Thứ ba, Tháng hai 25, 2025
HomeThời SựChuyên gia nhận định về quyết tâm hành động của chính quyền...

Chuyên gia nhận định về quyết tâm hành động của chính quyền Trump 2.0

Chuyên gia nhận định về quyết tâm hành động của chính quyền Trump 2.0 - 1

Tổng thống Mỹ Donald Trump (Ảnh: Reuters).

Tổng thống Donald Trump đã tuyên thệ nhậm chức vào ngày 20/1 sau một chiến dịch tranh cử bận rộn, mở ra thêm một nhiệm kỳ 4 năm được dự đoán đầy biến động với phương châm “Nước Mỹ trên hết”.

Trong sắc lệnh đầu tiên sau khi trở lại Nhà Trắng, Tổng thống Trump đã quyết định ân xá toàn diện cho gần 1.600 người bị buộc tội do tham gia cuộc bạo loạn Điện Capitol vào tháng 1/2021. Họ nằm trong số những người ủng hộ ông Trump xông vào Điện Capitol để ngăn quốc hội chứng nhận kết quả bầu cử cho cựu Tổng thống Joe Biden.

Ngoài ra, Tổng thống Trump cũng quyết định giảm án cho một số người khác và ký hàng chục sắc lệnh hành pháp giải quyết các ưu tiên hàng đầu của chính quyền ông. Hiến pháp Mỹ trao quyền ân xá rộng rãi cho tổng thống và không có cơ chế pháp lý nào thách thức lệnh ân xá do tổng thống ban hành.

Ngày 23/1, Tổng thống Trump đặt nghi vấn về việc Mỹ có nên chi bất kỳ khoản nào cho NATO hay không, vì theo ông, Washington đang bảo vệ các đồng minh NATO, nhưng họ “không bảo vệ” Mỹ.

Ngày 29/1, Tổng thống Trump tuyên bố ông sẽ ra lệnh cho Lầu Năm Góc và Bộ An ninh Nội địa chuẩn bị một trại giam quy mô lớn tại căn cứ hải quân Mỹ ở Vịnh Guantanamo, nơi có thể chứa tới 30.000 người bị trục xuất khỏi Mỹ. Nhà Trắng cho biết ông Trump sẽ không để nước Mỹ trở thành nơi chứa tội phạm nhập cư trái phép từ các quốc gia trên khắp thế giới.

Ngày 1/2, Tổng thống Trump đã ra lệnh áp thuế 25% đối với hàng nhập khẩu từ Canada và Mexico, cũng như 10% đối với hàng hóa từ Trung Quốc. Ông tuyên bố đòn thuế quan này sẽ có hiệu lực cho đến khi tình trạng khẩn cấp quốc gia về thuốc giảm đau gây nghiện fentanyl và tình trạng nhập cư bất hợp pháp vào Mỹ kết thúc.

Ông Trump đã tạm dừng áp thuế mới đối với Mexico và Canada trong một tháng sau những động thái cải thiện tình hình của hai nước này. Đối với Trung Quốc, mức thuế vẫn được giữ nguyên.

Theo thông báo mới nhất, ông Trump cho biết có thể công bố áp thuế nhập khẩu xe hơi, dược phẩm và chất bán dẫn vào Mỹ ở mức 25%. Tuy nhiên, ông vẫn để ngỏ cơ hội cho các công ty mở nhà máy tại Mỹ để tránh bị áp thuế.

Với sự hỗ trợ của nhóm cố vấn có tên gọi Ban hiệu suất chính phủ (DOGE) do tỷ phú Elon Musk điều hành, chính quyền Trump đã có những động thái mạnh mẽ trong việc tinh giản hệ thống, cắt giảm quy định, giảm chi tiêu chính phủ, tái cấu trúc cơ quan liên bang và sa thải hàng loạt nhân viên được bổ nhiệm dưới thời Tổng thống Joe Biden.

