Ngày 17-2, Bộ Công Thương tổ chức hội thảo lấy ý kiến về việc điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII) nhằm hoàn thiện đề án trước khi trình Chính phủ.
Kinh tế tăng tốc, nhu cầu điện tăng cao
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hoàng Long, quá trình triển khai Quy hoạch điện VIII vẫn đối diện nhiều khó khăn. Nhiều dự án quan trọng đang chậm tiến độ, đặc biệt là nguồn nhiệt điện khí LNG, khi chỉ có 3/13 dự án đang triển khai đúng kế hoạch. Các dự án tua-bin khí nội địa như Báo Vàng và Cá Voi Xanh gặp thách thức do chưa xác định rõ trữ lượng và tiến độ khai thác.
Nhiều dự án năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời gặp rào cản do giá điện chưa đủ hấp dẫn và quy trình thủ tục đầu tư còn phức tạp. Bên cạnh đó, các dự án điện khí nhập khẩu yêu cầu vốn đầu tư lớn, công nghệ hiện đại, thời gian chuẩn bị và xây dựng kéo dài.
Ngoài ra, tình hình trong nước và quốc tế cũng có nhiều biến động tác động đến nhu cầu tiêu thụ điện và định hướng phát triển nguồn điện. Cụ thể, Nghị quyết 174 của Quốc hội ngày 30-11-2024 đề cập việc tiếp tục triển khai dự án điện hạt nhân Ninh Thuận với quy mô công suất 6.000 MW, có thể làm thay đổi đáng kể cơ cấu nguồn điện quốc gia. Bên cạnh đó, Chỉ thị 01 ngày 3-1-2025 của Thủ tướng Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2025 trên 8%, giai đoạn 2026-2030 đạt mức 2 con số, kéo theo nhu cầu tiêu thụ điện tăng 12%-16%/năm…
Trước những thách thức này, Bộ Công Thương đã phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan liên quan và Viện Năng lượng – Bộ Công Thương xây dựng đề án điều chỉnh Quy hoạch điện VIII.
Dự báo nhu cầu điện, TS Nguyễn Ngọc Hưng, đại diện Viện Năng lượng, đưa ra 4 kịch bản nhu cầu điện, gồm: kịch bản thấp, kịch bản cơ sở, kịch bản cao, kịch bản cao đặc biệt. Đáng chú ý, với kết quả dự báo của kịch bản cao đặc biệt, tốc độ tăng điện thương phẩm giai đoạn 2026-2030 là 12,8%/năm, 2031-2040 là 8,6%/năm, 2041-2050 là 2,8%/năm.
Tổng tiêu thụ điện của nền kinh tế giảm tốc sau khi đạt thu nhập đầu người hơn 35.000 USD, với mức tiêu thụ điện đầu người 12.000 KWh (mô hình Mỹ). “Kịch bản này phản ánh nhu cầu điện trong trường hợp nền kinh tế phát triển tăng tốc trong giai đoạn 2026-2030 và tiếp tục duy trì tăng trưởng cao 2 con số trong thời gian dài. Kịch bản cũng bảo đảm dự phòng cho phát triển điện lực trong dài hạn” – TS Hưng đánh giá. Theo đó, quy mô hệ thống điện của Việt Nam giai đoạn 2041-2050 tương đương với quy mô của các hệ thống điện lớn nhất toàn cầu hiện nay.

Cần có những giải pháp, cơ chế để tăng cường năng lực, huy động thêm nguồn lực đầu tư lưới truyền tải
Cần cơ chế đặc thù để huy động nguồn lực
Ông Nguyễn Văn Dương, nghiên cứu viên Phòng Phát triển hệ thống điện – Viện Năng lượng, dẫn thống kê năm 2024 cho thấy tổng công suất hệ thống điện đạt khoảng 80 GW, sản lượng điện vượt 300 tỉ KWh. Tuy nhiên, một số nguồn điện quan trọng như điện gió ngoài khơi, thủy điện tích năng mới chỉ đạt 19%-62% kế hoạch đề ra, làm giảm khả năng dự phòng trong ngắn hạn và đặt ra nhiều thách thức.
Nhằm bảo đảm an ninh năng lượng, các kịch bản phát triển điện năng của Việt Nam tập trung vào 2 phương án chính: tận dụng đất chưa sử dụng và chuyển đổi một phần đất rừng sản xuất để phát triển điện mặt trời. Theo đó, tổng tiềm năng điện mặt trời theo kịch bản cơ sở đạt khoảng 295.000 MW, trong khi kịch bản cao ước tính lên tới 576.000 MW.
Dự báo đến năm 2050, Việt Nam sẽ đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 (Net Zero), với năng lượng tái tạo chiếm tỉ trọng chủ đạo. Để hiện thực hóa mục tiêu này, ông Nguyễn Văn Dương nhấn mạnh hệ thống truyền tải cần được mở rộng, đồng thời áp dụng công nghệ lưu trữ năng lượng và phát triển nguồn điện linh hoạt nhằm duy trì ổn định hệ thống điện.
Trong khi đó, theo ông Cao Đức Huy – đại diện Viện Năng lượng, khối lượng lưới truyền tải lớn gây áp lực về đầu tư đối với Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Tổng Công ty Truyền tải điện quốc gia. Do vậy, cần có những giải pháp, cơ chế để tăng cường năng lực, huy động thêm nguồn lực đầu tư lưới truyền tải.
Đại diện Cục Điều tiết điện lực nhấn mạnh để phát triển nguồn và lưới cần cơ chế đặc thù để thực hiện và huy động nguồn lực. Trong khi đó, đại diện Thanh tra Chính phủ góp ý cần tháo gỡ vướng mắc cho các dự án điện tái tạo vướng sai phạm để huy động nguồn lực. Muốn thu hút nguồn lực đầu tư, cơ chế, chính sách phải hấp dẫn, giá mua hợp lý thì nhà đầu tư mới rót vốn và kế hoạch khi điều chỉnh Quy hoạch điện VIII mới khả thi.
Theo Viện Năng lượng, Việt Nam đang nhập khẩu điện từ Lào khoảng 1.000 MW, từ Trung Quốc 550 MW. Dự báo nhập khẩu điện từ Lào có thể tăng lên 5.000 – 8.000 MW đến năm 2030 và có thể tăng thêm; đồng thời, nghiên cứu nhập khẩu Trung Quốc thêm 3.000 MW hoặc hơn qua hướng Quảng Ninh.
Nguồn: https://nld.com.vn/bon-kich-ban-tieu-thu-dien-19625021721214185.htm