Phía trước xe tôi là một chiếc máy cày to lớn, chạy khá chậm so với tốc độ cho phép 60mph (tương đương 97km/h). Đoạn đường chỉ có hai làn xe, và đằng sau tôi là một hàng dài xe nối đuôi. Tài xế máy cày địa phương, chắc chắn hiểu rõ tình hình giao thông. Khoảng vài phút sau, khi gặp một đoạn đường rộng hơn đã tạm nép vào trong để cho đoàn xe phía sau vượt qua, rồi tiếp tục hành trình.
Tình huống này không hiếm gặp, đặc biệt là ở gần nơi tôi sống là vùng đồng quê hạt Oxfordshire (Anh). Tôi cũng đã trải qua tình huống tương tự khi lái xe qua các đồng quê ở Scotland, Milan (Ý) và nhiều nơi khác.
Trên các cao tốc ở Anh, tôi thỉnh thoảng gặp những xe tải dài chạy với tốc độ khoảng 45-50mph (70-80km/h), khá chậm so với tốc độ cho phép 70mph (110 km/h). Trong một tình huống, xe tải phía sau quyết định vượt xe tải phía trước. Do khả năng tăng tốc của xe tải lớn là hạn chế, hai xe so kè nhau một đoạn, khiến các tài xế xe hơi phía sau không khỏi cau mày. Tuy nhiên, tài xế xe tải phía trong hiểu rõ tình huống, giảm tốc một chút để tạo điều kiện cho xe phía ngoài vượt qua, rồi quay trở lại làn trong.

Hệ thống biển báo tốc độ trên đường từ trung tâm Hà Nội đến sân bay Nội Bài (Ảnh: Nhật Minh)
Tôi cần giải thích một chút, trên các cao tốc tại Anh, xe con, xe môtô có thể chạy vào làn xe tải và ngược lại ngoại trừ có biển báo cấm xe tải. Điều này được quyết định bởi một nguyên tắc cơ bản đó là tốc độ xe chạy. Các làn bên trong có tốc độ xe chạy thấp hơn, mặc nhiên dành cho xe tải, nhưng không có nghĩa các xe con không được chạy vào. Nếu không, thì tình trạng tắc đường rất dễ xảy ra do nhiều xe con tập trung ở các làn ngoài trong khi làn trong còn trống.
Tại Việt Nam, báo chí và mạng xã hội phản ánh tình trạng nhiều tài xế có thói quen “chiếm giữ làn trái” dù chạy xe với tốc độ chậm, nhất là trên cao tốc. Trong khi đó, về nguyên tắc, phương tiện tham gia giao thông đường bộ di chuyển với tốc độ thấp hơn phải đi về bên phải, nhường làn trái cho xe chạy nhanh hơn.
Thậm chí, trên nhiều tuyến đường, một số tài xế xe tải cố tình “dàn hàng ngang” với tốc độ chậm và không nhường đường. Bên cạnh đó, những xe tải “rùa bò” chạy chỉ với tốc độ 20km/h trên một số quốc lộ đã góp phần gây ùn ứ giao thông. Dù các tài xế phía sau bị ức chế, nhưng họ không dám sử dụng làn ngược chiều để vượt vì sợ vi phạm luật giao thông và rủi ro tai nạn. Không ít người cho rằng đây là “cạm bẫy” thử thách sự kiên nhẫn, vì nếu vượt qua những xe tải này, họ có thể gặp CSGT hoặc bị camera phạt nguội ghi nhận.
Hiện tượng trên khi diễn ra liên tục sẽ khiến việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng của nhà nước trở nên lãng phí. Dù tiêu chí kỹ thuật ngày càng cao và chi phí đầu tư tăng, nhưng vận tốc khai thác của xe lại quá thấp.
Nhường làn cho các xe chạy nhanh hơn là một quy tắc giao thông được tuân thủ chặt chẽ tại nhiều quốc gia, giúp giao thông thông suốt, giảm nguy cơ tai nạn, và nâng cao hiệu suất vận hành của hệ thống giao thông.
Để đảm bảo điều này, tốc độ xe chạy phải cao hơn tốc độ tối thiểu, và mỗi làn xe khác nhau sẽ có tốc độ tối thiểu khác nhau. Chẳng hạn, trên các cao tốc 6 làn xe tại Đức, tốc độ tối thiểu ở làn nhanh (fast lane, làn ngoài cùng), là 110km/h, làn giữa là 90km/h và làn trong cùng là 60km/h.
Tại nhiều nước trên thế giới, việc lái xe chậm hơn tốc độ tối thiểu trên một số tuyến đường, đặc biệt là trên đường cao tốc (motorway tại UK, hay autobahn và expressway tại Đức) sẽ bị xử phạt. Nguyên tắc chung là xe không được chạy chậm nếu như không có lý do chính đáng (chẳng hạn như phát sinh sự cố kỹ thuật, hay thời tiết xấu).