Ngày 4/2, Tổng thống Trump đã đề xuất di dời vĩnh viễn người Palestine khỏi Dải Gaza, đưa họ tới những vùng đất khác ở các quốc gia láng giềng. Ông nói thêm rằng Mỹ sẽ “tiếp quản” Dải Gaza và dẫn đầu các nỗ lực dọn dẹp đống đổ nát tại vùng đất bị chiến tranh tàn phá này.

Sau khi nhậm chức, ông Trump đã ký các sắc lệnh hành pháp đổi tên Vịnh Mexico thành Vịnh Mỹ. Khi bay qua Vịnh Mexico, ông Trump cũng đã ký tuyên bố công nhận ngày 9/2 là “Ngày Vịnh Mỹ”.

Tổng thống Trump cũng gây tranh cãi khi đề xuất mua lại Greenland, hòn đảo lớn nhất thế giới và là vùng lãnh thổ tự trị của Đan Mạch, sáp nhập Canada và biến nước này thành bang thứ 51, đồng thời giành lại quyền kiểm soát Kênh đào Panama chiến lược. Ông chủ Nhà Trắng thậm chí phát tín hiệu không loại trừ việc dùng sức ép kinh tế hoặc quân sự để biến những ý tưởng này thành hiện thực, bất chấp sự phản đối của các quốc gia liên quan.

Ông Trump cũng tuyên bố sẽ giải quyết xung đột ở Trung Đông và cuộc chiến Nga – Ukraine. Tổng thống Mỹ tuyên bố cả Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đều bày tỏ mong muốn hòa bình trong các cuộc điện đàm riêng với ông vào ngày 12/2.

Ông Trump đã ra lệnh cho các quan chức cấp cao bắt đầu đàm phán về việc chấm dứt chiến tranh ở Ukraine và cuộc đàm phán đầu tiên giữa phái đoàn Nga, Mỹ đã diễn ra ở Ả rập Xê út hôm 18/2.

Quyết tâm của chính quyền Trump

Chuyên gia nhận định về quyết tâm hành động của chính quyền Trump 2.0 - 2

Tổng thống đắc cử Donald Trump chào đón tỷ phú Elon Musk, CEO Tesla, trong cuộc mít tinh trước lễ nhậm chức (Ảnh: Reuters).

Các chuyên gia nhận định với Dân trí rằng, những sắc lệnh hành pháp và tuyên bố do Tổng thống Trump đưa ra kể từ khi nhậm chức đã cho thấy quyết tâm của ông trong việc thực hiện những cam kết từng đưa ra trong chiến dịch tranh cử. Tuy nhiên, những động thái này cũng gây ra sự xáo trộn nhất định.

Trao đổi với Dân trí, Tiến sĩ Hunter Marston, nhà nghiên cứu quan hệ quốc tế tại Đại học Quốc gia Australia, nói rằng, kể từ khi nhậm chức, Tổng thống Trump đã thực hiện nhiều cam kết trong chiến dịch tranh cử của mình. Khi làm như vậy, ông Trump dường như đã tạo ra một cuộc “khủng hoảng hiến pháp” ở Mỹ, thử thách quyết tâm của tòa án và phe đối lập tại Quốc hội trong việc đẩy lùi các nỗ lực của tân Tổng thống, khi ông muốn thúc đẩy chương trình nghị sự đầy tham vọng bằng các sắc lệnh hành pháp.

Tuy nhiên, theo ông Marston, phần lớn những động thái ban đầu này vẫn có thể bị đảo ngược nếu phe Dân chủ và nhánh tư pháp của chính phủ có thể huy động nỗ lực có tổ chức để đối trọng với ông Trump.

Ông Marston cũng chỉ ra một điểm tích cực là việc Tổng thống Trump hứa hẹn sẽ cân bằng lại đáng kể các khoản chi tiêu của Mỹ và có thể thúc đẩy chi tiêu của chính phủ cho các sáng kiến trong nước như nghiên cứu và phát triển nhằm duy trì khả năng cạnh tranh của Mỹ trong thế kỷ 21.

