Trung ương vừa thông qua phương án tinh gọn bộ máy hệ thống chính trị, trong đó bộ máy Chính phủ được tinh gọn từ 30 đầu mối xuống còn 22, gồm 14 bộ, ba cơ quan ngang bộ, năm cơ quan trực thuộc.
Trong số này có 10 bộ hợp nhất thành 5 bộ và lập thêm một bộ mới; một số bộ sẽ tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ mới từ các bộ, ngành khác…
Bộ Tài chính có nhiều đầu mối, biên chế nhất
Thông tin từ TTXVN, với phương án được Trung ương thông qua, Bộ KH&ĐT hợp nhất với Bộ Tài chính thành Bộ Tài chính, sau khi sắp xếp còn 35 đầu mối, giảm 30 đầu mối. Về biên chế sau khi hợp nhất, Bộ Tài chính mới có 69.405 biên chế công chức, 17.656 biên chế viên chức.
Bộ Tài chính sẽ tổ chức lại các tổng cục và tổ chức tương đương. Cụ thể, Tổng cục Thuế được tổ chức thành Cục Thuế có 12 ban/phòng và sắp xếp, cơ cấu lại Cục Thuế 63 tỉnh, thành phố thành 20 Chi cục Thuế khu vực. Sắp xếp, cơ cấu lại 413 Chi cục Thuế cấp huyện và khu vực liên huyện thành 350 đội thuế khu vực liên huyện.
Tổng cục Hải quan được tổ chức lại thành Cục Hải quan có 12 ban/phòng. 35 Cục Hải quan khu vực được sắp xếp, cơ cấu lại thành 20 Chi cục Hải quan khu vực. 191 Chi cục Hải quan được cơ cấu thành 165 Hải quan cửa khẩu/ngoài cửa khẩu và là tổ chức cấp đội.
Kho bạc Nhà nước (cấp tổng cục) được tổ chức thành Kho bạc Nhà nước tương đương cấp cục có 10 ban/phòng; 63 Kho bạc Nhà nước cấp tỉnh thành 22 Kho bạc Nhà nước khu vực, là tổ chức cấp chi cục.
Tổng cục Dự trữ Nhà nước được tổ chức lại thành Cục Dự trữ Nhà nước có 7 ban, sắp xếp lại 22 Dự trữ Nhà nước khu vực thành 15 Chi cục Dự trữ Nhà nước khu vực.
Tổ chức lại Tổng cục Thống kê thành Cục Thống kê với 14 đơn vị. 63 Cục Thống kê cấp tỉnh cơ cấu lại thành 63 Chi cục Thống kê cấp tỉnh. 565 Chi cục Thống kê cấp huyện sắp xếp lại thành 480 đội hoạt động theo mô hình liên huyện.
Bảo hiểm xã hội Việt Nam được tổ chức lại thành đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ Tài chính, có 14 ban (giảm 7 đơn vị). 63 Bảo hiểm xã hội cấp tỉnh được tổ chức lại thành 35 Bảo hiểm xã hội khu vực; 640 Bảo hiểm xã hội cấp huyện còn 350 Bảo hiểm xã hội liên huyện, tương đương chi cục, bỏ 147 tổ nghiệp vụ.
Bộ Tài chính còn tiếp nhận quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu với 18 tập đoàn, tổng công ty nhà nước về Cục Tài chính doanh nghiệp, Cục Phát triển doanh nghiệp (trừ Mobifone chuyển về Bộ Công an).
Hợp nhất Bộ Xây dựng và Bộ GTVT thành Bộ Xây dựng gồm 23 đầu mối, giảm 19 đầu mối. Tổng biên chế bộ mới sau hợp nhất là 2.074 công chức, 6.086 viên chức.
Hợp nhất Bộ NN&PTNT với Bộ TN&MT thành Bộ Nông nghiệp và Môi trường có 30 đầu mối, giảm 25 đầu mối. Biên chế của bộ mới sau hợp nhất có 2.890 công chức, 12.203 viên chức.
Hợp nhất Bộ Nội vụ và Bộ LĐ-TB&XH thành Bộ Nội vụ với 22 đầu mối, giảm 13 đầu mối. Biên chế sau hợp nhất của Bộ Nội vụ mới là 891 công chức, 4.313 viên chức.
