Ngày 25.3, phát biểu tại hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách cho ý kiến về luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, Bộ trưởng Bộ Khoa học – Công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng nói cách tiếp cận mới liên quan đến dự án luật này là thực hiện tiêu chuẩn hóa toàn diện, lấy thị trường làm chủ đạo, Nhà nước định hướng, doanh nghiệp là trung tâm, xã hội tham gia tích cực và hội nhập quốc tế.

Bộ trưởng Bộ Khoa học – Công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại phiên họp
Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, chuyển từ Nhà nước dẫn dắt sang cân bằng giữa Nhà nước và thị trường, mở rộng hệ thống tiêu chuẩn sang toàn bộ nền kinh tế, từ đó góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, thúc đẩy phát triển chất lượng cao dựa trên khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Bộ trưởng Hùng cũng đồng tình với những băn khoăn của đại biểu khi hiện nay một số quy định về thú y, chăn nuôi, bảo vệ thực vật quy định chặt chẽ hơn mức cần thiết. Các sản phẩm này vừa phải đăng ký cấp phép lưu hành, chứng nhận theo hệ thống GMP, vừa chứng nhận hợp quy.
Hai quy trình này đều có bước phân tích lấy mẫu giống nhau. Vì vậy, ông Hùng cho rằng, cần thiết giảm thiểu bằng cách chỉ cần đáp ứng chứng nhận GMP thì không cần phải công bố hợp quy nữa. “Sửa đổi luật lần này đã giao các bộ chuyên ngành chủ động trong việc quy định công bố hợp quy để tạo sự thông thoáng cho doanh nghiệp”, Bộ trưởng Hùng nói.
Chốt lại phiên thảo luận, Phó chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan nhấn mạnh, Nhà nước phải có quyền lực kiểm soát, song cần tư duy theo đúng tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm là luật không chỉ quản lý mà còn kiến tạo không gian phát triển mới, đồng thời giảm cơ chế xin – cho.
Theo Phó chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan, dự án luật có vẻ liên quan tới kỹ thuật, song thực tế là vấn đề kinh tế. Bởi lẽ, các quy định tại luật sẽ tác động tới các ngành hàng, tới thương mại rất lớn, không chỉ một nhóm doanh nghiệp mà toàn bộ xã hội.
“Một quy định hợp quy đối với một sản phẩm thức ăn chăn nuôi sẽ phân bổ vào cho hàng triệu người chăn nuôi ở trên khắp mọi miền đất nước của chúng ta. Bởi vì doanh nghiệp phải đưa tất cả chi phí tuân thủ vào giá thành sản phẩm”, ông Hoan nêu.

Phó chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan phát biểu kết luận phiên làm việc
Trao quyền để tự kiểm soát chất lượng sản phẩm
Từ đó, Phó chủ tịch Quốc hội đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu những công cụ khác để Nhà nước thực hiện quyền lực kiểm soát mà không làm phát sinh chi phí quá lớn cho doanh nghiệp, người dân.
“Thật sự đôi khi không cần thiết như Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói vừa rồi. Nhiều khi người ta nói cũng là hình thức. Vì người ký văn bản chứng nhận hợp quy lại không chịu trách nhiệm mà chỉ ghi nhận kết quả, còn doanh nghiệp vẫn phải là người phải chịu trách nhiệm tất cả các vấn đề đó”, ông Hoan phân tích.
Ông Hoan dẫn chứng vụ quảng cáo kẹo rau củ Kera được thông tin trên báo chí vừa qua là một minh chứng cho cơ chế tự kiểm soát chất lượng sản phẩm của các hiệp hội ngành hàng.
“Khi một người tiêu dùng người ta thấy nghi ngờ gì đó người ta đem kẹo đó đến phòng thí nghiệm người ta thấy rằng không đúng như là quảng cáo. Như vậy, chúng ta trao quyền kiểm soát cho các hiệp hội ngành hàng để người ta phải tự kiểm soát chất lượng”, ông Hoan nêu.
Phó chủ tịch Quốc hội cũng dẫn chứng, ở nước ngoài, việc các hiệp hội ngành hàng “đóng dấu” được coi như một sự bảo chứng về chất lượng đối với các sản phẩm của doanh nghiệp.
“Còn rủi ro thì ở bất kỳ cơ chế kiểm soát nào cũng có điều rủi ro, nhưng chúng ta chọn rủi ro nào đó để ít tác động với doanh nghiệp. Đồng thời, thông qua việc này để nâng cao năng lực của doanh nghiệp lên chứ không nên chỉ muốn quản lý cho an toàn một cách đơn thuần”, ông Hoan nhấn mạnh.
Dự án luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật đã được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp 8 cuối năm ngoái, dự kiến sẽ được bấm nút thông qua tại kỳ họp 9 vào tháng 5 tới.
Nguồn: https://thanhnien.vn/pho-chu-tich-quoc-hoi-co-che-kiem-soat-chat-luong-tu-vu-keo-rau-kera-185250325133231827.htm