Chuyên gia Mark Cancian, cố vấn cấp cao thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) tại Washington, Mỹ cho biết Tổng thống Trump có xu hướng phát ngôn những gì ông nghĩ mà không thông qua quy trình chính sách thông thường của chính phủ. Do đó, những bình luận của Tổng thống Trump phải được xem xét thận trọng.

“Nếu Mỹ bắt đầu thực hiện bất kỳ biện pháp nào liên quan tới việc kiểm soát lãnh thổ mới thông qua ngoại giao hoặc quân sự, các nước cũng phải xem xét thận trọng tuyên bố của Tổng thống Trump”, ông Cancian nói.

James Borton, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Chính sách Đối ngoại thuộc Trường Nghiên cứu Quốc tế Nâng cao của Đại học Johns Hopkins, chỉ ra rằng các sắc lệnh hành pháp quyết đoán của Tổng thống Trump tập trung vào việc bãi bỏ các quy định, hạn chế nhập cư, cắt giảm thuế và chính sách thương mại nhằm đưa việc làm trở lại Mỹ.

Theo chuyên gia Borton, Tổng thống Trump sử dụng các sắc lệnh hành pháp rất rộng rãi, nhắm vào một loạt vấn đề như an ninh biên giới, chăm sóc y tế và cứu trợ kinh tế. Tuy nhiên, chuyên gia cho rằng các sắc lệnh này đã gây ra những thách thức về mặt pháp lý và chính trị.

Theo chuyên gia, nước Mỹ có thể đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng hiến pháp được phản ánh trong các sắc lệnh hành pháp của Tổng thống Trump nhằm chấm dứt quyền công dân theo nơi sinh tại Mỹ, đóng băng chi tiêu liên bang và đóng cửa các cơ quan như Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID).

Nguy cơ chiến tranh thương mại

Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã áp thuế 10% đối với hàng hóa Trung Quốc từ ngày 4/2 nhằm giải quyết tình trạng khẩn cấp quốc gia về thuốc giảm đau gây nghiện fentanyl và người nhập cư bất hợp pháp vào Mỹ.

Bắc Kinh đáp trả bằng cách áp thuế với nhiều mặt hàng nhập khẩu từ Mỹ, bao gồm 15% thuế đối với than và khí đốt tự nhiên, 10% đối với xăng dầu, thiết bị nông nghiệp, phương tiện phát thải cao và xe bán tải.

Trung Quốc cũng dọa kiện Mỹ lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Ngoài ra, Bộ Thương mại và Cục Hải quan Trung Quốc thông báo Bắc Kinh đang áp dụng biện pháp kiểm soát xuất khẩu đối với các mặt hàng liên quan đến vonfram, tellurium, ruthenium, molypden và ruthenium để “bảo vệ lợi ích an ninh quốc gia”.

Trung Quốc cũng đưa một số công ty, bao gồm “gã khổng lồ” công nghệ Mỹ Google, vào tình trạng báo động về các biện pháp trừng phạt có thể xảy ra. Trung Quốc cũng đã mở một cuộc điều tra chống độc quyền đối với Google.

Trong chiến dịch tranh cử năm ngoái, ông Trump thậm chí tuyên bố sẽ áp thuế cao hơn nữa với hàng Trung Quốc, lên tới 60%. 

Điều này làm dấy lên lo ngại một cuộc chiến thương mại mới giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Theo chuyên gia Marston, thực tế cho thấy, chiến tranh thương mại đã nổ ra từ năm 2018, khi ông Trump tuyên bố áp thuế đối với hàng hóa Trung Quốc trong nhiệm kỳ đầu tiên. Vào tháng 1/2020, Mỹ và Trung Quốc đã ký thỏa thuận thương mại Giai đoạn một dưới thời chính quyền Trump, nhưng việc thực thi thỏa thuận này không thực sự hiệu quả.

