Ngày 7/10, chuyến bay từ Cáp Nhĩ Tân (Hắc Long Giang) đến Thượng Nhiêu (Giang Tây, Trung Quốc) phải khởi hành chậm hơn dự kiến ban đầu một tiếng do một nữ hành khách gây rối, làm náo loạn cabin.
Trước khi cất cánh, âm thanh cãi vã vang lên từ phía những hàng ghế đầu tiên.
Đoạn video chia sẻ cho thấy, nữ tiếp viên bước tới, nhẹ nhàng nhắc nhở hành khách gấp bàn và thắt dây an toàn. Thay vì hợp tác, nữ hành khách lớn tiếng quát mắng, chửi bới khiến cả khoang hành khách bất bình.
Trong cơn tức giận, nữ hành khách còn túm tóc tiếp viên, lên mặt thách thức. Sự việc căng thẳng khiến nhiều hành khách rời khỏi chỗ ngồi, bày tỏ không đồng tình với cách cư xử thiếu văn hóa của người phụ nữ.
Vì sự việc ngoài ý muốn, chuyến bay phải khởi hành chậm một tiếng so với dự kiến ban đầu. Nữ hành khách bị cảnh sát đưa ra khỏi máy bay để phục vụ điều tra.
Nữ hành khách gây rối cho biết, cô là giảng viên của đại học Sư phạm Cáp Nhĩ Tân. Tuy nhiên, ban giám hiệu khẳng định nữ hành khách chửi bới trên chuyến bay không phải là giảng viên của trường.
Đồn công an sân bay Cáp Nhĩ Tân xác nhận có sự việc như lan truyền trên mạng, nhưng không cung cấp chi tiết về diễn biến hay danh tính nữ hành khách.
Lý do hành khách phải gấp bàn ăn khi máy bay cất cánh
Ông David Doughty, CEO công ty máy bay phản lực tư nhân Admiral Jet (Anh) cho biết, máy bay có thể gặp phải nhiễu động. Nếu bàn ăn được mở ra, đồ đạc đặt phía trên bị văng ra xa, gây nguy hiểm cho hành khách. Vì vậy, tiếp viên khuyến cáo khách gấp bàn ăn khi cất và hạ cánh để đảm bảo an toàn đề phòng tình huống bất ngờ.
Ngoài ra, việc gấp bàn ăn giúp cho hành khách dễ dàng di chuyển khi gặp tình huống khẩn cấp.
“Trong trường hợp khẩn cấp, hành khách phải nhanh chóng rời khỏi chỗ ngồi và di chuyển đến lối thoát hiểm. Bàn ăn được gấp lại giúp khách di chuyển dễ dàng, không bị cản trở.
Đây cũng là lý do chúng tôi luôn yêu cầu hành khách cất đồ xách tay dưới ghế trước mặt. Nhìn qua, đây là việc rất nhỏ, nhưng trong tình huống nguy cấp, mỗi giây đều có giá trị”, một tiếp viên hàng không tiết lộ.
Hans Mast – một cựu phi công ở Mỹ – cho hay, cất cánh và hạ cánh là hai thời điểm có khả năng xảy ra sự cố bất ngờ cao nhất, nên phi hành đoàn sẽ có các yêu cầu để đảm bảo an toàn mà hành khách phải thực hiện.
Theo báo cáo của Boeing, trong giai đoạn 2011-2021, khoảng 67% các vụ tai nạn chết người liên quan đến máy bay Boeing trên toàn thế giới xảy ra trong quá trình cất cánh, tiếp cận độ cao và hạ cánh.
Hãng Airbus báo cáo, khoảng 75% các vụ tai nạn trên toàn thế giới liên quan đến máy bay Airbus trong giai đoạn 2002 đến 2022 xảy ra trong quá trình cất cánh hoặc hạ cánh.
Nguồn: https://dantri.com.vn/du-lich/bi-nhac-gap-ban-an-khi-cat-canh-nu-hanh-khach-tum-toc-va-mang-tiep-vien-20241108173332788.htm