Tổng thống Vahagn Khachaturyan khẳng định chuyến thăm đầu tiên của một lãnh đạo cấp cao Việt Nam đến Armenia kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao là một dấu mốc quan trọng trong thúc đẩy hơn nữa quan hệ hữu nghị truyền thống và mở rộng hợp tác Việt Nam – Armenia.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn hội kiến Tổng thống Armenia Vahagn Khachaturyan
Tổng thống Armenia cho biết, nhân dân Armenia và cá nhân ông hết sức ngưỡng mộ Chủ tịch Hồ Chí Minh; coi trọng Việt Nam, một dân tộc anh hùng trong đấu tranh và giải phóng dân tộc, là hình mẫu về phát triển kinh tế – xã hội đối với nhiều nước, trong đó có Armenia.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ Việt Nam luôn coi trọng quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt với Armenia và mong muốn thúc đẩy củng cố tin cậy chính trị, quan hệ hợp tác song phương toàn diện, lâu dài, vì lợi ích chung của hai dân tộc, vì hòa bình, ổn định, phát triển tại khu vực và trên thế giới.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cũng thông tin về kết quả hội đàm với Chủ tịch Quốc hội Armenia, nhất là việc Quốc hội hai bên đã ký kết Thỏa thuận hợp tác giữa hai Quốc hội, thành lập các Nhóm Nghị sĩ Armenia – Việt Nam, Việt Nam – Armenia nhằm thúc đẩy hợp tác giữa hai nước cũng như giữa hai Quốc hội.
Về phần mình, Tổng thống Armenia nhấn mạnh, với nền tảng quan hệ truyền thống, hữu nghị vững chắc, với mục tiêu của cả hai bên đưa đất nước phát triển mạnh mẽ, hai nước sẽ tiếp tục mở rộng hợp tác trên nhiều lĩnh vực, nhất là về kinh tế, y tế, du lịch, cơ sở hạ tầng, kết nối giao thông, phát huy tối đa tiềm năng của mỗi bên.
Trong bầu không khí chân thành và cởi mở, hai nhà lãnh đạo vui mừng trước những bước phát triển tích cực của quan hệ Việt Nam – Armenia trên nhiều lĩnh vực.
Đồng thời, đánh giá cao đà tăng trưởng tích cực của hợp tác kinh tế – thương mại giữa hai nước, nhất là trong những năm gần đây, sau khi Hiệp định Thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á – Âu (EAEU) có hiệu lực vào năm 2016.
Trao đổi về những định hướng lớn nhằm khai thác các lĩnh vực còn nhiều dư địa nhằm đưa quan hệ hai nước ngày càng đi vào chiều sâu, hiệu quả, hai nhà lãnh đạo nhất trí cho rằng sự xa cách về địa lý không phải là rào cản trong quan hệ hợp tác hai nước.
Theo đó, hai nhà lãnh đạo nhất trí Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan hai nước sẽ phối hợp, tạo khuôn khổ pháp lý và các điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp hai nước trực tiếp kết nối, tìm cơ hội hợp tác, đầu tư; tăng cường trao đổi thông tin về chính sách, thị trường; nghiên cứu, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp hai nước khi đầu tư vào thị trường của nhau; mở rộng hợp tác thương mại – đầu tư, trong đó chú trọng các lĩnh vực như công nghiệp nhẹ, công nghiệp thực phẩm, chế biến nông sản, sản xuất vật liệu xây dựng hiện đại sử dụng các nguyên liệu của Armenia; thúc đẩy hợp tác trên nhiều lĩnh vực mới như kết nối hàng không, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo (AI), chuyển đổi xanh…
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh Việt Nam sẵn sàng áp dụng các công nghệ tiên tiến của mình trong triển khai các dự án trong lĩnh vực công nghệ – viễn thông, ứng dụng giải pháp công nghệ trong lĩnh vực công nghiệp, dự án phát triển công nghiệp du lịch…
Hai nhà lãnh đạo nhất trí tầm quan trọng của thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực quốc phòng, an ninh, giáo dục – đào tạo, văn hóa, thể thao, giao lưu nhân dân, du lịch giữa hai nước.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị Armenia hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực cho Việt Nam trong các lĩnh vực như công nghệ cao, tăng cường trao đổi sinh viên để học hỏi lẫn nhau, chia sẻ kinh nghiệm và cùng hợp tác, phát triển. Tổng thống Armenia đề nghị các cơ quan liên quan của hai nước có chính sách thị thực thuận lợi cho công dân hai nước.
Trao đổi về hợp tác đa phương và khu vực, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Tổng thống Vahagn Khachaturyan nhất trí hai nước sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ, ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn đa phương.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn khẳng định Việt Nam sẵn sàng hỗ trợ kết nối Amernia với ASEAN; đồng thời đề nghị Armenia ủng hộ lập trường của ASEAN và Việt Nam về vấn đề Biển Đông, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên Hiệp Quốc, Công ước Liên Hiệp Quốc về luật Biển 1982 (UNCLOS 1982).
Nguồn: https://thanhnien.vn/chu-tich-quoc-hoi-tran-thanh-man-hoi-kien-tong-thong-armenia-18525040401504915.htm