Cử tri Mỹ có thể bỏ phiếu trực tiếp hoặc qua thư, với hỗ trợ của hệ thống máy kiểm đếm phiếu để lựa chọn người lãnh đạo nước Mỹ.
Ngày 5/11 là ngày cử tri Mỹ chính thức bỏ phiếu bầu tổng thống, song cuộc bầu cử thực tế bắt đầu từ nhiều ngày trước, khi cử tri có thể bỏ phiếu sớm trực tiếp hoặc qua thư.
Bỏ phiếu sớm
Hình thức bỏ phiếu sớm giúp cử tri tránh gặp rắc rối vì thời tiết xấu, tránh phải xếp hàng dài hoặc bận lịch trình cá nhân vào ngày bầu cử. Ước tính hơn 74 triệu cử tri Mỹ đã tiến hành bỏ phiếu sớm.
Ngoại trừ Mississippi, New Hampshire và Alabama, các bang Mỹ đều cho phép cử tri đi bầu trực tiếp tại điểm bỏ phiếu sớm trước ngày 5/11. Cử tri đã đăng ký có thể đến điểm bỏ phiếu trong khung thời gian quy định và chọn ứng viên mình ủng hộ.
Phiếu bầu kiểu này sẽ được lưu trữ và không được kiểm cho đến ngày bầu cử. Một số bang yêu cầu quan chức phải đợi đến khi các điểm bỏ phiếu đóng cửa mới bắt đầu làm việc.
Bỏ phiếu vắng mặt
Ngoài đi bỏ phiếu trực tiếp, cử tri ở hầu hết bang Mỹ cũng có thể bỏ phiếu vắng mặt. Với hình thức này, cử tri yêu cầu giới chức gửi lá phiếu trước qua đường bưu điện. Cử tri lựa chọn ứng viên trên phiếu, bỏ vào phong bì bảo mật và tiếp tục cho vào trong một phong bì. Họ phải ký vào bản tuyên thệ bên ngoài phong bì.
Cử tri cần gửi lại phiếu bằng đường bưu điện. Ngoài ra, một số bang cho phép cử tri đến gửi lại phiếu tại Văn phòng Quản lý Bỏ phiếu Vắng mặt hoặc các điểm đặt thùng phiếu bảo mật.
Chữ ký của người bỏ phiếu sẽ được đối chiếu với chữ ký trên hồ sơ đăng ký cử tri. Một số bang yêu cầu thông tin cá nhân như ngày tháng năm sinh, địa chỉ và số giấy phép lái xe để xác minh.
14 bang ở Mỹ yêu cầu cử tri phải có lý do chính đáng để được phép bầu qua thư, như bị bệnh hoặc vướng lịch trình làm việc.
Thủ đô Washington và 8 bang gồm California, Colorado, Hawaii, Nevada, Oregon, Utah, Vermont và Washington cho phép bỏ phiếu qua thư hoàn toàn. Tại những nơi này, tất cả cử tri đăng ký đều nhận được lá phiếu qua đường bưu điện bất kể họ có định sử dụng hình thức này hay không.
Hai bang Nebraska và Bắc Dakota cho phép các hạt tùy chọn hình thức bỏ phiếu qua thư. 4 bang cho phép bỏ phiếu qua thư ở một số khu vực pháp lý nhỏ như Idaho, Minnesota, New Jersey và New Mexico.
Các bang có quy định khác nhau về hạn chót tiếp nhận phiếu bầu qua thư. Một số bang như Missouri yêu cầu tất cả lá phiếu gửi qua thư phải được nhận trước khi các điểm bỏ phiếu đóng cửa vào Ngày bầu cử. Những bang khác như Maryland cho phép nhận phiếu sau Ngày bầu cử, miễn là chúng được đóng dấu bưu điện trước ngày 5/11.
Các bang tự quản lý quy trình bỏ phiếu và kiểm phiếu qua thư. Hầu hết các bang cho phép nhân viên bầu cử xử lý ngay phiếu bầu sau khi nhận, gồm xác minh chữ ký trên phiếu bầu. Một số bang yêu cầu phải đợi đến ngày bầu cử mới bắt đầu quy trình này, điều này có thể làm chậm quá trình công bố kết quả.
Ngày bầu cử
Giờ mở cửa các điểm bỏ phiếu vào ngày 5/11 phụ thuộc vào quy định của từng bang do Mỹ có nhiều múi giờ khác nhau. Nhiều bang Mỹ còn cho phép các hạt và thành phố tự ấn định. Ở một số khu vực của Vermont, cử tri có thể bỏ phiếu từ 5h sáng. Tại một thị trấn của New Hampshire, người dân thậm chí đi bầu từ nửa đêm, ngay khi bước sang ngày 5/11. Trong khi đó, tại nơi khác cũng thuộc New Hampshire, cử tri phải chờ đến 11h trưa.
Nhìn chung, hầu hết điểm bỏ phiếu của các bang bắt đầu mở cửa vào khoảng 7h và đóng cửa vào 19h hoặc 20h. Cử tri bang New York có thể bỏ phiếu cho đến 21h trong khi Indiana và Kentucky đóng lúc 18h. Ở một số vùng nông thôn, các điểm bỏ phiếu có thể đóng ngay sau khi tất cả cử tri đăng ký tại đó đã đi bầu.
