Trong 2 ngày 7 và 8.11 vừa qua, Triển lãm ngành công nghiệp bán dẫn VN 2024 – SEMIExpo Viet Nam 2024 với chủ đề “Nâng tầm VN trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu” đã diễn ra tại Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) tại Hà Nội. Đây là triển lãm bán dẫn quy mô quốc tế lần đầu tiên và lớn nhất được tổ chức tại VN, do Bộ KH-ĐT chủ trì và giao NIC phối hợp cùng Hiệp hội bán dẫn toàn cầu (SEMI) tổ chức. Đặc biệt, triển lãm đã thu hút sự tham gia của nhiều đối tác công nghệ lớn trong lĩnh vực bán dẫn như Cadence, Qualcomm, Intel, Marvell, Qorvo, Dassault Systemes, Siemens, Tektronix, FPT, Viettel; lãnh đạo các hiệp hội bán dẫn trên thế giới, nhiều tập đoàn công nghệ lớn trong lĩnh vực bán dẫn như Brainport Industries, Advantest, Lam Research, Soitec…
Theo dự báo, thị trường bán dẫn của VN sẽ đạt 7,01 tỉ USD đến năm 2028, với tốc độ tăng trưởng bình quân mỗi năm khoảng 6,69% trong giai đoạn 2023 – 2028. Ông KC Ang, Chủ tịch Hội đồng tư vấn khu vực Đông Nam Á của SEMI, Chủ tịch khu vực châu Á của Global Foundries, nhận định triển lãm về bán dẫn là sự kiện lần đầu tiên được tổ chức với quy mô lớn cho thấy vai trò của VN trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Bởi VN có sự phát triển vững vàng và nhanh chóng đối với ngành công nghiệp bán dẫn. Xét từ góc nhìn một ngành thì VN đang nhanh chóng nổi lên như cường quốc bán dẫn trong khu vực, đạt tốc độ tăng trưởng kép rất ấn tượng. Những kết quả đạt được là nhờ vào sự đầu tư chiến lược và tầm nhìn dài hạn của Chính phủ VN, chứng tỏ tiềm năng to lớn để đóng góp vào chuỗi cung ứng ngành bán dẫn toàn cầu; trở thành trung tâm năng động cho đổi mới sáng tạo. Đặc biệt, ưu thế là Chính phủ VN luôn có những cam kết vững chắc về hỗ trợ thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp bán dẫn; đưa ra tầm nhìn, mục tiêu rõ ràng như đến năm 2030 đào tạo được ít nhất 50.000 nhân lực có trình độ từ đại học trở lên, 1.300 giảng viên được đào tạo chuyên sâu về bán dẫn, xây dựng các phòng thí nghiệm cấp quốc gia và cấp cơ sở phục vụ đào tạo nhân lực. Lợi thế thứ 2 là VN có vị trí chiến lược, dân số trẻ, tiếp cận công nghệ nhanh và chi phí lao động cạnh tranh…
“Việc thu hút được nhiều tập đoàn, doanh nghiệp (DN) nước ngoài đến VN đang khẳng định đây là vùng đất ngày càng có vai trò quan trọng trong ngành công nghiệp bán dẫn khu vực và toàn cầu”, ông KC Ang nhấn mạnh.
Nhận xét về sự kiện này, GS Augustine Hà Tôn Vinh cho hay, đây là triển lãm về ngành bán dẫn lần đầu tiên VN tổ chức, mọi thứ còn rất mới mẻ, nếu không nói là còn lạ lẫm so với những quốc gia đã phát triển ngành này. Thế nhưng VN đã gây sự chú ý đặc biệt với các nhà đầu tư bán dẫn thế giới. “Thực tế, VN đang có 3 lợi thế khiến các nhà đầu tư ngành bán dẫn nôn nóng muốn đến tìm hiểu, kết nối. Đầu tiên, VN hiện là đối tác chiến lược toàn diện với Mỹ, trong đó bao gồm các bảo đảm về đầu tư cũng thu hút nhiều DN ngành bán dẫn Mỹ. Có “ông lớn” trong ngành công nghiệp bán dẫn Mỹ tham gia, thì chắc chắc chắn phải có các “ông lớn” bán dẫn khác trên thế giới. Thứ hai, VN đang sở hữu nguồn đất hiếm lớn thứ 2 thế giới mà các nhà khai thác, chế biến sâu lĩnh vực này đặc biệt quan tâm, bởi đó là nguyên liệu quý hiếm để phát triển bán dẫn. Thứ ba, VN có thể chế ổn định, có nền chính trị, xã hội ổn định. Thế nên, không phải quá tham vọng khi Bộ trưởng Bộ KH-ĐT nói VN có vai trò quan trọng trong chuỗi giá trị bán dẫn toàn cầu”, GS Augustine Hà Tôn Vinh phân tích.