Các phương tiện thô sơ như xe máy kéo, xe công nông, không thể duy trì tốc độ tối thiểu đều bị cấm đi vào các tuyến cao tốc. Đặc biệt tại Đức có cao tốc không hạn chế tốc độ, việc lái xe quá chậm sẽ rất nguy hiểm, có thể gây tai nạn thảm khốc. Tài xế vì vậy có khả năng bị truy tố trước tòa vì lỗi lái xe nguy hiểm (reckless driving).
Đặc biệt, làn trái (làn nhanh, fast lane) không phải làn di chuyển bình thường (ngoại trừ trường hợp tắc đường). Làn này chỉ dành riêng cho vượt xe, sau khi vượt xe thì quay lại làn bên trong để nhường đường cho xe khác. Tại nhiều nơi có bảng nhắc nhở “keep right except to pass” (giữ bên phải, trừ khi vượt xe).
Ở Anh Quốc, các tài xế được yêu cầu lái xe ở làn trong cùng (bên trái ở Anh). Tình trạng chiếm làn giữa trong thời gian dài mà không quay trở lại làn trong (middle lane hogging) có thể bị phạt tới 100 bảng Anh và trừ 3 điểm bằng lái.
Tốc độ xe chạy trên các làn trái cao hơn tốc độ tối thiểu. Ở nhiều quốc gia, hành vi lái xe chậm dưới tốc độ tối thiểu sẽ bị phạt. Đơn cử, tại Abu Dhabi (Thủ đô của Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất), nếu lái xe dưới 120km/h ở hai làn ngoài cùng (làn vượt xe) tại cao tốc E11 nối Dubai với Abu Dhabi, người lái xe sẽ bị phạt tương đương 3 triệu đồng. Đây là tuyến đường đặc biệt có tốc độ thiết kế 140km/h. Một đồng nghiệp vừa kể tôi nghe từng bị phạt nguội hai lần ở hai đoạn khác nhau trên cùng một con đường này. Cá biệt có người bị phạt đến 8 lần cho tuyến đường này như báo đã đăng tải. Tất nhiên, nếu tài xế lái nhanh hơn tốc độ cho phép 140km/h thì cũng bị phạt.
Tương tự như vậy, tại Dubai, nếu lái xe chậm tại làn nhanh (fast lane) tài xế sẽ bị phạt số tiền tương đương 3 triệu đồng và có 4 điểm đen trên bằng lái.
Để giải quyết tình trạng xe chạy chậm trên cao tốc ở Việt Nam, chúng ta cần học hỏi kinh nghiệm các quốc gia phát triển thông qua việc kết hợp đồng bộ các biện pháp kỹ thuật, chương trình giáo dục ý thức giao thông, và kết hợp với áp dụng chế tài đủ tính răn đe.
Về lâu dài, cần đảm bảo các tuyến đường cao tốc có đủ số làn xe, tối thiểu là 6 làn xe, trong đó có bố trí làn nhanh rõ ràng. Điều này tạo cơ sở cho việc ban hành các tiêu chuẩn và quy định về pháp lý, chẳng hạn như tốc độ tối thiểu cho các làn ngoài cùng, làn giữa và làn nhanh như Đức và các nước khác đã áp dụng.
Các quy định này cần được phổ biến rộng rãi qua truyền thông, tích hợp vào chương trình đào tạo lái xe, và các bài thi lý thuyết và thực hành nhằm nâng cao ý thức giao thông. Cùng với đó, cần tăng cường đặt biển báo để nhắc nhở, ví dụ như “Làn trái chỉ dành để vượt” tại các điểm quan trọng trên cao tốc. Không kém phần quan trọng, cần đưa ra các mức phạt nghiêm khắc đối với tài xế cố tình chạy chậm trên làn trái mà không nhường đường cho xe khác.
Việc nhường làn trên đường cao tốc không chỉ là một quy tắc mà còn là văn hóa giao thông quan trọng. Học hỏi từ các nước có hệ thống giao thông tiên tiến, đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng, nâng cao tuyên truyền giáo dục sẽ giúp chúng ta nâng cao ý thức lái xe, đảm bảo giao thông thông suốt, an toàn, và hiệu quả hơn.
Tác giả: TS Bùi Mẫn, Giám đốc Phòng thí nghiệm GTC Soil Analysis Services tại Dubai, là chuyên gia cao cấp trong nghiên cứu đặc tính đất và thí nghiệm địa kỹ thuật tiên tiến, với trọng tâm về quản lý và kiểm soát chất lượng. Ông từng giảng dạy tại Đại học Bách khoa TPHCM và tham gia nhiều dự án hạ tầng lớn cùng các công ty tư vấn hàng đầu như Fugro, WS Atkins, và Amec Foster Wheeler.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!
Nguồn: https://dantri.com.vn/tam-diem/chay-cham-bam-lan-trai-tren-cao-toc-20250223224515237.htm