Bộ GD-ĐT vừa ban hành Thông tư số 18 quy định Chương trình giáo dục đáp ứng yêu cầu của người học; cập nhật kiến thức, kỹ năng, chuyển giao công nghệ, có hiệu lực thi hành từ ngày 14.1.2025.
Chương trình giáo dục về pháp luật, văn hóa, khởi nghiệp, chuyển đổi số…
Theo đó, mục tiêu của chương trình giáo dục nhằm tạo cơ hội học tập cho người học có nhu cầu cập nhật, bổ sung kiến thức, kỹ năng cần thiết cho cuộc sống, sản xuất và tiếp nhận công nghệ mới. Bên cạnh đó, phát triển kinh tế tạo thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống của bản thân, gia đình; đáp ứng yêu cầu nâng cao dân trí, nhu cầu học tập thường xuyên và học tập suốt đời của người dân.
Chương trình giáo dục đáp ứng yêu cầu của người học ban hành theo thông tư này áp dụng cho các cơ sở giáo dục thường xuyên và các cơ sở giáo dục khác nhằm đáp ứng các mục tiêu trên.
Cụ thể, chương trình được xây dựng theo 8 lĩnh vực gồm giáo dục pháp luật, giáo dục văn hóa – xã hội, giáo dục bảo vệ môi trường, giáo dục bảo vệ sức khỏe, giáo dục phát triển kinh tế, giáo dục kỹ năng sống và tư vấn tâm lý, giáo dục hướng nghiệp và khởi nghiệp, giáo dục chuyển đổi số trong cộng đồng.
Mỗi chương trình giáo dục có thời lượng 189 tiết với rất nhiều nội dung kiến thức. Chẳng hạn chương trình giáo dục pháp luật người học sẽ được học quyền con người, quyền công dân, pháp luật về phòng chống bạo lực gia đình, hôn nhân gia đình, an toàn thông tin mạng…
Chương trình giáo dục văn hóa xã hội cung cấp kiến thức về văn hóa Việt Nam như di sản văn hóa, lễ hội truyền thống, văn hóa ứng xử trên không gian mạng, bình đẳng giới… Giáo dục hướng nghiệp và khởi nghiệp trang bị nhiều kiến thức kỹ năng như cha mẹ tư vấn, hỗ trợ con định hướng nghề nghiệp, các giai đoạn khởi nghiệp…
Được cấp giấy chứng nhận khi đạt yêu cầu
Căn cứ vào nội dung và yêu cầu cần đạt của từng chương trình cụ thể, các cơ sở giáo dục sẽ chủ động xây dựng kế hoạch tổ chức dạy học linh hoạt đối với từng chương trình theo các lĩnh vực, tối thiểu mỗi chương trình từ 30 tiết trở lên cho các đối tượng người học.
Tùy vào nội dung của các chủ đề và đối tượng người học, giáo viên có thể lựa chọn, tổ chức học tập theo các hình thức gồm: học tập trung, học ở thực địa, học qua các buổi tập huấn chuyển giao khoa học – công nghệ, các buổi nói chuyện trực tiếp, lồng ghép thông qua các buổi sinh hoạt câu lạc bộ, sinh hoạt nhóm, tham quan thực tế, tổ chức hội thi…
Người học hoàn thành chương trình giáo dục cụ thể, kiểm tra đạt yêu cầu được cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục.
Nguồn: https://thanhnien.vn/bo-gd-dt-ban-hanh-8-chuong-trinh-giao-duc-nang-cao-dan-tri-185241207103154116.htm