Đầu tháng 1 vừa qua, Tổ chức Nhân đạo về Kinh tế Di cư Singapore (Home) đã đăng tải bức ảnh về lịch trình làm việc dày đặc của một nữ giúp việc tên Ria (tên nhân vật đã được thay đổi).
Theo đó, Ria bắt đầu công việc từ 5h30 và chỉ được nghỉ ngơi sau 23h mỗi ngày. Chu kỳ mệt mỏi lặp đi lặp lại khiến người giúp việc này kiệt sức.
Nhìn vào bức ảnh, có thể thấy công việc mỗi ngày của của cô bao gồm quét và lau bãi đậu xe, chuẩn bị thức ăn cho chủ nhà và dọn rác, cùng nhiều đầu việc khác. Các nhiệm vụ chỉ cách nhau 15-30 phút và có tổng gần 30 đầu việc liên tục cả ngày.
Mỗi tuần, cô cũng có lịch dọn dẹp riêng biệt cho từng ngày: rửa ô tô, phân loại rau (thứ Hai); lau ban công và tường (thứ Ba); giặt sofa và giày (thứ Tư); lau ban công tầng 2 (thứ Sáu); thay ga trải giường và lau tủ (thứ Bảy); sắp xếp tủ đựng cốc và đĩa (Chủ nhật).
Sau 3 ngày, Ria phải thay khăn tay và thảm sàn. Mỗi tháng, cô phải lau đàn piano, các thiết bị trong nhà như ti vi, quạt trần, tủ lạnh, lò nướng, dọn dẹp toàn bộ phòng khách, lau cửa sổ, cửa ra vào.
Nữ giúp việc được yêu cầu giặt rèm cửa, ghế sofa và quạt trần 2 tháng/lần; vệ sinh điều hòa 3 tháng/lần.
Tự mô tả tình trạng của mình là “luôn kiệt sức”, Ria cho biết chủ thuê ép cô phải làm việc theo một lịch trình cực nghiêm ngặt.
Mặc dù Bộ Nhân lực (MOM) của Singapore cho phép người giúp việc nhập cư được nghỉ 1 ngày mỗi tuần, nhưng Ria chỉ được nghỉ 1 ngày mỗi tháng. Ngay cả vào ngày nghỉ, cô cũng chỉ có thể ra khỏi nhà lúc 10h và phải trở về lúc 16h để tiếp tục làm việc nhà.
Trong ghi chú, tổ chức Home đề cập rằng việc được nghỉ ngơi đầy đủ là “rất quan trọng” đối với những người giúp việc gia đình, vì công việc của họ đòi hỏi rất nhiều về mặt thể chất lẫn tinh thần.
“Home ủng hộ mạnh mẽ việc đưa quyền lợi của người giúp việc nhập cư vào Đạo luật Việc làm, đảm bảo giới hạn giờ làm việc của họ”, tổ chức này cho biết.
Trong phần bình luận, cư dân mạng bày tỏ bức xúc trước việc nữ giúp việc bị “bóc lột” sức lao động.
Một người dùng mạng nhận thấy với lịch làm việc này, cô thậm chí không có thời gian để ăn uống và nghỉ ngơi.
“Hãy thử để chủ nhà làm theo lịch trình này một tuần, xem họ có chịu nổi không”, một người khác bức xúc.
Một người giúp việc gia đình khác bày tỏ đồng cảm, nói rằng cô đã từng rơi vào hoàn cảnh như Ria. Chủ nhà cũ của cô cũng y hệt chủ nhà của Ria.
Theo MOM, người giúp việc nhập cư vẫn có thể làm việc vào ngày nghỉ nếu có thỏa thuận chung giữa hai bên. Tuy nhiên, người sử dụng lao động phải trả thêm cho họ ít nhất một ngày lương.
Ngoài ra, người sử dụng lao động phải đảm bảo rằng người giúp việc gia đình nhập cư có ít nhất 1 ngày nghỉ mỗi tháng, ngày nghỉ này không thể bị thay thế bằng tiền. Người sử dụng lao động không cung cấp ngày nghỉ bắt buộc có thể bị xử lý theo quy định.
Nguồn: https://kenh14.vn/choang-voi-lich-lam-viec-15-tieng-ngay-cua-nu-giup-viec-21525012216224623.chn