Thứ năm, Tháng Một 23, 2025
HomeThế GiớiChính quyền Trump 2.0 và cuộc đảo chiều chính sách

Chính quyền Trump 2.0 và cuộc đảo chiều chính sách

Ngày đầu chấn động

Sau buổi lễ tuyên thệ nhậm chức ngày 20.1, Tổng thống Trump lập tức biến các tuyên bố của mình thành hành động khi ký loạt sắc lệnh hành pháp đầu tiên trước hàng chục ngàn người ủng hộ tại nhà thi đấu Capitol One Arena ở Washington D.C. Đài CBS News thống kê Tổng thống Trump đã ký khoảng 200 văn kiện gồm sắc lệnh hành pháp, bản ghi nhớ và tuyên bố tổng thống ngay trong ngày đầu nắm quyền.

Ông Trump cũng tuyên bố hủy 78 sắc lệnh của chính quyền Joe Biden. Trong đó, ông Trump nhanh chóng thu hồi lệnh hành pháp do ông Biden ký trước đó nhằm giảm thiểu rủi ro mà trí tuệ nhân tạo (AI) gây ra cho người tiêu dùng, người lao động và an ninh quốc gia. Ngoài ra, ông cũng hủy lệnh đảm bảo 50% số xe mới được bán vào năm 2030 là xe điện và lệnh đưa Cuba khỏi danh sách các quốc gia tài trợ khủng bố.

Tổng thống Trump ‘né’ chủ đề gì trong bài diễn văn nhậm chức hoành tráng?

Các sắc lệnh được tân Tổng thống Mỹ ban hành hôm 20.1 phần nào thể hiện những cam kết của ông khi tranh cử. Về đối nội, ông ban bố tình trạng khẩn cấp ở biên giới phía nam và chỉ thị Bộ Quốc phòng tăng cường nguồn lực tại những khu vực này. Ông cũng đưa ra các biện pháp cứng rắn với người nhập cư, tăng cường kiểm tra, sàng lọc người di cư đến Mỹ và dừng tiếp nhận người tị nạn. Ngoài ra, ông Trump còn ký chấm dứt quyền “sinh ra tại Mỹ thì mặc định trở thành công dân Mỹ”, theo đó sẽ không cấp quyền công dân cho trẻ em sinh ra trên lãnh thổ Mỹ nhưng cha mẹ không có tư cách công dân Mỹ. Nhà lãnh đạo còn yêu cầu công chức liên bang trở lại làm việc toàn thời gian và trực tiếp, đảo ngược xu hướng diễn ra trong giai đoạn đại dịch Covid-19.

Chính quyền Trump 2.0 và cuộc đảo chiều chính sách- Ảnh 1.

Tổng thống Donald Trump ký sắc lệnh hành pháp tại Phòng bầu dục

Về đối ngoại, ông Trump lần thứ 2 rút Mỹ khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, động thái sẽ có hiệu lực sau một năm. Ông Trump từng rút Mỹ khỏi hiệp định trên trong nhiệm kỳ đầu tiên, song ông Biden đã đảo ngược quyết định vào năm 2021. Ngày đầu tiên của chính quyền Trump 2.0 còn ghi nhận việc tổng thống ký sắc lệnh rút Mỹ khỏi Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Ông Trump còn ký sắc lệnh dừng viện trợ phát triển cho nước ngoài trong vòng 90 ngày, ngoài ra quyết định đình chỉ lệnh cấm ứng dụng TikTok tại Mỹ trong 75 ngày.

Phản ứng các bên

Lãnh đạo một số quốc gia lập tức lên tiếng sau khi ông Trump tuyên thệ trở thành tổng thống thứ 47 của nước Mỹ. Reuters dẫn lời Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ca ngợi ông Trump là người quyết đoán, và chính sách hòa bình thông qua sức mạnh do ông Trump công bố tạo cơ hội củng cố vai trò lãnh đạo của Mỹ và đạt được nền hòa bình công bằng, lâu dài. Thủ tướng Canada Justin Trudeau bày tỏ hy vọng hai chính phủ có cơ hội tiếp tục hợp tác cùng nhau để tạo việc làm và thịnh vượng cho cả Mỹ và Canada.

Chính quyền Trump 2.0 và cuộc đảo chiều chính sách- Ảnh 2.

Tổng thống Donald Trump ký sắc lệnh hành pháp khi dự sự kiện ở nhà thi đấu Capitol One Arena

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu mong muốn sẽ phối hợp với chính quyền mới tại Mỹ để thả những con tin còn lại, phá hủy năng lực quân sự của Hamas liên quan cuộc xung đột tại Gaza. Trước khi ông Trump nhậm chức, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã gửi thông điệp chúc mừng, cho biết sẵn sàng đối thoại với chính quyền ông Trump về xung đột Ukraine, đồng thời kỳ vọng bất kỳ giải pháp nào cũng sẽ dẫn đến hòa bình lâu dài.

