Những bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ vào mùa xuân thường liên quan đến đường hô hấp và dị ứng như cúm, viêm họng, hen suyễn.
ThS.BS Thân Thị Thùy Linh, khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết mùa xuân nhiệt độ thay đổi liên tục trong ngày, nhiều hoạt động lễ hội diễn ra. Đây là điều kiện thuận lợi để các loại virus, vi khuẩn, nấm mốc phát triển gây bệnh cho trẻ.
Cúm
Bác sĩ Linh khuyến cáo phụ huynh nâng cao phòng ngừa cúm trong mùa xuân bằng cách tiêm cho trẻ vaccine hàng năm, rửa tay thường xuyên, đeo khẩu trang, giữ nhà cửa thông thoáng.
Bệnh hen suyễn
Tác nhân gây bệnh hen suyễn ở ngoài trời vào mùa xuân gồm phấn hoa, nhiệt độ thay đổi, phân bón, thuốc chống côn trùng, bụi, nấm mốc, hóa chất tẩy rửa. Trẻ bị dị ứng do hít phải các dị nguyên trong không khí (phấn hoa, nấm mốc, mùi sơn…) gây phản ứng ở mũi, mắt, họng, xoang và phổi. Hen suyễn dị ứng có thể khiến đường thở của trẻ hẹp lại và sưng dẫn đến khó thở.
Hen suyễn là tình trạng hô hấp mạn tính, có thể đe dọa tính mạng của trẻ. Nếu trẻ mắc bệnh hen suyễn, cha mẹ nên đưa con đến bác sĩ để có phác đồ điều trị.
Cảm lạnh
Rhinovirus và RSV (virus hợp bào hô hấp) là các loại virus gây bệnh đường hô hấp, dễ lây lan vào mùa xuân. Cha mẹ rửa tay thường xuyên cho trẻ, hướng dẫn con không chạm vào mắt, mũi, miệng, đeo khẩu trang khi ra ngoài hoặc đến nơi đông người.
Viêm dạ dày ruột
Virus gây bệnh viêm dạ dày ruột là Norovirus. Thời tiết ấm hơn so với mùa đông làm cho virus sinh sôi, phát triển, dễ lây lan. Trẻ đau bụng, nôn trớ nhiều hoặc tiêu chảy có thể do viêm dạ dày ruột. Thời gian lây bệnh trong ba ngày sau khi triệu chứng giảm. Bên cạnh vệ sinh, rửa tay cho trẻ, cha mẹ chuẩn bị sẵn thuốc khử trùng, các biện pháp tăng cường dinh dưỡng để nâng cao hệ miễn dịch.
Viêm họng
Trẻ dễ bị viêm họng do lây vi khuẩn hoặc virus qua ho, hắt hơi, bề mặt tiếp xúc từ nước bọt của người bệnh. Cha mẹ cần hạn chế để trẻ tiếp xúc ở những nơi công cộng, mang theo khăn khử trùng, nước rửa tay để phòng ngừa lây nhiễm.
Viêm kết mạc dị ứng
Nếu mắt đỏ hoặc hồng, kèm chảy nước mắt hãy đưa bé tới bác sĩ để khám xem có phản ứng dị ứng hoặc nhiễm trùng hay không. Bởi viêm kết mạc dị ứng thường bùng phát mạnh hơn vào mùa xuân.
Dị ứng côn trùng
Trẻ bị côn trùng cắn thường có vùng mẩn đỏ, ngứa, sưng nhẹ. Đa phần trẻ có thể khó chịu và tự khỏi nhưng một số trường hợp gây sốc phản vệ đe dọa tính mạng, cần đưa trẻ đến viện kịp thời.
Thanh Ba
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh trẻ em tại đây để bác sĩ giải đáp |
Nguồn: https://vnexpress.net/cac-benh-thuong-gap-o-tre-vao-mua-xuan-4847125.html