Chủ Nhật, Tháng hai 2, 2025
HomeĐời SốngBí ẩn trò diễn ngàn năm, người diễn phải đeo mặt nạ...

Bí ẩn trò diễn ngàn năm, người diễn phải đeo mặt nạ ở xứ Thanh

Bí ẩn trò diễn ngàn năm, người diễn phải đeo mặt nạ ở xứ Thanh

Nét độc đáo, bí ẩn của trò Xuân Phả (Thanh Hóa) có từ ngàn năm là người diễn phải dùng mặt nạ, mô phỏng các nước lân bang đến tiến cống vua Đại Việt.

Năm nào cũng vậy, cứ vào đầu tháng 2 âm lịch, người dân làng Xuân Phả, xã Xuân Trường, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa lại tụ họp và diễn lại điệu múa dân gian độc đáo “có một không hai” này – trò Xuân Phả. Đây là một trong những trò diễn tiêu biểu, lưu dấu quá khứ hào hùng của dân tộc qua các vương triều trong lịch sử phong kiến.

Trò diễn “có một không hai”

“Ăn bánh với giò không bằng xem trò Xuân Phả” – đó là câu nói quen thuộc đối với người dân xã Xuân Trường, quê hương của trò múa Xuân Phả. Có dịp về Lam Kinh đúng lễ hội, chúng ta sẽ được chứng kiến không khí hết sức náo nhiệt, tưng bừng với nhiều trò diễn hay, đặc sắc như: “Hội thề Lũng Nhai”, “Lê Lợi vi quân, Nguyễn Trãi vi thần”, “vua Lê Thái Tổ đăng quang”… và điều đặc biệt không thể thiếu trong Lễ hội Lam Kinh là trò diễn Xuân Phả.

Bí ẩn trò diễn ngàn năm, người diễn phải đeo mặt nạ ở xứ Thanh- Ảnh 1.

Đây là trò diễn độc đáo, bí ẩn có từ ngàn năm trước ở xứ Thanh

Truyền thuyết địa phương kể lại rằng, trò diễn Xuân Phả có từ thời nhà Đinh. Tích xưa kể lại rằng, khi đất nước có giặc ngoại xâm, nhà vua cho sứ giả đi khắp nơi cầu bách linh, bách tính và hiền tài cùng đứng lên đánh giặc cứu nước. Khi quan quân đi đến bờ sông Chu, gần làng Xuân Phả thì trời tối và gặp mưa to, gió lớn. Sứ thần cùng đoàn tùy tùng phải trú ngụ trong ngôi miếu nhỏ ở ven sông.

Đêm đến, Thành hoàng làng Xuân Phả hiển linh báo mộng bày cách đánh giặc. Sứ giả trong lòng vô cùng phấn khởi, vội quay về kinh đô đem chuyện báo mộng tâu với nhà vua. Nghe có lý, nhà vua lập tức thân hành cùng quan quân lên đường. Khi gặp giặc, nhà vua đã làm đúng như lời dặn của vị Thành hoàng làng. Quả nhiên giặc bị tiêu diệt.

Đất nước yên bình, nhà vua mở hội mừng công. Để tỏ lòng biết ơn vị Thành hoàng làng có công lớn với đất nước, nhà vua đã ban đạo sắc phong hiệu cho Thành hoàng làng Xuân Phả là “Đại Hải Long Vương Hoàng Lang tướng quân” và truyền cho dân làng Xuân Phả lập đền thờ; đồng thời ban thưởng những điệu múa hát hay nhất, đẹp nhất mang tên làng Xuân Phả.

Trò diễn Xuân Phả gồm 5 điệu múa dân gian đặc sắc với tên “Ngũ quốc lân bang đồ tiến cống” gồm các trò Chiêm Thành, Ai Lao, Ngô Quốc, Hoa Lang và Lục Hồn Nhung (Tú Huần) mô phỏng các bộ tộc và các nước lân bang đem đồ tiến cống vua Đinh, vừa tỏ lòng khâm phục vua nước Đại Việt, vừa tỏ mối giao bang hòa hảo.

