Thứ tư, Tháng hai 12, 2025
HomeThế GiớiChâu Phi nỗ lực vượt thử thách để phát triển

Châu Phi nỗ lực vượt thử thách để phát triển

Bức tranh kinh tế châu Phi gồm những mảng mầu đan xen. Với dự báo tăng trưởng kinh tế của châu lục sẽ được​​ cải thiện từ 3,4% năm 2024 lên 3,7% vào năm 2025 và tiếp tục lên 4% vào năm 2026, quỹ đạo tích cực này phản ánh sự phục hồi của các nền kinh tế chủ chốt ở khu vực và những nỗ lực đang diễn ra hướng tới hội nhập khu vực thông qua Hiệp định Khu vực thương mại tự do châu Phi (AfCFTA).

Theo đánh giá của Liên hợp quốc, tăng trưởng kinh tế châu Phi dự kiến ​​sẽ mạnh lên nhờ sự phục hồi của các nền kinh tế lớn nhất trong khu vực. Ðông Phi tiếp tục cho thấy sự tăng trưởng mạnh mẽ, trong khi các khu vực khác phải đối mặt với những thách thức riêng biệt. Trung Phi bị hạn chế bởi tình trạng sản xuất dầu trì trệ và bất ổn chính trị, trong khi gánh nặng nợ nần cao và tình trạng thất nghiệp vẫn là những mối quan tâm cấp bách trên khắp lục địa.

Theo đánh giá của Liên hợp quốc, tăng trưởng kinh tế châu Phi dự kiến ​​sẽ mạnh lên nhờ sự phục hồi của các nền kinh tế lớn nhất trong khu vực.

Bên cạnh những tín hiệu tích cực, lạm phát vẫn là một trở ngại lớn đối với các nền kinh tế châu Phi, khi một số quốc gia đang có mức lạm phát hai chữ số. Lạm phát lương thực vẫn dai dẳng ở các nền kinh tế đang phát triển, với khoảng một nửa trong số đó có mức lạm phát trên 5% vào năm 2024, một xu hướng làm trầm trọng thêm tình trạng mất an ninh lương thực ở những nhóm dân số dễ bị tổn thương.

Nhiều quốc gia trong châu lục chật vật gánh nợ khi năm 2024, các khoản thanh toán lãi suất đã tiêu tốn trung bình 27% doanh thu của các chính phủ ở châu Phi, tăng từ 19% vào năm 2019. Ðiều này hạn chế không gian tài chính cho các khoản đầu tư thiết yếu vào y tế, giáo dục và cơ sở hạ tầng. Mặc dù triển vọng tăng trưởng tích cực, nhưng châu Phi vẫn phải giải quyết các thách thức để duy trì đà tăng trưởng.

Theo Cơ quan về thương mại và phát triển của Liên hợp quốc (UNCTAD), các nền kinh tế châu Phi liên tục chịu nhiều cuộc khủng hoảng liên quan đến chính trị, khí hậu hoặc năng lượng, làm gián đoạn sự đóng góp của châu lục này vào thương mại thế giới.

Với khoảng 16% dân số thế giới sinh sống ở châu Phi, khối lượng thương mại của châu lục này tương đối thấp, chỉ chiếm chưa đến 2,9% thương mại toàn cầu hồi năm 2022. Nguyên nhân chủ yếu là do tình hình bất ổn chính trị tại châu lục.

Là châu lục có trữ lượng khoáng sản quan trọng dồi dào, châu Phi có nhiều cơ hội cho tăng trưởng kinh tế. Các quốc gia có trữ lượng khoáng sản quan trọng phong phú có tiềm năng to lớn để tận dụng các nguồn tài nguyên này nhằm kích thích tăng trưởng và thúc đẩy phát triển bền vững.

Tuy nhiên, đây cũng là “con dao hai lưỡi” khi gần một nửa số nước châu Phi phụ thuộc vào dầu mỏ, khí đốt hoặc khoáng sản để tạo ra hơn 60% doanh thu xuất khẩu. Ðiều này khiến các nước này dễ bị tổn thương trước những thay đổi đột ngột của thị trường.

Theo UNCTAD, việc phụ thuộc vào tài nguyên thiên nhiên có thể tạo ra sự cân bằng giữa tăng trưởng chậm, thương mại thấp và quản trị kém. Trong khi đó, biến đổi khí hậu, các hiện tượng thời tiết cực đoan và suy thoái môi trường đã đe dọa an ninh lương thực, sinh kế và sự ổn định kinh tế ở châu Phi. Khoảng 110 triệu người đã trở thành nạn nhân của các mối đe dọa do biến đổi khí hậu trên lục địa này trong năm 2022.

Một trở ngại khác là khuôn khổ pháp lý đôi khi không rõ ràng, được coi là rào cản đối với các khoản đầu tư của các doanh nhân. UNCTAD cũng lưu ý đến một số trở ngại khác, trong đó đáng chú ý là sự chênh lệch về cơ sở hạ tầng hậu cần của một số quốc gia.

Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu phải hứng chịu nhiều “cơn gió ngược” và châu Phi cũng đối mặt nhiều cuộc khủng hoảng, các cơ quan Liên hợp quốc khuyến khích đa dạng hóa kinh tế và phát triển thương mại giữa các nước châu Phi.

Tuy nhiên, trên thực tế, mặc dù AfCFTA chính thức có hiệu lực từ năm 2021, song châu Phi vẫn còn ở rất xa mục tiêu tạo ra một khu vực thương mại lớn duy nhất bằng cách loại bỏ hầu hết các loại thuế hải quan trong vòng từ 5 đến 10 năm. Bên cạnh đó, thúc đẩy hợp tác quốc tế mạnh mẽ cũng là nhân tố quan trọng giúp châu Phi giải quyết các thách thức phát triển.

Nguồn: https://nhandan.vn/chau-phi-no-luc-vuot-thu-thach-de-phat-trien-post859598.html

NhanDan Logo

Hello Mình là Cải

Theo dõi
Thông báo của
0 Góp ý
Mới nhất
Cũ nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận

Tin Nóng Hôm Nay