Thực tế, tiềm năng ngành công nghiệp bán dẫn VN từ trước đó đã thu hút rất nhiều nhà sản xuất và nghiên cứu hàng đầu thế giới đến, trong đó một số đã đầu tư vào VN. Có thể kể đến như Intel, Amkor, Marvell, Global Foundries, Nvidia, Synopsys, Uniquyfy, Renesas… Cuối năm 2022, Tờ Nikkei Asia dẫn lời ông Robert Li, Phó chủ tịch phụ trách mảng bán hàng cho Synopsys tại Đài Loan và Nam Á, cho biết thông qua mối quan hệ đối tác với các công ty nước ngoài, VN có thể bắt đầu thiết kế các vi mạch tích hợp (IC), chẳng hạn như IC cho tủ lạnh, máy điều hòa không khí, và sau đó nâng cao chuỗi giá trị của toàn ngành…
Là người trong ngành, ông Đỗ Khoa Tân, Phó tổng thư ký Hiệp hội DN điện tử VN, nhìn nhận nhu cầu về chip đã bắt đầu tăng cao từ sau đại dịch Covid-19. Hiện nay khi trí tuệ nhân tạo (AI) được ứng dụng vào nhiều sản phẩm thì nhu cầu về linh kiện bán dẫn, chip càng cao hơn. Đó là lý do các quốc gia, các tập đoàn lớn đã và đang rót tiền đầu tư hay lên kế hoạch mở rộng sản xuất hơn nữa. Trước đó và hiện tại, Đài Loan được xem là một nơi rất mạnh sản xuất chip, bán dẫn. Tuy nhiên những thay đổi nhanh chóng trong quan hệ quốc tế thời gian qua đã khiến các tập đoàn muốn mở rộng địa bàn đầu tư sang nhiều quốc gia khác. Đây chính là cơ hội cho VN tham gia vào chuỗi sản xuất cung ứng bán dẫn với những lợi thế của mình.
“Trên thế giới, trước đây đa số chuỗi cung ứng về chip, bán dẫn chủ yếu vẫn tập trung vào 3 nhà sản xuất lớn là TSMC (Đài Loan), Samsung và Intel. VN đã có Samsung và Intel đầu tư nên cũng có những cơ sở quan trọng để phát triển ngành bán dẫn nói chung và thu hút các nhà đầu tư trong lĩnh vực này. Lĩnh vực này rất rộng lớn và chúng ta chỉ cần có thế mạnh ở một khâu nào đó là đã thành công”, ông Đỗ Khoa Tân nhận định. Tuy nhiên, ông Tân cũng nhấn mạnh: Tiềm năng, cơ hội cho ngành bán dẫn VN đã nói đến rất nhiều. Các nhà đầu tư nước ngoài cũng đã đến tìm hiểu, khảo sát nhiều và giờ đây quan trọng nhất là làm sao để giữ chân họ cũng như đón đầu cơ hội việc mở rộng, đầu tư thêm của các tập đoàn lớn.
“Đối với ngành bán dẫn, yếu tố hạ tầng cơ sở (bao gồm đất, điện, nước, logistics…) và hạ tầng nhân lực là điều kiện cần. Nhân lực của VN luôn được đánh giá cao, học hỏi nhanh và các tập đoàn sẽ dễ dàng đào tạo nội bộ. Chính sách về thuế, phí của VN cũng khá ưu đãi. Nhưng một yếu tố khác quan trọng hơn là sự ổn định của các chính sách. Các tập đoàn lớn luôn đặt mục tiêu rất xa, lên đến vài chục năm. Lúc đầu có thể họ chỉ đầu tư ít nhưng vẫn luôn sẵn sàng mở rộng hoạt động khi thị trường ngày càng tăng trưởng. Ngoài cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực sẵn sàng thì họ cần môi trường kinh tế, chính trị ổn định, các chính sách vĩ mô liên quan hoạt động của ngành, của DN không thay đổi nhiều trong thời gian dài. Tôi nghĩ rằng Chính phủ cần phải luôn thể hiện được điều này để thu hút nhà đầu tư ngoại nói chung và trong lĩnh vực bán dẫn nói riêng”, ông Đỗ Khoa Tân chia sẻ.