Bí ẩn trò diễn ngàn năm, người diễn phải đeo mặt nạ ở xứ Thanh- Ảnh 2.
Bí ẩn trò diễn ngàn năm, người diễn phải đeo mặt nạ ở xứ Thanh- Ảnh 3.

Nét độc đáo của trò diễn này là những người hóa thân vào nhân vật đều phải đeo mặt nạ

Độc đáo của trò Xuân Phả là có ba điệu mà người diễn phải dùng mặt nạ, đó là điệu Chiêm Thành, Hoa Lang và Lục Hồn Nhung. Hàng ngày, bà con xóm làng không ai là không biết nhau, đặc biệt là các nghệ sĩ tham gia múa Xuân Phả. Thế nhưng, khi đã hóa trang, vào vai rồi thì không ai nhận ra ai được nữa.

Ở trò Chiêm Thành, áo chúa bằng đậu, áo quân bằng lụa, đều nhuộm đỏ hồng, không thêu thùa hoa văn. Áo phỗng là cổ sòi, cổ xiêm quấn xung quanh mình. Chúa và quân, quấn khăn vuông đỏ thành hai sừng thẳng đứng trên đầu, ngậm mặt nạ nửa mặt, hình béo mập, mắt bằng lông công… Trò Tú Huần có mũ loóng (bằng tre), mặt nạ gỗ hình bà cố, mặt nạ mẹ và mười người con xếp thứ tự từ nhỏ đến lớn…

Thông qua những trò diễn, điệu múa, nhà vua muốn nhân dân Xuân Phả phải biết đoàn kết, cùng nhau làm ăn lao động sản xuất… Điển hình, điệu múa Hoa Lang, người múa dùng những cái quạt, múa những động tác như là tung hoa, thể hiện sự vui mừng. Cùng với đó, người múa sử dụng những bài chèo thể hiện cuộc sống, làm ăn kiếm sống bằng đường sông nước. Hay điệu Lục Hồn Nhung thể hiện cuộc sống sinh hoạt trong một gia đình, có nhiều thế hệ gồm bà cố, có mẹ và có con… nhằm bảo ban con cháu phải biết sống kính trên, nhường dưới, đoàn kết trong gia đình.

Bí ẩn trò diễn ngàn năm, người diễn phải đeo mặt nạ ở xứ Thanh- Ảnh 7.
Bí ẩn trò diễn ngàn năm, người diễn phải đeo mặt nạ ở xứ Thanh- Ảnh 8.
Bí ẩn trò diễn ngàn năm, người diễn phải đeo mặt nạ ở xứ Thanh- Ảnh 9.

Trò Xuân Phả có từ thời nhà Đinh và được lưu giữ, bảo tồn tới tận ngày nay

Nỗ lực giữ gìn trò diễn cho thế hệ mai sau

Nghệ nhân ưu tú Bùi Văn Hùng (ngụ xã Xuân Trường, huyện Thọ Xuân) là người gắn bó trọn đời với trò Xuân Phả. Hiện nay ông cũng là một trong số ít những người còn lại tiếp tục công việc truyền dạy cho các thế hệ mai sau để bảo tồn di sản của cha ông.

Theo ông Hùng, năm 1990, khi nhà nước có chính sách phục hưng văn hoá dân tộc, xã Xuân Trường mới bắt đầu khôi phục trò diễn Xuân Phả. “Tôi là một trong số 20 thanh niên đầu tiên được các cụ trong làng lựa chọn để truyền dạy. Vào thời điểm đó, trong làng chỉ còn 4- 5 cụ có đủ sức khoẻ để truyền dạy lại các trò trong Xuân Phả”- ông Hùng chia sẻ.

