Thứ năm, Tháng Một 23, 2025
HomeGiáo DụcChuyên gia chỉ rõ 10 ngành học tăng trưởng mạnh và sụt...

Chuyên gia chỉ rõ 10 ngành học tăng trưởng mạnh và sụt giảm nghiêm trọng

Ngành tăng trưởng liên quan đến công nghệ, phần mềm

Ông Dương Văn Linh là chuyên gia đào tạo và định hướng kỹ năng nghề nghiệp quốc tế. Ông từng có 10 năm kinh nghiệm làm tư vấn chiến lược tại nhiều công ty kiểm toán hàng đầu thế giới như PwC, Ernst & Young (New York), KPMG…

Theo ông Linh, với thời đại AI phát triển, ngành nghề cũng sẽ có sự thay đổi. Cách đây 10 năm, ngành tài chính hot nhưng hiện nay công nghệ đang chiếm ưu thế. Trong 5-10 năm tới, xu hướng ngành nghề sẽ thế nào, học sinh, phụ huynh cần có sự tìm hiểu kỹ càng.

Dẫn nguồn từ Diễn đàn Kinh tế Thế giới, công bố “Báo cáo Tương lai việc làm 2023”, chuyên gia này cho biết top 10 ngành học tăng trưởng mạnh trong thời gian tới, trong đó đứng đầu là chuyên gia trí tuệ nhân tạo và học máy.

Chuyên gia chỉ rõ 10 ngành học tăng trưởng mạnh và sụt giảm nghiêm trọng - 1

Top 10 ngành tăng trưởng mạnh trong thời gian tới đứng đầu là chuyên gia trí tuệ nhân tạo và học máy (Ảnh: Minh họa).

Tiếp đến là các ngành: chuyên gia phát triển bền vững; chuyên viên phân tích dữ liệu trong kinh doanh; chuyên viên phân tích an ninh mạng; kỹ sư công nghệ tài chính; chuyên viên phân tích dữ liệu và khoa học dữ liệu; kỹ sư về Big Data; kỹ sư robot; nhân viên vận hành thiết bị nông nghiệp; chuyên gia chuyển đổi số.

Cùng với đó, ông Linh cũng chỉ ra top 10 ngành có nguy cơ sụt giảm trong thời gian tới gồm: nhân viên giao dịch ngân hàng và các vị trí liên quan; nhân viên dịch vụ bưu điện; nhân viên thu ngân và bán vé; nhân viên nhập liệu; trợ lý hành chính và thư ký điều hành; nhân viên ghi chép vật tư, kế toán và quản lý kho; nhân viên kế toán, ghi sổ và quản lý lương; nhà lập pháp và công chức; nhân viên thống kê, tài chính và bảo hiểm; nhân viên bán hàng tại nhà, người bán hàng rong và các công việc liên quan.

Đặc biệt, theo Cục thống kê lao động Hoa Kỳ, top những ngành nghề có triển vọng tăng trưởng mạnh về tuyển dụng trong 10 năm tới, cao nhất là khoa học dữ liệu (khoảng 36%), lương trung bình của ngành này hơn 100.000 USD/năm.

Tiếp theo là các ngành: kỹ sư phần mềm (gần 18%); chuyên gia phân tích công nghệ thông tin (hơn 16%); kỹ sư phát triển phần mềm và website, lập trình viên, kiểm thử chất lượng phần mềm (hơn 14%); chuyên viên phân tích và quản lý chất lượng phần mềm (gần 12%); chuyên viên phân tích hệ thống máy tính (hơn 10%); chuyên viên tư vấn quản lý (hơn 10%).

Chuyên gia chỉ rõ 10 ngành học tăng trưởng mạnh và sụt giảm nghiêm trọng - 2

Nhu cầu nhân lực chất lượng cao về Kỹ thuật Phần mềm sẽ tăng trong thời gian tới (Ảnh: Trường Thịnh).

Chọn sai ngành như “bắt cá leo cây, bắt khỉ lội nước”

Với tầm nhìn và định hướng ngành nghề trên đây, ông Linh cho rằng, phụ huynh nên có lộ trình cụ thể cho con em.

“Nếu phụ huynh chọn sai ngành cho con, như bắt cá leo cây, leo không tốt lại phải quay lại. Ví dụ, khoa học máy tính đang hot nhưng các ngành nghề khác vẫn có việc, không nên bắt con làm việc quá khả năng. Nếu con có thế mạnh xã hội nhưng ép học kinh tế sẽ không khác nào bắt cá leo cây, bắt khỉ lội nước, không có hiệu quả”, chuyên gia này dí dỏm chia sẻ.

Ông khẳng định, mọi sự lựa chọn của cha mẹ đều rất quan trọng với các con, quan trọng phải dựa trên thế mạnh của từng em.

Chuyên gia tư vấn nghề nghiệp Dương Văn Linh cũng cho rằng, 3 chìa khóa thúc đẩy sự chuyển dịch công việc hiện nay là nền công nghiệp xanh, sự phát triển khoa học công nghệ và triển vọng kinh tế.

Với nền công nghiệp xanh, các nước đã đặt vấn đề cách đây 7-10 năm và hiện các tập đoàn của Mỹ đầu tư lớn vào lĩnh vực này với các quỹ đầu tư xanh. Với các học sinh, ông Linh khuyên, nên cập nhật thông tin về AI cũng như cần thiết có sự trải nghiệm.

Về sự phát triển của công nghệ, ở Mỹ các nhóm ngành liên quan dịch vụ đơn giản bị lược bỏ. Theo lời khuyên của ông Linh, nếu học sinh chọn các nhóm ngành kinh doanh, tài chính vẫn có cơ hội tuy nhiên nên học thêm ngành phụ để có lợi thế khi ra trường tìm việc.

Chẳng hạn các em học tài chính, kế toán, ngoài ra có thể học thêm ngành phụ liên quan đến phân tích dữ liệu kinh doanh bởi nếu chỉ học đơn ngành, các em sẽ rất bất lợi khi xin việc hoặc phải học lên sau đại học.

“Tóm lại các em nên cân bằng giữa thế mạnh học tập và nhu cầu tuyển dụng để chọn ngành nghề phù hợp”, ông Linh nói.

Nguồn: https://dantri.com.vn/giao-duc/chuyen-gia-chi-ro-10-nganh-hoc-tang-truong-manh-va-sut-giam-nghiem-trong-20250107212235439.htm

DanTri Logo

Hello Mình là Cải

Theo dõi
Thông báo của
0 Góp ý
Mới nhất
Cũ nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận

Tin Nóng Hôm Nay