Tổn thương vì bị miệt thị ngoại hình
Đăng tải của một sinh viên trên diễn đàn mới đây thu hút hơn 1.300 lượt tương tác cảm xúc và hơn 500 lượt bình luận: “Có ai từng bị bạn bè xem thường chỉ vì vấn đề ngoại hình chưa ạ? Mình thường mặc những bộ đồ đơn giản, mua sắm theo tiêu chí đủ dùng, nhưng hiện tại, mình nhận thấy có một số bạn học thể hiện thái độ xem thường mình vì phong cách ăn vận của mình.
Mình tin rằng giá trị của con người không nằm ở những thứ bên ngoài, chẳng hạn như trang phục và phụ kiện, mà chủ yếu nằm ở tâm hồn. Tuy nhiên, mình nhận thấy trong đời sống xã hội hiện nay, nhiều người rất đề cao việc ăn vận thời thượng, trau chuốt ngoại hình.
Nhiều khi người ta đánh giá nhau cũng bắt đầu từ yếu tố ngoại hình, phong cách. Mình cảm thấy mệt mỏi với những áp lực dạng này, mình muốn sống thoải mái theo phong cách của mình, nhưng nhiều khi không tránh khỏi việc bị nhìn ngó, nhận xét tiêu cực và cảm thấy bị tổn thương…”.
Trong các bình luận tương tác của cộng đồng mạng, đa số mọi người đều cho rằng bạn sinh viên cần công bằng, khách quan tự đánh giá lại cách ăn vận của mình, vì có thể theo tiêu chí thẩm mỹ thời trang hiện nay, phong cách của bạn quá lệch nhịp, đến mức trở nên lạ lùng, lập dị. Bạn sinh viên có thể hỏi thêm ý kiến từ những người có nhiều thiện chí với mình để có sự điều chỉnh phù hợp.
“Xuề xòa quá mức cũng là tự coi thường bản thân và những người xung quanh”, một cư dân mạng bình luận và nhận được hơn 100 lượt tương tác ủng hộ. Bài đăng của bạn sinh viên đặt ra một số câu hỏi: Vậy phong cách, ngoại hình có quan trọng không? Các bạn sinh viên có nên để tâm nhiều tới vấn đề thời trang, phong cách của bản thân hay không?
Góc nhìn của chuyên gia xã hội học
Về vấn đề này, tờ Nevada Today – tờ tin tức dành cho sinh viên của Đại học Nevada, Reno (Mỹ) – đã có bài phân tích với tiêu đề: “Diện mạo có ảnh hưởng tới mức độ thành công của chúng ta không?”.
Bà Kjerstin Gruys – tác giả của bài viết, giáo sư giảng dạy tại khoa xã hội học của Đại học Nevada, Reno – cho biết đã có nhiều nghiên cứu thuộc lĩnh vực khoa học xã hội cho thấy diện mạo có ảnh hưởng tới trải nghiệm và cơ hội của con người trong công việc và cuộc sống.
Các bạn sinh viên có nên để tâm nhiều tới vấn đề thời trang, phong cách của bản thân hay không? (Ảnh minh họa: iStock).
Trước hết, những người có ngoại hình ấn tượng thường có nhiều lợi thế. Trong lĩnh vực tâm lý học, có một khái niệm là “hiệu ứng vầng hào quang”. Nhìn chung, mọi người thường có những ấn tượng đẹp gắn liền với vẻ đẹp diện mạo. Khi mới gặp một người, nếu người đó có ngoại hình ấn tượng, chúng ta thường cho rằng người này sẽ có nhiều điều tích cực, ấn tượng, đáng chú ý.
Trong môi trường làm việc, người có ngoại hình đẹp cũng thường được các đồng nghiệp yêu thích hơn. Trong chuyện hẹn hò, người có ngoại hình đẹp có nhiều cơ hội hơn.
Nhà kinh tế học người Mỹ David Hamermesh còn cho rằng những người có ngoại hình đẹp sẽ có khả năng được tuyển dụng cao hơn, được trả mức lương tốt hơn, có thể kết hôn với bạn đời có ngoại hình đẹp và vị thế xã hội lý tưởng hơn…
Dù vậy, nhà kinh tế học David Hamermesh cho biết những người quyết định thay đổi bản thân không nên kỳ vọng quá nhiều khi vừa cải thiện vấn đề ngoại hình. Việc cải thiện ngoại hình, phong cách của bản thân nên là một quá trình đầu tư khôn ngoan và dài hạn. Việc chi quá nhiều tiền hoặc dành quá nhiều thời gian, sức lực cho việc chăm sóc ngoại hình không phải là điều nên làm đối với sinh viên.
