TPO – Nghiên cứu mới xác định danh họa Michelangelo đã mô tả dấu hiệu bệnh ung thư vú trong kiệt tác “The Flood” trên trần Nhà nguyện Sistine.
Nhà nguyện Sistine (Cappella Sistina trong tiếng Italy), nằm trong Điện Tông Tòa ở Thành Vatican, nổi tiếng với những bức bích họa tuyệt đẹp trang trí trên trần nhà do danh họa Michelangelo (1475-1564) vẽ từ năm 1508 đến năm 1512.
Michelangelo bắt tay tạo ra các nhân vật trong kiệt tác thế kỷ theo lệnh của Giáo hoàng Julius II. Chủ đề chính là câu chuyện về Sáng thế ký – cuốn đầu tiên của Kinh Thánh Cựu Ước Công giáo, bao gồm các câu chuyện nổi tiếng như Adam và Eve, trận đại hồng thủy hay tổ tiên của Chúa Jesus… Mỗi câu chuyện là một bức tranh, tạo nên tổ hợp 9 tác phẩm.
Trần Nhà nguyện Sistine được phủ kín bởi các bức bích họa của Michelangelo. Ảnh: Wiki.
Tổ hợp bích họa trên trần Nhà nguyện Sistine từ lâu đã là đề tài nghiên cứu yêu thích của các chuyên gia bởi nó không chỉ có giá trị nghệ thuật, mà còn liên quan đến tôn giáo, lịch sử.
Mới đây, các nhà nghiên cứu từ Đại học Paris-Saclay (Pháp) phát hiện có cả yếu tố y khoa trong tranh.
Nghiên cứu công bố vào cuối tháng 10 chỉ ra hình ảnh trong tác phẩm The Flood (Trận đại hồng thủy) gợi ý những đặc điểm của bệnh ung thư vú.
Ở góc dưới bên trái tác phẩm, tác giả vẽ một phụ nữ ngồi trên mặt đất, cơ thể không có gì che đậy ngoài chiếc khăn trùm đầu và áo choàng màu xanh. Trong nghiên cứu, các chuyên gia nhận thấy ngực trái của nhân vật dường như có một số dấu hiệu của ung thư vú, bao gồm đầu ngực biến dạng và phần trên lồi ra giống cục u.
Tài liệu đăng trên tạp chí chuyên ngành The Breast chỉ ra có sự tương phản rõ ràng với ngực phải.
Theo nhóm nghiên cứu, một số người có thể cho rằng người phụ nữ trong tranh còn khá trẻ để được chẩn đoán mắc ung thư vú, vì hiện nay 85% bệnh nhân bị bệnh này đều trên 50 tuổi. Tuy nhiên, việc áp dụng dữ liệu hiện đại vào thời kỳ Phục hưng không hoàn toàn chính xác. Tuổi thọ trung bình khi đó vào khoảng 35 tuổi, điều này có thể ảnh hưởng đến biểu hiện và đặc điểm của bệnh ung thư.
Tài liệu lưu ý Michelangelo bắt đầu hỗ trợ khám nghiệm tử thi khi ông 17 tuổi, nhiều khả năng ông từng chứng kiến các trường hợp ung thư vú trước đó.
Lý giải nguyên nhân tác giả quyết định đưa căn bệnh vào bức bích họa, các nhà nghiên cứu đưa ra một số giả thuyết.
Như đã biết trước đó, trận đại hồng thủy trong Kinh Thánh được coi là điềm báo trước lễ rửa tội. Nước thanh tẩy của lễ rửa tội xóa bỏ tội lỗi nguyên tổ, trong khi nước của trận hồng thủy thanh tẩy thế giới khỏi những kẻ tội lỗi.
Giả thuyết đầu tiên lập luận những người chạy trốn trận đại hồng thủy có thể đại diện cho bảy tội lỗi chết người, trong đó người phụ nữ tượng trưng cho Dục vọng.
“Có một số loại nhân vật đại diện cho 7 tội lỗi chết người: Tham ăn và lười biếng (người đàn ông cầm thùng), giận dữ (những người đánh nhau trên thuyền), tham lam (người phụ nữ mang theo tài sản)… Tất cả chi tiết này chỉ ra lý do họ bị trừng phạt. Ung thư vú có lẽ tượng trưng cho sự trừng phạt đối với ham muốn tình dục”, nhóm chuyên gia phân tích.
Ngoài ra, các nhà nghiên cứu cho rằng biểu hiện của bệnh ung thư vú có thể liên quan đến khái niệm cái chết.
Michelangelo chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa Tân Platon (trường phái cuối cùng của triết học Hy Lạp), tin tưởng việc theo đuổi cái đẹp và sự hài hòa có thể dẫn đến sự bất tử, trong khi sự biến dạng về thể chất hoặc bệnh tật là biểu hiện của vực thẳm tâm linh.
Với giả thuyết này, các nhà nghiên cứu cho hay hình ảnh ung thư vú có thể là thông điệp về cái chết không thể tránh khỏi.
Hành động nâng bên ngực dị dạng của mình lên để người xem có thể quan sát rõ ràng của người phụ nữ được cho là thể hiện những nhân vật của Michelangelo nhận thức một cách đau đớn về số phận của mình, thay vì sợ hãi trước mối nguy hiểm rình rập họ.
Trước đây, các chuyên gia cũng xác định dấu hiệu của bệnh ung thư vú, sưng tấy và co rút da, trong tác phẩm điêu khắc Night của Michelangelo (được tạo ra trong giai đoạn 1526-1533).
Nguồn: https://tienphong.vn/bi-mat-trong-buc-tranh-khoa-than-cua-michelangelo-post1687866.tpo