Như Thanh Niên thông tin, Cục An toàn thông tin (Bộ TT-TT) đưa ra cảnh báo đối với các hình thức lừa đảo trực tuyến tinh vi xảy ra dịp gần Tết Nguyên đán. Theo Cục An toàn thông tin, vào thời điểm này, nhu cầu đổi tiền lẻ (tiền mới) để lì xì hoặc chuẩn bị cho các hoạt động tiêu dùng trong dịp tết rất lớn, điều này tạo cơ hội cho các dịch vụ đổi tiền online xuất hiện. Đánh vào tâm lý, nhu cầu của người dân, các đối tượng xấu đã thực hiện hành vi lừa đảo với những thủ đoạn hết sức tinh vi. Theo cục này, những quảng cáo dịch vụ đổi tiền mới trên các trang mạng xã hội tiềm ẩn rất nhiều rủi ro. Thực tế đã có nhiều nạn nhân thực hiện giao dịch đổi tiền mới nhưng khi nhận lại tiền đổi thì không đủ như cam kết, thậm chí nhận tiền giả.
Một hình thức lừa đảo phổ biến được Cục An toàn thông tin “điểm mặt” thời gian gần đây là mạo danh nhân viên ngân hàng để lừa đảo vay tiền hoặc đáo hạn. Thủ đoạn này khiến nhiều người dân, đặc biệt là những người không có nhiều kinh nghiệm về tài chính, rơi vào bẫy của kẻ lừa đảo.
Cũng theo Cục An toàn thông tin, gần đây xuất hiện hàng loạt kẻ xấu giả mạo nhân viên điện lực để lừa đảo người dân. Những người này thường sử dụng phương thức gọi điện hoặc nhắn tin qua Zalo, SMS để yêu cầu người dân thanh toán tiền điện ngay lập tức, đồng thời đe dọa sẽ cắt điện nếu không thanh toán. Cục này khuyến cáo người dân cần cảnh giác trước các cuộc gọi, tin nhắn đến từ người không rõ danh tính. Nếu nhận được yêu cầu thanh toán, hãy kiểm tra lại thông tin qua các kênh chính thức của công ty điện lực như website, tổng đài hỗ trợ khách hàng. Tuyệt đối không tải về ứng dụng không rõ nguồn gốc từ những website do người lạ gửi đến. Đảm bảo thanh toán qua các phương thức mà công ty điện lực công nhận như ứng dụng ngân hàng, ví điện tử, hoặc thanh toán trực tiếp tại các điểm thu tiền chính thức…
Ma trận lừa đảo giăng bẫy người dùng cận Tết Nguyên đán
Đủ chiêu trò
Bạn đọc (BĐ) Thanh Niên cho rằng tội phạm mạng không ngừng thay đổi thủ đoạn, tận dụng công nghệ để thực hiện các vụ lừa đảo tinh vi, nhất là thời điểm cuối năm, vì vậy người dân phải hết sức cảnh giác. “Rất nhiều chiêu trò lừa đảo bùng nổ dịp cuối năm. Các đối tượng xấu không ngừng thay đổi thủ đoạn, từ giả mạo trang web đến lừa đảo qua tin nhắn. Hãy luôn tỉnh táo và kiểm tra kỹ thông tin trước khi đưa ra bất kỳ quyết định nào”, BĐ Thanh Vu cảnh báo.
Cùng quan điểm, BĐ Đỗ Công ý kiến: “Kẻ lừa đảo thường mạo danh để dụ dỗ con mồi nhấn vào các liên kết độc hại hoặc thu thập dữ liệu thông tin cá nhân. Bên cạnh đó, những cuộc gọi lạ, giao dịch mua bán trực tuyến cũng ẩn chứa nhiều rủi ro lừa đảo. Đừng vội tin vào bất kỳ lời mời hấp dẫn nào. Hãy luôn cảnh giác và kiểm tra kỹ thông tin trước khi chia sẻ. Chỉ nhấn vào các liên kết từ nguồn tin đáng tin cậy. Tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân cho bất kỳ ai qua điện thoại trừ khi bạn chắc chắn đó là người mà bạn tin tưởng”.
Còn BĐ Ngọc Quang viết: “Lừa đảo trực tuyến, lừa đảo qua điện thoại… trở thành những vấn nạn xã hội đáng báo động, đe dọa trực tiếp đến tài sản và tinh thần của người dân. Mỗi người cần trang bị cho mình những kiến thức cần thiết để bảo vệ bản thân trước những thủ đoạn ngày càng tinh vi của kẻ xấu”.
“Mạng xã hội là nơi chúng ta kết nối với bạn bè và người thân, nhưng cũng là nơi ẩn chứa nhiều nguy hiểm. Các đối tượng xấu có thể tạo ra những tài khoản giả mạo để lừa đảo bạn bè của bạn. Hãy cảnh giác và không chia sẻ thông tin cá nhân quá dễ dàng”, BĐ Hồng Quân lưu ý.
Xử nghiêm đối tượng vi phạm
Trước thực trạng trên, BĐ Quốc Đoàn đề nghị cơ quan chức năng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân nhận biết rõ hơn về các thủ đoạn lừa đảo và có biện pháp phòng ngừa hiệu quả. “Bên cạnh đó, việc xử lý nghiêm các đối tượng lừa đảo là điều cần thiết để răn đe và giảm thiệt hại cho xã hội”, BĐ này góp ý thêm.
Tương tự, BĐ Việt Long ý kiến: “Để bảo vệ tài sản và quyền lợi của mình, mỗi người dân cần nâng cao cảnh giác và trang bị cho mình những kiến thức cần thiết nhằm phòng tránh bị lừa đảo. Bên cạnh đó, nhà nước cần có những giải pháp quyết liệt hơn nhằm xử lý nghiêm các đối tượng lợi dụng công nghệ để lừa đảo”.
“Để bảo vệ tài sản của mình, trước tiên người dân cần trang bị những kiến thức cần thiết để phân biệt thông tin thật – giả, tránh bị kẻ xấu lợi dụng. Việc bảo vệ thông tin khách hàng không chỉ là trách nhiệm của doanh nghiệp mà còn là yếu tố quyết định đến uy tín và sự thành công của doanh nghiệp, vì vậy nhiệm vụ này cũng phải được đặt lên hàng đầu… Cả xã hội cần chung tay, góp sức để tạo bức tường thành vững chắc, bảo vệ người dân khỏi các thủ đoạn lừa đảo ngày càng tinh vi của bọn xấu”, BĐ Hoàng Anh góp ý.
Kẻ gian luôn lợi dụng lòng tham của con người để bày ra những cái bẫy ngọt ngào, chúng ta cần hết sức tỉnh táo, không dễ dàng bị cuốn theo những lời hứa hẹn hấp dẫn.
Nguyễn Đức
Đừng để lòng tham làm mờ mắt, kẻ lừa đảo rất giỏi trong việc tạo ra những cơ hội “có một không hai” để trục lợi. Cẩn trọng là cách tốt nhất để bảo vệ tài sản của bạn. Đừng để những kẻ lừa đảo có cơ hội lợi dụng. Hãy luôn nhớ: “Tiền dễ mất hơn tiền kiếm”.
Tuấn Anh
Nguồn: https://thanhnien.vn/can-trong-chieu-tro-lua-dao-bung-no-dip-cuoi-nam-185250114185315113.htm