Chúng ta vừa đi qua năm 2024 đầy gian khó nhưng cũng là năm chúng ta gặt hái nhiều thành quả đáng khích lệ khi những chỉ số được công bố trong bài viết đầu năm mới của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã khẳng định xu hướng tăng trưởng tích cực, cùng những thông điệp về “Đổi mới, sáng tạo, tăng tốc, bứt phá, đưa đất nước vững bước tiến vào Kỷ nguyên vươn mình, phát triển giàu mạnh, văn minh, thịnh vượng của dân tộc”.
Năm 2024 dù phải hứng chịu thiệt hại nặng nề từ thiên tai, bão lũ và nhiều khó khăn khác, Việt Nam vẫn đạt mức tăng trưởng GDP 7%. Kim ngạch xuất nhập khẩu đạt kỷ lục mới với gần 800 tỷ USD, xuất siêu năm thứ 9 liên tiếp với khoảng 23 tỷ USD; nông nghiệp tiếp tục là điểm tựa của nền kinh tế và đóng góp xứng đáng vào thành tích xuất khẩu.
Sản xuất công nghiệp tăng cao nhất từ 2020 đến nay với mức 8,4% so với cùng kỳ năm trước. Vốn FDI thu hút hơn 31 tỷ USD, tuy không tăng nhiều nhưng so với năm 2023 dòng vốn chất lượng hơn với sự góp mặt của các ông lớn công nghệ trên thế giới.
Năm 2024 ghi nhận nhiều cột mốc mới trong lĩnh vực hạ tầng giao thông khi có tới 8 dự án cao tốc hoàn thành, nối dài cao tốc Bắc Nam lên hơn 2.000km, là cơ sở để năm nay hoàn thành mục tiêu 3.000 km đường bộ cao tốc trên cả nước.
Nhiều dự án lớn trong lĩnh vực dầu khí, năng lượng đã hoàn thành. Đặc biệt là dự án đường dây 500kV mạch 3 Quảng Trạch – Phố Nối đóng điện sau hơn 6 tháng thi công, là thành quả của niềm tin, ý chí quyết tâm và tinh thần đoàn kết đồng lòng của người Việt, là bài học kinh nghiệm cho việc triển khai nhiều dự án lớn quốc gia.
Cùng với đó, những dấu ấn trong cuộc chiến phòng chống tham nhũng, quyết tâm xây dựng bộ máy công quyền trong sạch, liêm chính, vì người dân và doanh nghiệp, tạo dựng thị trường cạnh tranh lành mạnh… của Việt Nam đã nhận được nhiều lời đánh giá tích cực từ các tổ chức quốc tế.
Những nỗ lực cải cách thể chế và cuộc cách mạng sắp xếp, tinh gọn bộ máy do Tổng Bí thư Tô Lâm phát động đang tạo động lực mạnh mẽ để xây dựng hệ thống chính trị “Tinh – Gọn – Mạnh – Hiệu năng – Hiệu lực – Hiệu quả”.
Những bài học phát triển trong năm 2024 củng cố niềm tin về bước phát triển mới của đất nước, tăng trưởng 2 con số trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, hướng đến mục tiêu năm 2045, quy mô kinh tế của Việt Nam sẽ tăng gấp 4 lần hiện nay.
Từ một nước nghèo nàn, kiệt quệ vì chiến tranh, sự nghiệp đổi mới 40 năm đã đưa Việt Nam bước qua ngưỡng thu nhập trung bình thấp, thu nhập bình quân đầu người đã tăng lên gấp 40 lần. Giờ là lúc phải nâng tầm phát triển, hướng tới 2 cột mốc quan trọng là năm 2030 thành nước thu nhập trung bình cao, năm 2045 thành nước thu nhập cao.
Công cuộc đổi mới đã giúp chúng ta tích lũy nguồn lực, cơ sở hạ tầng, kinh nghiệm cho giai đoạn phát triển mới của đất nước. Đặc biệt là kinh nghiệm thực hiện các mục tiêu tăng trưởng kinh tế cao nhưng vẫn giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát.