Chính sách đối ngoại của ông Trump: Chấm dứt chiến sự Ukraine, mua Greenland

Trong khi đó, sau các quyết sách ngày đầu của ông Trump, ông Simon Stiell, Thư ký điều hành Công ước khung LHQ về biến đổi khí hậu (UNFCCC), cho rằng việc phớt lờ vấn đề khí hậu và sự bùng nổ của năng lượng sạch toàn cầu sẽ chỉ khiến lợi nhuận được chuyển cho các nền kinh tế đối thủ, trong khi thiên tai tiếp tục nghiêm trọng và tàn phá doanh nghiệp, gây tổn hại cho đất nước. Trung Quốc thì bày tỏ quan ngại trước động thái Mỹ rút khỏi Hiệp định Paris, cho rằng biến đổi khí hậu là thách thức của toàn nhân loại và không quốc gia nào có thể tự mình đối đầu.

Trong khi đó, Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres bày tỏ tin tưởng các thành phố, tiểu bang và doanh nghiệp tại Mỹ sẽ tiếp tục xây dựng chiến lược phát triển kinh tế bền vững, giảm phát thải carbon và tạo việc làm chất lượng. Việc rút khỏi WHO, mà ông Trump cho rằng tham gia cơ quan này ảnh hưởng đến ngân sách của Mỹ, có thể khiến các cơ quan y tế Mỹ gặp khó trong việc tiếp cận dữ liệu chung toàn cầu, đặt thêm thách thức trong đối phó dịch bệnh. Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm qua khẳng định sẽ tiếp tục ủng hộ WHO thực hiện trách nhiệm của cơ quan này.

Giai đoạn mới

Giới quan sát dự báo cục diện thế giới sẽ có những chuyển biến khó đoán trong 4 năm nhiệm kỳ 2 của ông Trump, người có cách tiếp cận khác biệt với chính quyền tiền nhiệm về đối ngoại và được cho là sẽ giảm hiện diện của Mỹ trong nhiều vấn đề khu vực lẫn toàn cầu. Từ diễn văn nhậm chức của ông Trump, ông Matthew Kroenig, thành viên Trung tâm nghiên cứu Atlantic Council (trụ sở Mỹ), nhận định đây là phát biểu mang đậm chất “nước Mỹ trên hết” của tân chủ nhân Nhà Trắng. Thông điệp của ông Trump đề cập rất ít về nước ngoài, ngoại trừ nhắc đến ngắn gọn các vấn đề với Mexico, Panama hay Trung Quốc. Ông Kroenig nói diễn văn nhậm chức và các sắc lệnh hành pháp cho thấy mối ưu tiên của ông Trump, và đây là điều phù hợp với các cam kết của ông khi tranh cử, cũng như mối quan tâm của người dân Mỹ vốn đang chú trọng vấn đề đối nội.

Song điều này không đồng nghĩa đối ngoại bị ngó lơ. Ông Trump chỉ trích chính quyền tiền nhiệm đã đầu tư những khoản ngân sách “không giới hạn” bảo vệ biên giới nước ngoài nhưng từ chối bảo vệ biên giới và người dân trong nước. Ông Kroenig cùng các đồng nghiệp tại Atlantic Council nhận định đây có thể là phát ngôn gián tiếp ngụ ý Mỹ dưới nhiệm kỳ 2 của ông Trump có thể cân nhắc lại các khoản đầu tư và viện trợ cho đồng minh và đối tác nước ngoài. Điều này có thể tác động đến việc hỗ trợ Ukraine, hay khả năng phòng thủ của một số nước châu Âu là thành viên NATO.

Lãnh đạo Việt Nam gửi thư chúc mừng

Nhân dịp ông Donald Trump chính thức nhậm chức Tổng thống thứ 47 của Mỹ, Tổng Bí thư Tô Lâm, Chủ tịch nước Lương Cường và Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã gửi thư chúc mừng.

Cùng ngày, Phó chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân cũng đã gửi thư chúc mừng tới Phó tổng thống Mỹ James David Vance.

TTXVN

Mỹ chính thức có ngoại trưởng mới

Thượng viện Mỹ ngày 20.1 phê chuẩn thượng nghị sĩ Marco Rubio trở thành ngoại trưởng dưới chính quyền Tổng thống Trump. Ông Rubio (54 tuổi) được phê chuẩn với 99 phiếu thuận và không có phiếu chống. Ông Rubio là chính trị gia gốc Cuba và có thái độ cứng rắn với những quốc gia Mỹ La tinh cũng như Trung Quốc. Tân Ngoại trưởng Mỹ được dự báo sẽ đối mặt nhiều thách thức để thực thi hàng loạt chính sách ngoại giao mới của ông Trump.

Trong một diễn biến khác, doanh nhân Vivek Ramaswamy sẽ rút khỏi Ủy ban Hiệu quả chính phủ Mỹ (DOGE). Theo Politico, ông Ramaswamy được cho là rời vị trí tại DOGE để tranh cử chức thống đốc bang Ohio.

Nguồn: https://thanhnien.vn/chinh-quyen-trump-20-va-cuoc-dao-chieu-chinh-sach-185250121222740513.htm

ThanhNien Logo

Hello Mình là Cải

Theo dõi
Thông báo của
0 Góp ý
Mới nhất
Cũ nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận

Tin Nóng Hôm Nay