Chiều 28/3, nhiều người dân ở TP.HCM, Hà Nội đã cảm nhận được sự rung lắc. Một số người dân cho biết họ cảm thấy nhà rung chuyển, chóng mặt như bị tụt huyết áp, nhất là người sống trên các chung cư cao tầng. Sau đó, nhiều người đã phải chạy thoát ra khỏi nhà ở, văn phòng, chung cư. Theo các thông tin ban đầu, Cục Khảo sát Địa chất Mỹ (USGS) cho biết, vừa xảy ra một trận động đất mạnh 7.7 độ, tâm chấn ở Myanmar, độ sâu khoảng 10km. Do đó, một số nước như Thái Lan, Ấn Độ, Trung Quốc, Việt Nam… cũng bị ảnh hưởng.
Tuy nhiên, động đất là một hiện tượng tự nhiên không thể đoán trước và thường xảy ra đột ngột, để lại hậu quả nghiêm trọng về người và tài sản. Đặc biệt, ở những khu vực có nguy cơ địa chất cao như Nhật Bản, Indonesia, Philippines hay thậm chí một số vùng ở Việt Nam, việc trang bị kiến thức sinh tồn trong động đất là điều cần thiết và quan trọng đối với mỗi người.
Động đất là hiện tượng rung động đột ngột của vỏ Trái đất, mạnh hay yếu tuỳ từng trận do sự dịch chuyển các mảng thạch quyển hoặc các đứt gãy ở dưới mặt đất và truyền qua các khoảng cách lớn.
Bình tĩnh, tìm nơi trú ẩn an toàn
Trong lúc động đất xảy ra, phản ứng nhanh và đúng cách có thể cứu sống bạn. Nguyên tắc “cúi – trú – giữ”, là kỹ năng cơ bản nhưng cực kỳ hiệu quả.
Nếu bạn đang trong nhà và xảy ra cơn địa chất, hãy lập tức cúi xuống để giảm nguy cơ bị ngã, tìm nơi trú ẩn an toàn như dưới gầm bàn chắc chắn hoặc bên cạnh tường chịu lực.
Nếu bạn đang trên giường hay gần khu vực phòng ngủ, có thể sử dụng gối để bảo vệ phần đầu và hãy di chuyển nhanh chóng đến nơi an toàn gần nhất để tránh nguy cơ tổn thương.
Không nên chạy ra ngoài khi mặt đất đang rung chuyển, vì mảnh vỡ từ mái nhà, cửa sổ hoặc bảng hiệu có thể rơi xuống, gây thương tích nghiêm trọng. Tuyệt đối không sử dụng thang máy trong bất kỳ tình huống nào khi có động đất vì nó có thể trục trặc về đường điện, khiến bạn không thể chạy thoát thân.
Nếu bạn đang trong tòa nhà cao tầng, hãy ở nguyên vị trí an toàn cho đến khi hết rung chấn, sau đó mới di chuyển ra ngoài theo lối thoát hiểm.
Nếu bạn đang ở ngoài trời, hãy di chuyển nhanh ra khỏi khu vực có nguy cơ sụp đổ như tòa nhà, cầu vượt, cột điện, cây lớn hay bảng quảng cáo. Tìm nơi trống trải, cúi thấp người để giữ thăng bằng và bảo vệ đầu. Nếu bạn đang trong xe, hãy dừng xe ở nơi an toàn, tránh xa các công trình giao thông, đường hầm, trạm xăng và các tòa nhà cao.
Hoặc bạn có thể tìm góc trú ẩn, có thể tạo thành hình tam giác, ngồi dựa thẳng lưng vào tường,vách để tạo thành tư thế an toàn.
Nếu có thể thoát khỏi thang máy an toàn, hãy di chuyển đến khu vực trú ẩn trong tòa nhà hoặc thoát ra bằng cầu thang bộ. Nếu mất điện, lập tức nằm xuống sàn, bảo vệ đầu bằng tay, đợi đến khi thang máy hoạt động trở lại hoặc hết rung lắc thì gọi trợ giúp hoặc sự cứu hộ từ bên ngoài.