Cử tri cần phải đăng ký trước để được bỏ phiếu. Một số bang như Colorado mở đăng ký cho đến Ngày bầu cử, nhưng những bang khác như Iowa yêu cầu đăng ký trước ít nhất 15 ngày. Ohio thậm chí còn yêu cầu thời hạn là 30 ngày trước Ngày bầu cử.
Hầu hết bang đều yêu cầu cử tri phải mang theo giấy tờ tùy thân để bỏ phiếu trực tiếp. Một số bang yêu cầu giấy tờ có ảnh như căn cước, giấy phép lái xe hoặc hộ chiếu. Những bang khác yêu cầu cung cấp giấy khai sinh hoặc thẻ An sinh xã hội.
Kiểm phiếu
Hầu hết các bang Mỹ sử dụng hình thức kết hợp giữa phiếu giấy và thiết bị điện tử với hai cách chính.
Cách thứ nhất là hệ thống scan phiếu quang học: Cử tri dùng bút tô vào hình bầu dục hay hình hộp bên cạnh tên ứng viên. Các phiếu giấy được đưa vào máy scan để quét ngay lập tức hoặc các phiếu bầu được tổng hợp vào một chỗ để quét tập trung.
Cách thứ hai là sử dụng Thiết bị Đánh dấu Phiếu bầu (BMD): Cử tri bỏ lá phiếu trống vào máy vào rồi chọn ứng viên trên màn hình. Thiết bị sẽ in lên lá phiếu lựa chọn của cử tri. Sau khi rút lá phiếu ra, cử tri kiểm tra để đảm bảo không chọn nhầm. Sau đó, họ bỏ phiếu vào máy quét để kiểm đếm.
BMD ban đầu được sử dụng để phục vụ cử tri khuyết tật gặp khó khăn trong việc điền phiếu, nhưng nó đang ngày càng được sử dụng phổ biến.
Một cách khác không dùng phiếu giấy là sử dụng Hệ thống Điện tử Ghi trực tiếp (DRE), lưu trữ lựa chọn trực tiếp vào bộ nhớ máy tính. Tuy nhiên, cách này đang ngày càng ít được sử dụng vì việc không có phiếu giấy có thể gây khó khăn trong trường hợp cần kiểm phiếu lại. Để khắc phục, một số hệ thống DRE trang bị máy in để tạo ra hồ sơ giấy nhằm lưu trữ.
Báo cáo của Trung tâm Công lý bầu cử và chương trình chính phủ Brennan cho hay khoảng 98% phiếu bầu ở Mỹ trong cuộc bầu cử năm nay đều sẽ có bản ghi giấy. Điều này cho phép đảm bảo đưa ra kết quả chính xác ngay cả khi hệ thống gặp lỗi hoặc bị tấn công mạng. Một số khu vực bầu cử nhỏ còn sử dụng hình thức kiểm phiếu bằng tay.
Quyền truy cập vào các thiết bị quan trọng trong hệ thống bầu cử bị hạn chế, chỉ dành cho những người được cấp quyền. Quan chức bầu cử Mỹ cho biết đã nỗ lực rất nhiều để đảm bảo an ninh cho hệ thống bỏ phiếu sau nhiều cáo buộc Nga can thiệp bầu cử năm 2016.
“Sau 8 năm, nhờ tất cả nỗ lực đáng kinh ngạc của quan chức bầu cử nhằm tăng cường an ninh của quy trình bầu cử, cơ sở hạ tầng bầu cử của chúng tôi đã an toàn hơn bất kỳ lúc nào”, Jen Easterly, giám đốc Cơ quan an ninh mạng và An ninh hạ tầng Mỹ, nói hồi tháng 9.
Ted Allen, giáo sư tại Đại học Ohio và thành viên Phòng nghiên cứu bầu cử MIT, cho biết trước khi bỏ phiếu và sau khi bỏ phiếu hoàn tất, máy bỏ phiếu đều được cất giữ ở nơi an toàn dành riêng cho quan chức bầu cử. Trong thời gian bỏ phiếu, các máy này luôn được giám sát để đảm bảo không bị truy cập trái phép.
Các máy quét phiếu bầu không có kết nối wifi, bluetooth, vô tuyến hoặc Internet.
“Trên thực tế, nếu bạn nhìn vào các máy bỏ phiếu như của Clear Ballot, dây điện là kết nối duy nhất của máy với bên ngoài”, Chip Trowbridge, giám đốc công nghệ của công ty Clear Ballot, nói.
Clear Ballot là một trong 10 nhà sản xuất hệ thống bỏ phiếu được Ủy ban hỗ trợ bầu cử liên bang (EAC) thử nghiệm và phê duyệt sử dụng.
Derek Tisler, thành viên Trung tâm Công lý bầu cử và chương trình chính phủ Brennan, nhấn mạnh luôn có biện pháp kiểm tra trong quá trình bầu cử để đảm bảo không cá nhân nào có thể can thiệp.
“Niềm tin của công chúng là rất quan trọng đối với nền dân chủ và đó là lý do bầu cử cần minh bạch”, Tisler nói.
Thùy Lâm (Theo Guardian, ABC News, Chicago Tribune)
Nguồn: https://vnexpress.net/cach-nguoi-my-bo-phieu-va-kiem-dem-ket-qua-bau-cu-4811297.html