới thiệu ra thị trường, ban đầu qua chuỗi Bapifood. Có những thời điểm, heo ăn chuối “cháy hàng” trên thị trường, bởi được đánh giá thịt thơm, ngon, giá hợp lý.
Tuy nhiên, hiệu quả kinh doanh của Hoàng Anh Gia Lai qua các năm đang giảm dần, thậm chí xuất hiện thua lỗ vào quý IV/2024.
Mảng chăn nuôi heo đem lại doanh thu cho Hoàng Anh Gia Lai từ năm 2020, với 121 tỷ đồng đầu tiên. Biên lợi nhuận gộp đạt 6%.
Năm 2021, doanh thu mảng này tăng trưởng gấp 4,6 lần năm trước, đạt hơn 557 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp bất ngờ gia tăng lên 52,6%.
Năm 2022, doanh thu bán heo tiếp tục gia tăng lên 1.697 tỷ đồng, gấp 3 lần năm trước. Biên lợi nhuận gộp giảm còn 33,6%.
Năm 2023, mảng heo có doanh thu tăng chậm lại so với các giai đoạn trước. Mức tăng chỉ đạt gần 14%, lên 1.964 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp giảm sâu, còn 3,4%, được lý giải do giá heo hơi giảm mạnh, là tình hình chung của ngành trên cả nước.
Cũng trong năm này, Hoàng Anh Gia Lai công bố nghị quyết muốn chuyển nhượng toàn bộ cổ phần của Công ty cổ phần Bapi Hoàng Anh Gia Lai. Doanh nghiệp này gắn với thương hiệu heo ăn chuối Bapi mà Hoàng Anh Gia Lai hợp tác cùng đối tác, cho ra đời từ năm 2022, nghĩa là mới chỉ tồn tại được 1 năm.
Đến năm 2024, doanh thu bán heo vẫn đem lại gần 1.004 tỷ đồng cho Hoàng Anh Gia Lai nhưng đã giảm 49% so với năm trước. Biên lợi nhuận gộp còn khoảng 10%.
Tuy nhiên, trong quý IV/2024, doanh thu bán heo giảm sâu (giảm 66%) và lần đầu tiên ghi nhận lỗ gộp 49 tỷ đồng.
Khó khăn về chăn nuôi heo đã được ban lãnh đạo Hoàng Anh Gia Lai báo trước. Nhìn nhận về mảng này trong năm 2023, ban lãnh đạo công ty cho biết ngành chăn nuôi heo toàn thế giới gặp nhiều thách thức. Giá thịt heo từ đầu tháng 7/2023 đến cuối năm liên tiếp giảm do nhu cầu nhập khẩu ở các nước châu Á chậm, trong khi nguồn cung ở một số nước xuất khẩu dồi dào.
Ngoài ra, tại Trung Quốc, nguồn heo hơi dồi dào nhưng mức tiêu thụ thấp hơn năm trước khiến giá giảm, thị trường thịt chịu áp lực giảm nên chăn nuôi heo hầu như không có lợi nhuận.
Vì vậy, ngay từ những tháng đầu năm 2023, nhận thấy tình hình chăn nuôi sẽ khó khăn, ban lãnh đạo công ty không đưa vào kế hoạch xây dựng thêm chuồng trại mới mà tập trung giảm chi phí, nâng cao chất lượng sản phẩm, tận dụng chuồng trại hiện có để tăng sản lượng.
Năm 2024, trong kế hoạch đầu tư, Hoàng Anh Gia Lai không nêu mảng chăn nuôi heo mà chỉ tập trung mở rộng diện tích chuối và sầu riêng – 2 loại cây chủ lực của tập đoàn. Cập nhật đến cuối tháng 10/2024, doanh nghiệp cho biết diện tích sầu riêng đạt gần 2.000ha, chuối 7.000ha.
Các đại gia chăn nuôi heo khác lãi lớn
Trong khi Hoàng Anh Gia Lai thu hẹp mảng kinh doanh từng được kỳ vọng lớn thì các doanh nghiệp chăn nuôi heo khác ghi nhận kết quả tích cực.
Công ty Cổ phần Nông nghiệp BaF Việt Nam (mã chứng khoán: BAF) – chủ thương hiệu heo ăn chay đối trọng với heo ăn chuối của bầu Đức một thời – ghi nhận kết quả kinh doanh tích cực nhờ giảm chi phí.
Năm 2024, BaF Việt Nam đạt doanh thu 5.554 tỷ đồng, tăng 7% và lợi nhuận sau thuế gần 324 tỷ đồng, gấp 11 lần so với năm trước. Biên lợi nhuận gộp mảng chăn nuôi đạt 21,2%.
Đại gia phía Bắc về chăn nuôi lợn là Công ty cổ phần Tập đoàn Dabaco Việt Nam (mã chứng khoán: DBC) có lợi nhuận quý IV/2024 gấp 37 lần cùng kỳ năm trước, đạt gần 239 tỷ đồng. Giải trình biến động, doanh nghiệp nêu quý này, giá nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi trong nước và nhập khẩu ổn định, dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm được kiểm soát, người chăn nuôi đẩy mạnh tái đàn, nhu cầu sử dụng thức ăn chăn nuôi tăng.
Bên cạnh đó, giá lợn hơi duy trì ở mức cao trong những tháng cuối năm, các công ty trong tập đoàn làm tốt công tác an toàn sinh học, phòng ngừa dịch bệnh, nâng cao năng suất. Từ đó, kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của các đơn vị chăn nuôi gia súc đạt tốt so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung cả năm 2024, Dabaco ghi nhận doanh thu thuần gần 13.574 tỷ đồng, tăng 22%; lợi nhuận sau thuế đạt 769 tỷ đồng, gấp gần 31 lần so với năm trước.
Còn Công ty cổ phần Masan MEATLife (mã chứng khoán: MML) – đơn vị vận hành hệ thống các trại nuôi heo, gà và các tổ hợp giết mổ, chế biến – có doanh thu quý IV/2024 tăng 24%, lên 2.204 tỷ đồng. Công ty lãi 85 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm trước lỗ 106 tỷ đồng.
Nói về kết quả này, công ty cho biết doanh thu tăng trưởng từ thịt ủ mát và thịt chế biến. Cùng với đó, chi phí sản xuất được kiểm soát tối ưu, đặc biệt là mảng trang trại gà và chi phí thức ăn chăn nuôi giảm.
Tính chung cả năm 2024, Masan MEATLife lãi hơn 25 tỷ đồng trong khi năm trước lỗ đậm 540 tỷ đồng.
Nguồn: https://dantri.com.vn/kinh-doanh/bau-duc-ganh-lo-vi-nuoi-heo-cac-dai-gia-chan-nuoi-khac-thi-sao-20250214083736377.htm