Giáo viên phải thay đổi tư duy về dạy thêm
Ông N.H.M – chủ một trung tâm gia sư tại quận Long Biên – nhận nhiều tin nhắn xin tư vấn thủ tục đăng ký kinh doanh dạy thêm từ các giáo viên những ngày qua, trong đó có nhiều giáo viên trường công.
Theo ông M., một trong những nội dung mà nhiều giáo viên hiểu lầm là họ được đăng ký kinh doanh theo hình thức hộ kinh doanh cá thể.
“Công chức, viên chức không được thành lập và quản lý doanh nghiệp nhưng được đăng ký kinh doanh hộ cá thể. Nhiều giáo viên trường công lập dựa trên căn cứ này nên tìm hiểu thủ tục đăng ký kinh doanh.
Tuy nhiên, nếu đọc kỹ Thông tư 29, các giáo viên còn vướng phải quy định “giáo viên trường công lập không được tham gia quản lý và điều hành việc dạy thêm ngoài nhà trường”.
Như vậy, đã là giáo viên trường công lập, dù biên chế hay hợp đồng, đều không được đăng ký kinh doanh dạy thêm lẫn thành lập trung tâm dạy thêm. Họ chỉ có thể đi dạy thêm dưới hình thức làm thuê cho các cơ sở dạy thêm hợp pháp”, ông M. phân tích.
Ông M. cũng nói thêm, nhiều giáo viên công lập chưa sẵn sàng tâm lý hợp tác với trung tâm. Một là do họ đã quen dạy thêm độc lập trong nhiều năm. Hai là họ chưa hoàn toàn tin cậy với cách làm việc của cơ sở dạy thêm tư nhân khi phần lớn thời gian công tác của họ thuộc đơn vị sự nghiệp nhà nước.
“Giáo viên muốn dạy thêm hợp pháp để có nguồn thu chính đáng từ lao động trí tuệ của mình bắt buộc phải thay đổi tư duy và cách dạy thêm.
Ở khía cạnh nào đó, điều này sẽ gây tổn thương cho nhiều giáo viên truyền thống, những người chưa quen với việc đưa mối quan hệ thầy – trò trở thành mối quan hệ mang tính dịch vụ”, ông M. nêu quan điểm.
Giáo viên dạy qua trung tâm sẽ không làm tăng học phí học thêm
Cô Mai Quỳnh – giáo viên dạy toán tại một trung tâm bồi dưỡng văn hóa có tiếng tại Hà Nội – khẳng định, việc giáo viên dạy thêm qua trung tâm sẽ không làm tăng học phí học thêm như nỗi lo lắng của nhiều phụ huynh.
Khi giáo viên cộng tác với trung tâm, họ sẽ được trích phần thu học phí theo quy định sau khi trừ đi các chi phí vận hành và thuế… Do đó, mức thu của trung tâm với học sinh không có gì thay đổi.
Hiện mức thu phổ biến tại các trung tâm dạy thêm là 70.000-100.000 đồng/buổi học kéo dài 90 phút với các môn toán, văn. Riêng tiếng Anh có học phí cao hơn, tùy theo chương trình học.
Cô Quỳnh cho biết, thông thường, chi phí văn phòng, vận hành, quản lý của trung tâm sẽ chiếm 40-45%. Chi phí giáo viên nhận được vào khoảng 55-60%.
Tuy nhiên, công ty của cô đang thực hiện chương trình hỗ trợ phi lợi nhuận cho giáo viên sau Thông tư 29 với mức trả cho giáo viên cao hơn, khoảng 70%, đã trừ 10% thuế và 20-25% chi phí vận hành.
“Các thầy cô thay vì dạy riêng ở nhà mình sẽ đưa học sinh qua trung tâm để dạy dưới dạng hợp đồng cộng tác viên. Trung tâm có trách nhiệm và nghĩa vụ không xếp học sinh vào lớp của giáo viên đang phụ trách dạy học sinh đó tại trường”, cô Quỳnh cho hay.
Trường hợp giáo viên dạy thêm quy mô nhỏ, dưới 50 học sinh, có nhu cầu đăng ký hộ kinh doanh, trung tâm sẽ hỗ trợ tư vấn về các thủ tục, giấy tờ, hoặc được hỗ trợ khai báo thuế, quyết toán thuế…
Cũng theo thông tin do cô Quỳnh cung cấp, phần đa các giáo viên xin tư vấn là giáo viên tự do, dạy các lớp học thêm quy mô 20-50 học sinh hoặc đông hơn nhưng chưa đăng ký kinh doanh.
Ông N.H.M. tư vấn thêm, nếu giáo viên chưa có nguồn lực tài chính đủ tốt, việc mở trung tâm dạy thêm dưới hình thức công ty sẽ gặp nhiều khó khăn do phải đầu tư nhiều về cơ sở vật chất, đảm bảo các yếu tố phòng cháy chữa cháy theo đúng quy định của pháp luật.
Trong khi đó, việc đăng ký kinh doanh hộ cá thể tuy dễ dàng về thủ tục song cũng phải chấp hành an toàn cháy nổ. Đồng thời, giáo viên chỉ được phép dạy thêm tại một địa điểm. Khi thay đổi địa điểm dạy thêm, giáo viên phải thực hiện đăng ký thay đổi địa điểm với cơ quan quản lý cấp huyện.
Nguồn: https://dantri.com.vn/giao-duc/chu-trung-tam-gia-su-chi-cach-day-them-hop-phap-cho-giao-vien-20250212140949848.htm