Những ngày qua, trận động đất gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về người và cơ sở hạ tầng ở Myanmar trở thành chủ đề được quan tâm trên báo chí và mạng xã hội. Bên cạnh việc chia sẻ với đau thương, mất mát của người dân Myanmar, nhiều ý kiến quan tâm đến mức độ ảnh hưởng của động đất tới chất lượng chung cư cao tầng tại một số đô thị lớn của Việt Nam, cả trước mắt và lâu dài.
Một số người bạn của tôi chia sẻ trên mạng xã hội clip về những chiếc đèn lớn treo trên trần nhà lắc lư trong thời gian ngắn diễn ra động đất. Báo chí thì đăng tải thông tin hơn 300 căn hộ chung cư ở TPHCM bị nứt nghi do dư chấn động đất tại Myanmar (?).
Lo lắng của mọi người là hoàn toàn có thể hiểu được. Được biết, về hiện tượng liên quan đến các căn hộ chung cư nêu trên, Ban quản trị chung cư đã báo cáo chính quyền địa phương để phối hợp kiểm tra, ghi nhận thiệt hại và có phương án khắc phục. Kết quả kiểm tra ban đầu cho thấy có hàng trăm căn hộ bị nứt, và kết cấu công trình vẫn đảm bảo.

Vết nứt dài hơn 2m xuất hiện trên tường một căn hộ tại chung cư ở TPHCM (Ảnh: A.T.).
Đối với một công trình cụ thể, cơ quan chức năng phải vào cuộc, kiểm tra thực địa mới có thể xác định mức độ ảnh hưởng và nguyên nhân chính thức. Ở đây tôi xin bàn về mức độ an toàn của công trình nhà cao tầng nói chung.
Thứ nhất: các mô hình nghiên cứu chuyên sâu về tác động của động đất đến công trình nhà ở cao tầng tại một số quốc gia phát triển như Nhật Bản – nơi động đất xảy ra thường xuyên – đã chỉ rõ, tác động gây thiệt hại của một trận động đất tới công trình cao tầng thường khá phức tạp, bao gồm cùng lúc nhiều loại hình tác động. Trong đó chủ yếu và phổ biến nhất là chuyển động xô ngang qua lại, gây rung lắc và tạo nên hiện tượng cộng hưởng dẫn đến phá hủy kết cấu chính. Ngoài ra, ở khu vực nền đất yếu, nhà cao tầng còn bị sụt lún đất, xuất hiện hiện tượng phun bùn hoặc nước trào lên mặt đất.
Theo quy định hiện hành, nhà ở và công trình công cộng cao tầng bắt buộc phải có kết cấu chịu được động đất cấp 8 – mức tương đương hoặc vượt đáng kể so với tác động của các trận động đất vừa xảy ra, với tần suất xuất hiện khoảng 100 năm/lần.
Hệ thống kết cấu chính của các tòa nhà hiện nay được thiết kế với cột và dầm liên kết thành khung 3 chiều, tạo độ ổn định cao, chống rung lắc và biến dạng phá hủy do cộng hưởng theo phương ngang hiệu quả hơn so với một cột bê tông cốt thép đơn lẻ.
Thứ hai: về công nghệ và vật liệu xây dựng, nghiên cứu thực nghiệm tại các quốc gia phát triển cho thấy, nhà cao tầng sử dụng kết cấu khung chính thông thường như bê tông, gạch xây, gỗ… chỉ chịu được các trận động đất từ 5,9 độ trở xuống. Trong khi đó, công trình nhà cao tầng hiện nay chủ yếu sử dụng hệ kết cấu khung chính là thép, hoặc bê tông cốt thép… Vì vậy, công trình cao tầng nếu được thiết kế và thi công đạt chuẩn thì có thể chịu được ảnh hưởng của các trận động đất có ngưỡng 7,9 độ.
Theo tôi được biết, các công trình từ 30 tầng trở xuống ở Hà Nội hiện nay hầu hết sử dụng hệ kết cấu bê tông cốt thép. Một số công trình trên 40 tầng đã và đang thi công trong thời gian gần đây, có thể sử dụng kết hợp thêm hệ khung kết cấu thép hoặc bê tông cốt thép đặc biệt, cho phép chống chịu các trận động đất lớn hơn. Làm việc trong lĩnh vực xây dựng, tôi theo dõi và xem xét nhiều công trình, qua đó nhận thấy việc giám sát thi công, đảm bảo chất lượng hệ kết cấu chính của các công trình cao tầng tại Hà Nội hiện nay về cơ bản được thực hiện khá tốt.
Thứ ba: một số tòa nhà bị nứt tường gạch hay vữa trát, như báo chí đưa tin, có thể xem là thiệt hại tối thiểu và khó tránh khỏi khi chịu rung lắc từ rung chấn động đất, do đặc tính giòn, dễ vỡ của các vật liệu như gạch xây, vữa trát thông thường. Điều cần làm ngay lúc này là huy động các đơn vị thẩm định chuyên nghiệp, sử dụng phương pháp khoa học và thiết bị đạt chuẩn để đánh giá toàn diện chất lượng, độ ổn định của hệ kết cấu chính. Từ đó, đưa ra giải pháp sửa chữa phù hợp, tiết kiệm và hiệu quả nhất.
Từ các phân tích trên, tôi cho rằng chúng ta không nên quá lo lắng, tuy nhiên cũng cần tránh tâm lý chủ quan trước những rủi ro thiên tai mà con người không thể đoán định trước.
Trận động đất vừa qua là lời nhắc nhở rằng, không được phép lơ là đối với công tác giám sát và đảm bảo chất lượng công trình xây dựng.
Tác giả: Thạc sĩ, kiến trúc sư Phạm Hoàng Phương là chuyên gia nghiên cứu, lý luận phê bình về kiến trúc, quy hoạch và quản lý phát triển đô thị, với gần 25 năm kinh nghiệm; nguyên phó tổng biên tập Tạp chí Kiến trúc Việt Nam và hiện công tác tại Viện Kiến trúc Quốc gia (Bộ Xây dựng).
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!
Nguồn: https://dantri.com.vn/tam-diem/chung-cu-trong-rung-chan-dong-dat-20250401084017294.htm