“Do vậy, có thể nói, cuộc chiến thương mại chưa bao giờ kết thúc và đang leo thang trở lại”, ông Marston nhận định.

Chuyên gia Cancian cho rằng, Tổng thống Trump rất nghiêm túc về việc sử dụng thuế quan như một cơ chế để tạo đòn bẩy kinh tế và chính trị. Ông Trump đã áp đặt một số biện pháp thuế quan và đe dọa một số biện pháp khác.

“Tôi không thể khẳng định liệu điều này có dẫn đến một cuộc chiến thương mại hay không, nhưng thuế quan sẽ là một vấn đề quan tâm chính trong nhiệm kỳ 4 năm tới của ông Trump”, ông Cancian nhận định với Dân trí.

Theo chuyên gia Borton, việc Tổng thống Trump áp thuế gần đây đối với các quốc gia như Trung Quốc và các quốc gia khác, như Mexico và Canada đã dẫn đến các biện pháp trả đũa, làm leo thang căng thẳng và thực sự khởi xướng một cuộc chiến tranh thương mại.

Ông Borton dự đoán, những đòn thuế này sẽ dẫn đến căng thẳng trong mối quan hệ của Mỹ với các đồng minh và thử thách sự kiên nhẫn cũng như túi tiền của người dân Mỹ.

Tuyên bố gây tranh cãi về lãnh thổ

Liên quan tới những tuyên bố gây tranh cãi của Tổng thống Trump về việc sáp nhập và kiểm soát các vùng lãnh thổ như Greenland, Gaza, Panama hay Canada, chuyên gia Marston cho biết rất khó để khẳng định chắc chắn liệu Tổng thống Trump có thực sự có tham vọng về lãnh thổ không.

Chuyên gia nhận định về quyết tâm hành động của chính quyền Trump 2.0 - 3

Vị trí Greenland và Canada, hai khu vực Tổng thống Trump tuyên bố muốn mua lại và sáp nhập (Ảnh: Britannica).

Nhận định với Dân trí, chuyên gia Borton cho biết, những tuyên bố gây tranh cãi của Tổng thống Trump về các vùng lãnh thổ phản ánh cách tiếp cận mang tính “giao dịch” của ông đối với địa chính trị, vì ông xem xét vấn đề lãnh thổ và ngoại giao thông qua lăng kính lợi thế kinh tế và chiến lược.

Theo ông Borton, cuốn sách bán chạy nhất của ông Trump, “The Art of the Deal” (Nghệ thuật đàm phán), về cơ bản nhấn mạnh tầm quan trọng của việc sẵn sàng nghĩ lớn, chấp nhận rủi ro và tận dụng các chiến thuật đàm phán để đạt được thành công trong kinh doanh.

Ví dụ, mối quan tâm của ông Trump đối với Greenland bắt nguồn từ vị trí địa chính trị và tiềm năng tài nguyên của khu vực này, coi đó là một cơ hội bất động sản thay vì chỉ là vấn đề ngoại giao. Tương tự như vậy, những tuyên bố của ông về các khu vực khác thường nhấn mạnh đến đòn bẩy kinh tế, an ninh quốc gia hoặc ảnh hưởng chính trị.

Chuyên gia Borton chỉ ra rằng, mục đích của Tổng thống Trump dường như nhằm củng cố tầm ảnh hưởng của Mỹ, trong khi áp dụng tư duy theo hướng kinh doanh vào quan hệ quốc tế, mặc dù điều này đôi khi gây tranh cãi.

Theo chuyên gia Borton, trong khi chiến dịch tranh cử thành công của ông Trump đã củng cố sự trở lại của chủ nghĩa cô lập mới cũng như sự tách rời khỏi các hiệp ước và liên minh, tân Tổng thống đồng thời chấp nhận một phiên bản phô diễn sức mạnh hiện đại của Mỹ, kêu gọi sự kiểm soát về kinh tế, tài nguyên và đòn bẩy địa chính trị, thay vì mở rộng lãnh thổ theo truyền thống.