Phát biểu khai mạc Triển lãm SEMIExpo Viet Nam 2024, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh với các nhà đầu tư nước ngoài, mục tiêu của VN không chỉ là tham gia chuỗi giá trị toàn cầu mà còn hướng dẫn xây dựng một hệ thống công nghiệp hướng tới bán dẫn tiên tiến, hấp dẫn khu vực và thế giới, giúp VN tự chủ và phát triển bền vững trong lĩnh vực này. Hiện Bộ đã chủ động phát triển chương trình phát triển nguồn nhân lực chuyên ngành bán dẫn, đồng hành cùng các DN, các trường đại học hàng đầu trong nước và quốc tế để đưa ra các chương trình đào tạo và phần mềm hiện đại nhất vào giảng dạy, đặc biệt trong các lĩnh vực như thiết kế vi mạch, kiểm tra và đóng gói. Đáng lưu ý, trong quá trình phát triển khai trương, Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia cũng đã hợp tác chặt chẽ và tập hợp sự tham gia, hỗ trợ của nhiều DN bán dẫn lớn như Cadence, Synosyps, Qorvo, Siemens, Marvell, ARM, Samsung…
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng thông tin thêm, ngoài chương trình đào tạo nguồn nhân lực ngành bán dẫn của VN, Bộ đã giao Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia làm việc với Bộ Ngoại giao Mỹ, Đại học bang Arizona khởi động và triển khai chương trình với mục tiêu đào tạo hơn 4.000 kỹ sư đóng gói, kiểm tra vi mạch từ nay đến hết năm 2025. Bên cạnh đó, VN cũng đang tích cực hợp tác với Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan, châu Âu… để cùng đào tạo nhân lực, phát triển ngành công nghiệp bán dẫn và AI. “VN đã hội tụ các điều kiện để sẵn sàng đón nhận, hợp tác với các DN, nhà tư vấn khắp nơi trên thế giới. Thế nên, triển lãm ngành công nghiệp bán dẫn VN 2024 không chỉ là một sự kiện kết nối mà còn là nơi khởi đầu cho những kế hoạch hợp lý trong thời hạn dài, nơi các nhà tư vấn tìm thấy tiềm năng phát triển và lợi ích khi đồng hành cùng VN”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
hinh 5 – Phòng thí nghiệm vi mạch và hệ thống cao tầng tại Trường ĐH Bách khoa TP.HCM.
Đánh giá cao về sự chuẩn bị nguồn nhân lực của VN, song GS Augustine Hà Tôn Vinh góp ý, cần có chiến lược tầm quốc gia để bổ sung nguồn nhân lực cao cấp. Chính phủ có thể tìm cách gửi người ra nước ngoài đào tạo, thậm chí có thể cấp học bổng để tuyển người tài đi học, về làm việc trong nước. Bên cạnh đó, do chúng ta chưa có ngành công nghiệp này nên có quyết sách mời chuyên gia nước ngoài, người Việt ở nước ngoài có chuyên môn giỏi về đóng góp, có chính sách đãi ngộ tương xứng để thiết lập nền tảng đào tạo thầy, chứ không chỉ đào tạo thợ. Đồng thời, phải có các chương trình phối hợp đào tạo với các công ty nước ngoài để họ nhận người Việt vào làm, đào tạo để sớm có nguồn nhân lực bắt tay vào làm được việc ngay. Ngày trước, Đài Loan, Trung Quốc, Singapore… chọn cách gửi người đi Mỹ học và có đội ngũ nhân lực cao cấp để kịp xây dựng nền công nghiệp bán dẫn cho quê nhà.
Đồng quan điểm, TS Đặng Minh Tuấn, Trưởng khoa Vi điện tử và viễn thông, Trường ĐH CMC, lưu ý thêm: VN đang có nhiều cơ hội nhưng cũng đứng trước những thách thức và khó khăn lớn. Đó là VN chưa xây dựng được hệ sinh thái cho ngành công nghiệp bán dẫn. Nhân sự chất lượng cao cho ngành này còn rất ít, hầu như không có. Bên cạnh đó, việc đầu tư vào ngành này rất lớn mà ít DN trong nước thực hiện được. Ông Tuấn dẫn chứng, để xây dựng được một nhà máy sản xuất chip phải có kinh phí từ 5 tỉ USD đến vài chục tỉ USD. Vì vậy, ngoài chiến lược chung cho ngành, DN cũng cần thêm sự hỗ trợ, khuyến khích từ Chính phủ. Chẳng hạn định hướng chia sẻ, dùng chung tài nguyên giữa các đơn vị trong nước như sử dụng phòng thí nghiệm, phần mềm hay các wafer (vật liệu nền để sản xuất vi mạch tích hợp).
“Mỗi lần thử nghiệm cũng phải mất cả triệu USD thì rất ít DN trong nước đủ khả năng thực hiện. Trong khi đó đầu ra vẫn chưa rõ ràng. Đây là ngành còn non trẻ nên cần có chính sách khuyến khích DN trong nước tham gia phát triển song song với việc thu hút đầu tư nước ngoài. VN gần như chưa có gì trong lĩnh vực này, nên việc thu hút các tập đoàn ngoại tham gia là điều tất yếu, để từ đó chúng ta hợp tác, học hỏi. Nhưng dần dần cần tăng tỷ trọng tham gia của DN trong nước. Như vậy các chính sách thu hút đầu tư cũng như khuyến khích DN phát triển trong lĩnh vực bán dẫn cần có sự hài hòa”, TS Đặng Minh Tuấn chia sẻ.
Nguồn: https://thanhnien.vn/cac-ong-lon-ban-dan-the-gioi-quy-tu-ve-viet-nam-185241109210433108.htm