Sỏi thận có thể gây ra các triệu chứng đường tiêu hóa như buồn nôn, nôn mửa và đau bụng, trong một số trường hợp còn dẫn tới tiêu chảy.
Sỏi thận là các cụm khoáng chất cứng hình thành trong thận và thường gây đau khi đi qua đường tiết niệu. Cơn đau quặn thận xảy ra khi sỏi mắc kẹt ở một trong hai ống nối thận với bàng quang, được gọi là niệu quản. Khi đó, thành niệu quản co thắt để đẩy sỏi ra ngoài.
Cơn đau quặn thận thường bắt đầu bằng các cơn đau hông, có thể lan đến bẹn. Người bệnh cũng thường gặp các triệu chứng về đường tiêu hóa như đau bụng dưới, buồn nôn, nôn mửa. Buồn nôn và nôn một phần do kích hoạt các nhánh liên quan đến thận của dây thần kinh phế vị gửi tín hiệu từ thận đến trung tâm gây nôn ở não.
Trong giai đoạn đầu của sỏi thận, người bệnh dễ nhầm lẫn cơn đau quặn thận với đau dạ dày, ngộ độc thực phẩm hoặc đau do đầy hơi. Tuy nhiên, khi sỏi thận tiếp tục di chuyển xuống niệu quản, cơn đau ngày càng dữ dội, kèm theo những rối loạn tiểu và các triệu chứng khác.
Sỏi thận không ảnh hưởng trực tiếp đến chức năng ruột nhưng có thể gián tiếp gây ra những thay đổi ở ruột dẫn đến tiêu chảy hoặc tắc ruột. Tình trạng tắc nghẽn niệu quản do sỏi thận kẹt lại có thể làm tích tụ độc tố trong máu (gọi là urê huyết), phá vỡ sự cân bằng bình thường của vi khuẩn trong ruột già. Một loại vi khuẩn có tên là Clostridium gia tăng có thể dẫn đến tiêu chảy. Các triệu chứng không điển hình khác như đau lưng dưới âm ỉ và tiểu ít. Sỏi chỉ có thể được phát hiện tình cờ trong quá trình chụp X-quang bụng hoặc siêu âm.
Đôi khi, sỏi cũng có thể gây tắc nghẽn hoàn toàn cổ bàng quang (đường dẫn nước tiểu giữa bàng quang và ống gọi là niệu đạo). Không thể đi tiểu đột ngột có thể khiến bàng quang đầy quá mức, dẫn đến bàng quang căng giãn. Nam giới bị ảnh hưởng nhiều hơn nữ giới.
Trong một số trường hợp ít gặp, áp lực từ bàng quang căng phồng có thể gây tắc nghẽn hoàn toàn hoặc một phần ruột. Tắc ruột là trường hợp cấp cứu y tế có thể dẫn đến vỡ ruột và viêm phúc mạc (viêm niêm mạc bụng) nếu không điều trị.
Sỏi thận thường mất 8 ngày đến 3 tuần đi qua đường tiết niệu tùy thuộc vào kích thước của sỏi. Trong quá trình này, đôi khi sỏi có thể gây tổn thương dây thần kinh điều chỉnh chức năng ruột, dẫn đến rối loạn chức năng phổ biến được gọi là hội chứng ruột kích thích (IBS). Tình trạng này được cho là do sự gián đoạn tín hiệu thần kinh bình thường giữa ruột và não. Các triệu chứng của IBS bao gồm đau bụng và chuột rút, chướng bụng, tiêu chảy và/hoặc táo bón, đầy hơi, chất nhầy trong phân, cảm giác đi ngoài không hết.
Mối quan hệ giữa sỏi thận và IBS vẫn chưa được hiểu rõ, nhưng các đường dẫn thần kinh gây ra cơn đau quặn thận và các triệu chứng của IBS lại rất giống nhau. Theo một nghiên cứu kéo dài ba năm với sự tham gia của hơn 53.000 người lớn ở Đài Loan, sỏi thận làm tăng nguy cơ mắc IBS lên 29% so với những người không bị sỏi thận. Phần lớn các trường hợp xảy ra trong vòng 6 tháng khi sỏi thận đi qua.
Ngược lại, một số bệnh về đường tiêu hóa cũng liên quan đến nguy cơ sỏi thận tăng cao. Nguyên nhân chính gây ra nguy cơ này là tình trạng mất nước mạn tính, do uống không đủ nước hoặc sử dụng thuốc lợi tiểu khiến tiểu nhiều. Tình trạng này khiến lượng nước uống vào ít hơn lượng nước đào thải. Mất nước làm cô đặc nước tiểu, khiến các chất như canxi hoặc axit uric kết tụ lại thành sỏi cứng.
Mất nước mạn tính liên quan đến một số rối loạn tiêu hóa bao gồm:
Bệnh Celiac: Rối loạn tự miễn dịch gây đau dạ dày cấp tính và các triệu chứng GI khác do ăn thực phẩm chứa gluten. Gluten là một nhóm protein có trong các loại ngũ cốc như lúa mì, lúa mạch…
IBS chủ yếu là tiêu chảy (IBS-D): Một trong ba loại IBS đặc trưng bởi các cơn tiêu chảy mạn tính hoặc tái phát.
Bệnh viêm ruột (IBD): Một nhóm các rối loạn viêm bao gồm bệnh Crohn và viêm loét đại tràng.
Người có dấu hiệu của sỏi thận nên đến bác sĩ tiết niệu, siêu âm để xác định kích thước của sỏi. Nếu sỏi không đào thải trong vòng 4 tuần, bác sĩ có thể đề nghị điều trị để loại bỏ hoặc phá vỡ sỏi. Những viên sỏi có đường kính trên 10 mm thường không tự đào thải và cần được điều trị. Người bệnh nên đi khám ngay nếu bị bí tiểu, sốt cao kèm theo ớn lạnh, tiểu ra máu, đau không chịu được.
Anh Ngọc (Theo Verywell Health)
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh thận tại đây để bác sĩ giải đáp |
Nguồn: https://vnexpress.net/cac-van-de-tieu-hoa-do-soi-than-4846088.html