Nỗ lực giải quyết xung đột

Chuyên gia nhận định về quyết tâm hành động của chính quyền Trump 2.0 - 4

Phái đoàn Nga, Mỹ nhóm họp tại Ả rập Xê út hôm 18/2 (Ảnh: Getty).

Một trong những điểm nhấn quan trọng trong chương trình nghị sự của Tổng thống Trump từ sau khi nhậm chức là nỗ lực giải quyết các cuộc xung đột. Đây cũng là cam kết được ông Trump đưa ra kể từ khi còn là ứng viên tranh cử vào Nhà Trắng.

Liên quan tới cuộc xung đột ở Trung Đông, Tiến sĩ Marston cho rằng, Tổng thống Trump có cơ hội chấm dứt xung đột ở Trung Đông nhờ mối quan hệ đặc biệt của ông với Thái tử Ả rập Xê út Mohammed bin Salman và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu.

Chuyên gia Cancian cũng bày tỏ hy vọng Mỹ sẽ tiếp tục đóng vai trò trong các cuộc đàm phán liên quan đến cuộc xung đột ở Dải Gaza. Tuy nhiên, ông cho rằng Mỹ chỉ là một trong số nhiều bên liên quan tới cuộc xung đột này.

Theo chuyên gia Borton, các sáng kiến gần đây của Tổng thống Trump, như khởi xướng các cuộc đàm phán với Tổng thống Nga Vladimir Putin để chấm dứt xung đột Ukraine và ra tối hậu thư cho lực lượng Hamas ở Trung Đông, chứng tỏ những nỗ lực tích cực và thực tế của tân Tổng thống nhằm thực hiện cam kết của ông về việc giải quyết các cuộc xung đột này.

Về việc giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine, chuyên gia Marston dự đoán Tổng thống Trump nhiều khả năng sẽ tìm cách thúc đẩy một thỏa thuận chấm dứt xung đột theo các điều khoản mà Nga chấp nhận. Tuy nhiên, bất kỳ giải pháp nào như vậy có khả năng sẽ đóng băng xung đột và không giải quyết được các mâu thuẫn chính trị cơ bản hoặc lợi ích an ninh của Ukraine.

Theo chuyên gia Cancian, Tổng thống Trump đã đưa ra nhiều tuyên bố về việc chấm dứt chiến tranh ở Ukraine trong chiến dịch tranh cử và thế giới đang chứng kiến sự khởi đầu của các cuộc đàm phán. Tuy nhiên, theo ông Cancian, lập trường của Nga và Ukraine còn cách xa nhau. Điều quan trọng là phải nhấn mạnh sự khác biệt giữa lệnh ngừng bắn và giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột.

Chuyên gia cho biết lệnh ngừng bắn sẽ ngăn chặn việc bắn phá và phá hủy trên các tiền tuyến hiện tại. Mặc dù vẫn còn nhiều vấn đề cần giải quyết như các lệnh trừng phạt, nỗ lực tái thiết, tư cách thành viên NATO và chủ quyền của Ukraine, nhưng có thể chuyển một số vấn đề sang các cuộc đàm phán trong tương lai. Do vậy, một hiệp ước hòa bình sẽ giải quyết tất cả những vấn đề khó khăn này.

Theo chuyên gia, cần ghi nhớ kinh nghiệm của Chiến tranh Triều Tiên, khi các bên ký hiệp định đình chiến vào năm 1953 nhưng chưa bao giờ có một hiệp ước hòa bình. Rủi ro ở đây là giao tranh sẽ tái diễn nếu các bên không ký hiệp ước hòa bình.

“Một giải pháp triệt để cho cuộc xung đột này khó có thể đạt được trong nhiều năm tới. Thay vào đó, các bên có thể sẽ thực thi một lệnh ngừng bắn và tiếp tục tiến hành các cuộc đàm phán để tìm kiếm một giải pháp lâu dài”, ông Cancian nói thêm.

