Các đối tượng xấu đã đánh trúng vào tâm lý của khách hàng muốn vay nhanh, thủ tục thuận tiện và lợi dụng uy tín của các ngân hàng, tổ chức tài chính để giả mạo làm nhân viên đăng tải thông tin hỗ trợ vay tiền trên mạng xã hội nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Mới đây, do cần 10 triệu đồng để phẫu thuật gấp cho ba, anh Nguyễn Văn Hoàng (công nhân KCX Linh Trung I, TP Thủ Đức, TP HCM) rối bời vì không biết mượn ai. Tình cờ lướt mạng xã hội anh Hoàng thấy nhiều app cho vay nhanh, thủ tục đơn giản.
Khi anh liên hệ hỏi thủ tục vay tiền, “tư vấn viên” yêu cầu anh phải nộp các khoản phí giải ngân, bảo lãnh 5 triệu đồng thì mới nhận được số tiền. Vét cạn số tiền trong tài khoản, anh Hoàng chuyển 5 triệu đồng bảo lãnh để nhanh chóng được nhận tiền. Sau đó, anh được “tư vấn viên”, thông báo đã giải ngân tiền vào tài khoản sai là do “lỗi của khách hàng”, rồi tiếp tục yêu cầu nộp thêm 5 triệu đồng bảo lãnh nữa. Không còn tiền, anh Hoàng hỏi vay một người bạn và nói rõ lý do. Nguời bạn khuyên anh cẩn trọng vì sợ sập bẫy lừa của các đối tuợng xấu. Khi anh Hoàng bảo mình không có tiền để tiếp tục nộp tiền nữa thì lúc này tài khoản “tư vấn viên” cũng bốc hơi.
Theo Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) các hình thức lừa đảo trực tuyến ngày càng tinh vi và phức tạp. Cục đã liên tục cảnh báo nhiều chiêu thức lừa đảo đã xuất hiện trong thời gian dài nhưng vẫn nhiều người, trong đó có công nhân lao động dễ dàng mắc phải. Một số hình thức lừa đảo trực tuyến mới như:
Lừa đảo cho vay tín dụng đen
Thời gian qua, nắm bắt tâm lý nhiều người dân có nhu cầu vay tiền online để phục vụ cuộc sống, các đối tượng đã giả danh cán bộ ngân hàng để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Thủ đoạn chung của các đối tượng này là mạo danh nhân viên của các công ty tài chính, ngân hàng lớn để tạo lòng tin, sau đó yêu cầu người vay chuyển khoản đặt cọc hoặc trả trước một khoản tiền nhất định. Đối tượng dẫn dụ người dân bằng cách hứa hẹn khoản vay nhanh, không cần chứng minh tài sản.
Ngoài ra, một số dịch vụ cho vay online ban đầu hứa hẹn lãi suất thấp, nhưng khi giải ngân thì các điều khoản thay đổi, lãi suất tăng cao bất ngờ, kèm theo các loại phí phạt vô lý. Nếu người vay không thể trả nợ, các đối tượng lừa đảo sẽ đe dọa, khủng bố tinh thần bằng cách gọi điện liên tục, nhắn tin đe dọa, thậm chí bôi nhọ danh dự của người vay trên mạng xã hội.
Huy động vốn đa cấp trái phép
Skyway được giới thiệu là một tập đoàn thực hiện các dự án công nghệ vận tải trên không, được thành lập ở Belarus, hoạt động theo hình thức huy động vốn từ các tổ chức, cá nhân thông qua hình thức mua các gói cổ phần. Tổ chức này có trụ sở văn phòng tại Việt Nam nhưng chưa được Bộ Công Thương cấp phép hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp và có dấu hiệu vi phạm pháp luật Việt Nam, từ việc giới thiệu thêm thành viên vào hệ thống, càng giới thiệu được nhiều thành viên sẽ càng nhận được nhiều hoa hồng.
Trước tình hình lừa đảo diễn ra, Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dân cần thận trọng trước các lời mời đầu tư, huy động vốn với lãi suất cao bất thường so với thị trường.
Mạo danh công ty điện lực chiếm đoạt thông tin khách hàng
Mạo danh công ty điện lực chiếm đoạt thông tin khách hàng
Các đối tượng mạo danh nhân viên điện lực gọi điện thông báo khách hàng đang nợ tiền điện lớn và đe dọa sẽ cắt điện nếu không thanh toán ngay. Sau đó, họ yêu cầu người dân chuyển khoản vào một tài khoản cá nhân hoặc cung cấp thông tin ngân hàng để “giải quyết nợ”.
Ngoài ra, đối tượng còn gửi tin nhắn SMS hoặc email giả mạo thông báo hóa đơn tiền điện, kèm theo đường link để thanh toán trực tuyến hoặc ứng dụng giả mạo. Nếu nạn nhân nhấp vào đường link và điền thông tin, kẻ gian sẽ chiếm đoạt thông tin thẻ tín dụng hoặc tài khoản ngân hàng.
Nguồn: https://nld.com.vn/canh-bao-3-hinh-thuc-lua-dao-truc-tuyen-moi-nguoi-lao-dong-can-tranh-196241109072818769.htm