Góp ý luật Nhà giáo tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách lần thứ 7, chiều 25.3, đại biểu Mai Văn Hải (đoàn Thanh Hóa) băn khoăn khi dự thảo luật bổ sung điều kiện để giáo viên mầm non được nghỉ hưu trước tuổi là phải đóng đủ 20 năm bảo hiểm xã hội trở lên.

Đại biểu Mai Thanh Hải (đoàn Thanh Hóa) góp ý tại hội nghị
Ông Hải nói nên cân nhắc vì quy định của luật Bảo hiểm xã hội hiện tại người lao động chỉ cần đóng đủ 15 năm sẽ được hưởng lương hưu trong khi dự luật lại có điều kiện giáo viên mầm non phải đóng đủ 20 năm bảo hiểm xã hội trở lên mới được nghỉ hưu sớm.
“Không rõ quy định như thế này là để hạn chế giáo viên nghỉ hưu sớm hay như thế nào. Chúng tôi đi tiếp xúc cử tri không ai muốn làm thêm. Các cô giáo chỉ muốn nghỉ từ 55 tuổi”, đại biểu đoàn Thanh Hóa nêu và đề nghị cần phải quy định thế nào để giáo viên mầm non cảm thấy thuận lợi khi xin nghỉ hưu trước tuổi.
Đồng tình với đại biểu Mai Văn Hải, đại biểu Trịnh Tú Anh (đoàn Lâm Đồng) đề nghị bỏ quy định điều kiện giáo viên mầm non phải đóng đủ 20 năm bảo hiểm xã hội trở lên mới được nghỉ hưu trước tuổi.
Đại biểu Lê Thị Thanh Lam (đoàn Hậu Giang) thì đề xuất, ngoài giáo viên mầm non nên bổ sung cả đối tượng giáo viên tiểu học được nghỉ hưu sớm không quá 5 năm. Bà Lam nói, vấn đề này cũng được nhiều cử tri là giáo viên tiểu học đề xuất.
Chính phủ có thể tự quy định để giáo viên mầm non nghỉ hưu sớm
Trong khi đó, đại biểu Lê Thanh Hoàn (đoàn Thanh Hóa) thì cho rằng, không cần thiết quy định riêng về việc giáo viên mầm non được nghỉ hưu sớm tại dự thảo luật Nhà giáo.
Ông Hoàn phân tích, tại khoản 3 điều 169 bộ luật Lao động đã có quy định: người lao động bị suy giảm khả năng lao động; làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn nhưng không quá 5 tuổi so với quy định và giao Chính phủ quy định chi tiết.

Đại biểu Lê Thanh Hoàn (đoàn Thanh Hóa) nêu ý kiến tại hội nghị
Do đó, nếu Chính phủ cho rằng giáo viên ở cơ sở giáo dục mầm non là ngành nghề nặng nhọc thì Chính phủ hoàn toàn có thể quy định theo thẩm.
“Với tinh thần Quốc hội chỉ quy định những nội dung thuộc thẩm quyền của Quốc hội, tôi đề nghị bỏ quy định tại khoản 2 điều 28 và cũng không cần sửa đổi, bổ sung điều 66 của luật Bảo hiểm xã hội năm 2024, khi mà luật này tới 1.7 tới mới có hiệu lực”, đại biểu Hoàn kiến nghị.
Theo báo cáo một số vấn đề lớn trong tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo, nhiều ý kiến tán thành chính sách được nghỉ hưu trước tuổi theo quy định của pháp luật với giáo viên mầm non, song đề nghị bổ sung tiêu chí nhà giáo phải có thời gian đóng bảo hiểm xã hội từ 20 năm trở lên mới được nghỉ hưu trước tuổi và không bị trừ tỷ lệ tiền lương hưu được hưởng.
Cạnh đó, có ý kiến băn khoăn về nguồn lực bảo đảm thực hiện chính sách này và cho rằng phải bảo đảm nguyên tắc có đóng – có hưởng theo luật Bảo hiểm xã hội.
Về vấn đề này, Thường trực Ủy ban Văn hóa – Xã hội cho rằng, việc cho phép giáo viên mầm non được nghỉ hưu sớm so với độ tuổi quy định của pháp luật là chính sách được xây dựng dựa trên đặc thù trong hoạt động nghề nghiệp của đối tượng này và phù hợp với đặc thù người học là trẻ mầm non.
Dự thảo luật đã chỉnh lý và bổ sung quy định nhà giáo trong các cơ sở giáo dục mầm non nếu có nguyện vọng thì được nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện bình thường nhưng không quá 5 tuổi và không giảm tỷ lệ phần trăm hưởng lương hưu do việc nghỉ hưu trước tuổi nếu đã đóng bảo hiểm xã hội đủ 20 năm trở lên.
Đồng thời, dự thảo luật chỉnh lý sửa đổi, bổ sung khoản 3a sau khoản 3 điều 66 luật Bảo hiểm xã hội tại điều khoản chuyển tiếp để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật.
Nguồn: https://thanhnien.vn/cac-giao-vien-mam-non-chi-muon-duoc-nghi-huu-tu-55-tuoi-185250325152215027.htm