Tác động tới khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương

Tiến sĩ Marston nhận định, chính sách đối ngoại thất thường và sự khó đoán của Tổng thống Trump khiến các quốc gia trên thế giới rơi vào tình thế khó khăn. Theo đó, trong thời gian tới, các nước sẽ chờ đợi để đạt được các thỏa thuận hoặc phản ứng với những sức ép có thể xảy ra từ chính quyền Trump.

Theo ông Marston, nhiều nước ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương đang chờ xem đội ngũ của Tổng thống Trump sẽ tương tác với khu vực này như thế nào trước khi đưa ra các chính sách của riêng họ. Chính quyền Trump có khả năng sẽ mang lại cả sự biến động cho thị trường, cũng như lợi ích cho những bên có thể tận dụng các cơ hội mới trong việc hợp tác với Mỹ.

Trong 4 năm tới, ông Marston dự đoán Tổng thống Trump gần như chắc chắn sẽ công bố thêm đòn thuế quan đối với các đồng minh và đối tác có thặng dư thương mại đáng kể với Mỹ. Điều này có thể tác động tới tăng trưởng và phát triển ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.

Ông Trump đã ám chỉ rằng ông muốn giảm sự hiện diện của quân đội Mỹ tại Hàn Quốc cũng như thu hẹp kho vũ khí hạt nhân của Mỹ. Theo chuyên gia Marston, điều này có thể củng cố hòa bình châu Á nếu được thực hiện một cách có trách nhiệm, nhưng cũng có khả năng tác động đến tình hình khu vực nếu được thực hiện vội vàng.

Theo ông Marston, chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở sẽ tiếp tục cung cấp nền tảng cơ bản cho các chính sách châu Á của chính quyền Trump trong thời gian tới. Những tuyên bố ban đầu của Ngoại trưởng Marco Rubio chỉ ra rằng đây sẽ vẫn là trọng tâm về mặt chính sách của chính quyền Trump 2.0. Tuy nhiên, nhóm cố vấn và quan chức nội các mới cho thấy sẽ có những quan điểm chia rẽ và mọi thứ sẽ phụ thuộc vào các cuộc đàm phán.

Chuyên gia Cancia cho rằng, Tổng thống Trump và những người được ông bổ nhiệm làm cố vấn an ninh quốc gia lo ngại về thách thức từ Trung Quốc. Ông đặt ra giả thuyết Mỹ sẽ tiếp tục tăng cường quân sự ở Thái Bình Dương và hành động cứng rắn với Trung Quốc.

Tuy nhiên, Tổng thống Trump có thể sẽ muốn gặp trực tiếp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vì ông tin rằng ngoại giao cá nhân có thể vượt qua các rào cản. Mỹ và Trung Quốc vẫn tồn tại những khác biệt sâu sắc về chính trị và ngoại giao đến mức hai nước sẽ vẫn là đối thủ cạnh tranh, nhưng ngoại giao cá nhân giữa hai nhà lãnh đạo có thể giúp giảm bớt sức ép cạnh tranh.

Chuyên gia Cancia nêu ra khuyến nghị dành cho các quốc gia đang tìm cách thích ứng với nhiệm kỳ hai của Tổng thống Trump là tầm quan trọng của ngoại giao cá nhân. Ông Trump thích gặp riêng các nhà lãnh đạo nước ngoài, vì đó là phong cách làm việc của ông khi còn là một ông trùm bất động sản ở New York.

Nguồn: https://dantri.com.vn/the-gioi/chuyen-gia-nhan-dinh-ve-quyet-tam-hanh-dong-cua-chinh-quyen-trump-20-20250220124122056.htm

DanTri Logo

Hello Mình là Cải

Theo dõi
Thông báo của
0 Góp ý
Mới nhất
Cũ nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận

Tin Nóng Hôm Nay