Hợp nhất Bộ TT&TT với Bộ KH&CN thành Bộ KH&CN với 26 đầu mối, giảm 16 đầu mối. Biên chế sau hợp nhất của Bộ KH&CN mới có 1.072 công chức, 2.312 viên chức.
Bộ Công an tiếp nhận thêm 6 chức năng, nhiệm vụ
Với những bộ, ngành còn lại thực hiện sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy bên trong. Cụ thể Bộ GD&ĐT hiện đang có 24 đầu mối, sau khi sắp xếp còn 18 đầu mối, với 635 biên chế công chức, 21.124 biên chế viên chức.
Bộ Y tế đang có 24 đầu mối (gồm 3 đầu mối tiếp nhận từ Bộ LĐ-TB&XH), sau khi sắp xếp còn 20 đầu mối với 872 biên chế công chức, 14.477 biên chế viên chức.
Bộ Ngoại giao đang có 40 đầu mối (gồm 13 đầu mối tiếp nhận từ Ban Đối ngoại Trung ương, Văn phòng Quốc hội), sau sắp xếp còn 24 đầu mối, có 1.282 biên chế công chức, 415 biên chế viên chức.
Bộ Dân tộc và Tôn giáo thành lập trên cơ sở Ủy ban Dân tộc tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ và tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về tôn giáo (Ban Tôn giáo Chính phủ) từ Bộ Nội vụ có 13 đầu mối, giảm 3 đầu mối; có 320 biên chế công chức, 765 biên chế viên chức.
Bộ Quốc phòng tiếp quản Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, sau khi sắp xếp giảm 7 đầu mối gồm một tổng cục, bốn cục và tương đương, hai viện và có đề án riêng báo cáo Bộ Chính trị.
Bộ Công an tiếp nhận thêm một số chức năng, nhiệm vụ từ một số bộ, ngành khác, gồm cai nghiện ma túy và sau cai nghiện ma túy từ Bộ LĐ-TB&XH; lý lịch tư pháp và thực hiện dịch vụ công cấp phiếu lý lịch tư pháp từ Bộ Tư pháp; sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ từ Bộ GTVT; an toàn thông tin, an ninh mạng từ Bộ TT&TT; bảo đảm an ninh hàng không tại sân bay và trong máy bay. Bộ Công an sẽ thực hiện nghiên cứu bỏ công an huyện theo đề án riêng báo cáo Bộ Chính trị.
Với nhiệm vụ quản lý nhà nước về xuất nhập cảnh, Bộ Công an giữ ổn định như hiện nay; đẩy mạnh tăng cường công tác phối hợp trong cung cấp dữ liệu, liên thông dữ liệu.
Bộ Tư pháp có 20 đầu mối, giảm 5 đầu mối; có 9.095 biên chế công chức, 428 biên chế viên chức. Bộ Công Thương có 22 đầu mối, giảm 6 đầu mối; có 1.398 biên chế công chức, 7.858 biên chế viên chức.
Bộ VH-TT&DL hiện có 30 đầu mối, sau khi tiếp nhận chức năng quản lý nhà nước về báo chí, xuất bản từ Bộ TT&TT và tổ chức lại còn 25 đầu mối, có 910 biên chế công chức, 4.850 biên chế viên chức.
Văn phòng Chính phủ có 17 đầu mối, giảm 3 đầu mối và có 673 biên chế công chức, 161 biên chế viên chức.
Thanh tra Chính phủ có 16 đầu mối, giảm 3 và có 388 biên chế công chức, 105 biên chế viên chức. Thanh tra Chính phủ có đề án sắp xếp hệ thống thanh tra tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả riêng báo cáo Bộ Chính trị.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có 19 đầu mối, giảm 4 đầu mối (17,4%); đồng thời thực hiện sắp xếp lại 63 chi nhánh cấp tỉnh còn 15 chi nhánh; có 4.922 biên chế công chức, 1.175 biên chế viên chức.
Năm cơ quan thuộc Chính phủ còn lại gồm:
1. Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam
2. Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam
3. Đài Truyền hình Việt Nam
4. Đài Tiếng nói Việt Nam
5. Thông tấn xã Việt Nam
Thực hiện sắp xếp, giảm các đầu mối bên trong.
Nguồn: https://plo.vn/chi-tiet-dau-moi-va-bien-che-tung-bo-nganh-cua-bo-may-chinh-phu-sau-khi-tinh-gon-hop-nhat-post831925.html