Trong khảo sát đối với gần 2.800 người, nhà kinh tế học David Hamermesh nhận thấy ở thời điểm cuối ngày, 95% số người tham gia khảo sát đều được chấm số điểm ngoại hình ở mức trung bình. Như vậy, vào lúc cuối ngày, sau khi kết thúc một ngày học tập, làm việc, những khác biệt về ngoại hình giữa chúng ta giảm đi rất nhiều.
Cơ bản, ở thời điểm đầu ngày, phong cách tổng thể, thần thái, năng lượng, tác phong của một người có tác động rất lớn tới cảm nhận về vẻ đẹp của một cá nhân.
Vấn đề ngoại hình và cảm nhận về hạnh phúc
Những người có ngoại hình ấn tượng thường có nhiều lợi thế (Ảnh minh họa: iStock).
Nhiều nghiên cứu xã hội học kết luận rằng người có ngoại hình đẹp thường dễ đạt được thành công hơn. Sự thành công này thường gắn liền với các tiêu chí về tiền bạc và địa vị. Dù vậy, vẻ đẹp ngoại hình không dự báo trước được mức độ hạnh phúc và sự hài lòng của một cá nhân trong cuộc sống.
Những người có ngoại hình đẹp chưa chắc vui vẻ, hạnh phúc hơn những người có ngoại hình bình thường.
Các nghiên cứu tâm lý học xã hội chỉ ra rằng yếu tố duy nhất dự báo trước được mức độ hạnh phúc của một cá nhân nằm ở chất lượng các mối quan hệ xã hội của người đó. Nếu một người muốn cảm thấy hạnh phúc và hài lòng hơn trong cuộc sống, họ nên tìm cách cải thiện chất lượng các mối quan hệ của bản thân.
Sự phân biệt đối xử vì vấn đề ngoại hình có đáng để tâm không?
Trong một số nghiên cứu đã tiến hành, giáo sư Kjerstin Gruys đã tìm hiểu sự phân biệt đối xử dựa trên ngoại hình trong môi trường công việc.
Theo giáo sư Kjerstin Gruys, những sự đối xử bất bình đẳng vì vấn đề ngoại hình là những vấn đề không thể xem nhẹ và cần được xử lý. Đời sống xã hội văn minh là khi diện mạo và phong cách của mỗi cá nhân đều được đón nhận và tôn trọng.
Giảng viên Kjerstin Gruys cũng khuyên các sinh viên không nên tốn quá nhiều thời gian, năng lượng và tiền bạc vào vấn đề ngoại hình. Thay vào đó, họ nên dành nguồn lực cho những hoạt động phát triển bản thân, bởi giai đoạn học đại học là thời điểm phù hợp để mỗi sinh viên ưu tiên cho việc học tập và rèn luyện.
Vậy sinh viên nên quan tâm tới ngoại hình ở mức độ nào?
Nhiều nghiên cứu xã hội học kết luận rằng người có ngoại hình đẹp thường dễ đạt được thành công hơn (Ảnh minh họa: iStock).
Là một chuyên gia xã hội học ủng hộ quyền bình đẳng giới, giảng viên Kjerstin Gruys đề cao việc mỗi người thể hiện phong cách riêng của bản thân theo cách sáng tạo.
Việc chăm sóc vẻ đẹp ngoại hình và phong cách của bản thân cũng là một cách biểu đạt sự yêu thương chính mình, giúp bản thân có thêm sự tự tin, niềm vui trong cuộc sống. Thực tế, việc đầu tư vào ngoại hình về lâu dài sẽ đưa lại những tác động tích cực cho cuộc sống của mỗi cá nhân.
Giảng viên Kjerstin Gruys thường khuyên các sinh viên cân đối thời gian, tiền bạc, nguồn lực một cách phù hợp để đầu tư, chăm sóc cho vấn đề ngoại hình, bên cạnh việc chú trọng hoạt động học tập, rèn luyện để phát triển bản thân.
Theo Nevada Today
Nguồn: https://dantri.com.vn/giao-duc/bi-ban-be-xem-thuong-vi-an-mac-qua-gian-di-sinh-vien-nen-an-van-the-nao-20250103100420270.htm