Mức tăng trưởng 2 con số trong những năm tới là yêu cầu rất cao, đòi hỏi sự nỗ lực lớn của cả hệ thống chính trị, người dân và doanh nghiệp, trong đó có vai trò tiên phong của các ngành, lĩnh vực quan trọng như công nghiệp năng lượng, chế biến, chế tạo, xuất khẩu… Và điều quan trọng là chúng ta phải tạo ra những động lực tăng trưởng mới như công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo, tăng trưởng xanh…
Đầu tư công sẽ tiếp tục vai trò dẫn dắt đầu tư tư nhân thông qua các đại dự án về hạ tầng kinh tế – xã hội; khai thác hiệu quả khối tài sản hàng triệu tỷ đồng mà các doanh nghiệp nhà nước đang nắm giữ; quyết liệt tháo gỡ vướng mắc, tái cơ cấu để khởi động lại những dự án đắp chiếu nhiều năm, nhất là các dự án bất động sản.
Năm 2025 và những năm tiếp theo, FDI vẫn là dòng vốn được ưu tiên thu hút nhiều hơn trên tinh thần hợp tác bình đẳng, chủ động gạn lọc, hướng đến phát triển công nghiệp công nghệ cao, công nghệ nguồn, công nghiệp bán dẫn, AI…tạo bứt phá thành đầu tàu đẩy nền kinh tế tăng trưởng nhanh hơn.
Sự kiện Chủ tịch Jensen Huang của Nvidia, Hoa Kỳ – Tập đoàn chuyên thiết kế, sản xuất chip bán dẫn lớn nhất thế giới với giá trị thị trường gần 1.200 tỷ USD, ký thỏa thuận hợp tác với Chính phủ Việt Nam thành lập Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Trí tuệ nhân tạo (AI) và Trung tâm Dữ liệu AI tại nước ta, thể hiện quyết tâm và cam kết mạnh mẽ khi coi Việt Nam là “ngôi nhà thứ hai của Nvidia”, cũng như sự tin tưởng vào tiềm năng phát triển của nước ta. Điều này cũng sẽ tạo hiệu ứng lan tỏa, thu hút các nhà đầu tư trong lĩnh vực bán dẫn, công nghệ cao nói riêng và đầu tư nước ngoài nói chung đến Việt Nam.
Xuất khẩu phải tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa, mục tiêu kim ngạch 1.000 tỷ USD nhiều khả năng sẽ đạt được trong vài năm tới. Chúng ta cũng cần chú ý “khoan thư sức dân” để kích thích tiêu dùng, thông qua việc sửa đổi chính sách thuế thu nhập cá nhân đã lỗi thời hiện nay, vì tiêu dùng đóng góp quan trọng trong tăng trưởng GDP của đất nước.
Dù đã có tới 9 địa phương đạt mức tăng trưởng GDP trên 10% trong năm 2024, nhưng không thể quên vai trò đầu tàu của Hà Nội và TPHCM. Vì vậy, cần đẩy mạnh phân cấp phân quyền mạnh hơn nữa trên cơ sở hành lang pháp lý hiện hành để hai địa phương này làm tốt vai trò dẫn dắt tăng trưởng cho nền kinh tế đất nước.
Khát vọng và sự đồng thuận sẽ tạo nên bản lĩnh để Việt Nam tự tin bước vào kỷ nguyên mới – kỷ nguyên vươn mình phát triển, giàu mạnh, thịnh vượng.
Tác giả: Ông Nguyễn Vân Thiêng là nhà báo với hơn 30 năm trong nghề, hiện công tác tại Đài Tiếng nói Việt Nam.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!
Nguồn: https://dantri.com.vn/tam-diem/chao-2025-viet-nam-tu-tin-buoc-vao-ky-nguyen-moi-20250101095223679.htm