Nghệ nhân Hùng cũng cho biết từ những năm 1930, trò Xuân Phả được mời đi trình diễn ở nhiều nơi, điển hình như năm 1935, trò Xuân Phả trình diễn tại hội chợ nông sản huyện Thọ Xuân, có các quan đầu tỉnh người Việt và người Pháp đến dự, năm 1936, vua Bảo Đại mời trò Xuân Phả diễn tại Hội chợ Kinh đô Huế, sau đó được đưa đi biểu diễn ở Sài Gòn và Hà Nội. Sau cách mạng Tháng 8, trò diễn Xuân Phả đã đi phục vụ công cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp…

Bí ẩn trò diễn ngàn năm, người diễn phải đeo mặt nạ ở xứ Thanh- Ảnh 10.

Hàng năm, cứ vào lễ hội Lam Kinh, người dân làng Xuân Phả lại tới để biểu diễn, đây là món ăn tinh thần không thể thiếu tại lễ hội

“Lo lắng nhất là người biết cầm trống. Đây là 1 trong 2 yếu tố quan trọng cấu thành trò diễn. Bởi, để đánh được trống thì đồng nghĩa người học phải thuộc được các điệu múa. Đồng thời, phải là người có đam mê, tâm huyết, có năng khiếu mới nắm được hồn điệu múa, gõ trống mới có hồn, người múa mới bắt được nhịp. Trong khi trong làng giờ người đánh được trống chỉ còn tính trên đầu ngón tay, và tuổi cũng đã cao”- ông Hùng trăn trở.

Để bảo tồn trò diễn độc đáo này, trong những năm qua, xã Xuân Trường cũng như huyện Thọ Xuân đều xây dựng kế hoạch, chương trình bảo tồn, phát huy Trò Xuân Phả theo cả chiều rộng và chiều sâu.

Kể từ năm 2009, Câu lạc bộ do ông Hùng chủ nhiệm cứ đều đặn tổ chức truyền dạy cho bình quân trên 100 cháu học sinh. Học sinh đến lớp 8-9 thì câu lạc bộ tổ chức truyền dạy để cho các cháu vừa làm quen vừa biết được truyền thống lịch sử, văn hóa địa phương. Khi lớn lên, các cháu sẽ là thế hệ kế cận, gìn giữ trò diễn độc đáo này để bảo tồn cho thế hệ mai sau.

Bí ẩn trò diễn ngàn năm, người diễn phải đeo mặt nạ ở xứ Thanh- Ảnh 11.
Bí ẩn trò diễn ngàn năm, người diễn phải đeo mặt nạ ở xứ Thanh- Ảnh 12.

Nghệ nhân Bùi Văn Hùng, người giữ hồn Xuân Phả, đang truyền dạy cho thế hệ trẻ

Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia

Với ý nghĩa và giá trị to lớn, năm 2012, tỉnh Thanh Hóa đã đưa toàn bộ năm trò diễn Xuân Phả nổi tiếng có tên “Ngũ quốc lân bang đồ tiến cống” – được ví như một đỉnh cao của nghệ thuật múa dân gian Việt Nam vào nội dung chính của Lễ hội Lam Kinh. Tháng 9-2016, Trò Xuân Phả được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.

Nhờ nghệ thuật diễn xướng bí ẩn, độc đáo, Trò Xuân Phả đã vượt ra khỏi không gian của một làng quê xứ Thanh để tham gia các sự kiện quan trọng của tỉnh Thanh Hóa, của đất nước như: Lễ hội chào thiên niên kỷ mới (năm 2000), Festival Huế, Lễ hội Lam Kinh, Thành nhà Hồ được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa Thế giới, Năm Du lịch Quốc gia 2015…

Nguồn: https://nld.com.vn/bi-an-tro-dien-ngan-nam-nguoi-dien-phai-deo-mat-na-o-xu-thanh-196250201085121138.htm

NLD Logo

Hello Mình là Cải

Theo dõi
Thông báo của
0 Góp ý
Mới nhất
Cũ nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận

Tin Nóng Hôm Nay