Sau khi động đất xảy ra, bạn nên làm gì?
Sau khi động đất kết thúc, công việc tiếp theo là kiểm tra an toàn cho bản thân và những người xung quanh. Hãy bình tĩnh, kiểm tra xem bạn có bị thương không, nếu có, hãy sơ cứu ngay lập tức hoặc tìm kiếm sự trợ giúp.
Nếu bạn bị kẹt trong đống đổ nát, đừng la hét vì sẽ tiêu tốn năng lượng và không khí, thay vào đó hãy gõ vào ống kim loại, tường hoặc sử dụng còi để phát tín hiệu cho đội cứu hộ. Nếu vẫn còn trong nhà, hãy cẩn trọng khi di chuyển trên mặt sàn vì có thể nứt, mảnh kính vỡ hoặc dây điện hở gây nguy hiểm.
Bên cạnh đó, bạn không nên sử dụng bật lửa hoặc thiết bị điện cho đến khi chắc chắn không có rò rỉ khí gas. Mở các phương tiện di động, điện thoại, radio để cập nhật thông tin từ chính quyền địa phương, làm theo hướng dẫn sơ tán nếu được yêu cầu và đừng quay lại nhà cho đến khi có xác nhận an toàn từ lực lượng chức năng.
Nếu bị vùi mình trong đống đổ nát, hãy cố gắng bình tĩnh, chờ đợi lực lượng chức năng đến ứng cứu.
Ngoài ra, cần lưu ý rằng các dư chấn sau trận động đất chính có thể xảy ra bất kỳ lúc nào trong vòng vài giờ hoặc vài ngày, thậm chí vài tuần sau đó. Dư chấn tuy nhỏ hơn nhưng vẫn có thể gây sập những công trình vốn đã yếu hoặc hư hỏng. Vì vậy, bạn không nên chủ quan, mà tiếp tục duy trì cảnh giác và sẵn sàng di chuyển nếu có dấu hiệu bất thường. Hãy thường xuyên kiểm tra điện thoại hoặc các kênh thông tin để theo dõi diễn biến và thông báo từ cơ quan có thẩm quyền.
Cuối cùng, sau khi tình hình ổn định, hãy kiểm kê thiệt hại và hỗ trợ cộng đồng nếu có thể. Những hành động như chia sẻ thực phẩm, nước uống hoặc hỗ trợ tinh thần có thể sẽ giúp được nhiều người khác vượt qua giai đoạn khó khăn.
Hơn hết, yếu tố quan trọng nhất khi xảy ra các thiên tai, không chỉ riêng động đất là phải giữ bình tĩnh. Hoảng loạn sẽ khiến bạn dễ đưa ra quyết định sai lầm. (Ảnh minh họa).
Đối với trẻ em, người cao tuổi hoặc người khuyết tật, cần có sự chuẩn bị riêng. Trẻ nhỏ nên được dạy cách ẩn nấp an toàn và ghi nhớ số điện thoại người thân. Người lớn tuổi cần mang theo thuốc điều trị bệnh mãn tính hoặc thiết bị hỗ trợ y tế (nếu có) trong bộ túi sinh tồn.
Tóm lại, sinh tồn khi có động đất phụ thuộc phần lớn vào sự chuẩn bị kỹ lưỡng, kiến thức đúng đắn và phản ứng kịp thời. Thiên tai là điều khó có thể tránh khỏi nhưng việc chủ động sẵn sàng đối mặt sẽ giúp bạn và gia đình vượt qua tình huống nguy hiểm một cách an toàn nhất.

Sau khi cơn bão Yagi, miền Bắc đang đối mặt với tình trạng ngập lụt nghiêm trọng, nhiều khu vực nước dâng cao. Dưới đây là những biện pháp ứng phó…
Nguồn: https://eva.vn/di-dau-xem-gi/bi-kip-sinh-ton-khi-gap-dong-dat-ai-cung-nen-thuoc-long-c40a629264.html