Khi hoạt động thể chất, chúng ta hít thở sâu và nhanh hơn, tăng lượng không khí – cũng như cả các chất ô nhiễm – vào phổi. Điều này có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng.
Theo Cơ quan Bảo vệ môi trường Hoa Kỳ (EPA), một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng tập thể dục ngoài trời trong điều kiện không khí ô nhiễm có thể gây ra các tác động sức khỏe tạm thời, như suy giảm chức năng phổi.
Còn theo Hiệp hội Sinh lý học Hoa Kỳ, việc tiếp xúc với không khí ô nhiễm có thể dẫn đến nhiều vấn đề sức khỏe mãn tính, bao gồm bệnh tim mạch và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.
Ngoài ra một bài báo trên CBS News nhấn mạnh rằng khi Chỉ số Chất lượng không khí (AQI) đạt mức “không lành mạnh”, chúng ta nên tập thể dục trong nhà.
Do đó để giảm thiểu rủi ro, nên tránh tập thể dục ngoài trời khi chất lượng không khí kém. Còn nếu buộc phải tập luyện ngoài trời (như chạy bộ), dưới đây là những điều chúng ta nên làm.
1.Theo dõi chất lượng không khí
Kiểm tra Chỉ số Chất lượng không khí (AQI) qua các ứng dụng hoặc trang web (như AirVisual, IQAir). Nếu AQI trên 100 (mức không lành mạnh cho nhóm nhạy cảm), nên hạn chế hoạt động ngoài trời. Chạy bộ khi AQI dưới 50 là lý tưởng.
2. Lựa chọn thời gian chạy
Chạy vào buổi sáng sớm hoặc tối muộn khi mức ô nhiễm có xu hướng thấp hơn do ít giao thông và hoạt động công nghiệp. Tránh giờ cao điểm giao thông, đặc biệt ở gần đường lớn.
3. Lựa chọn địa điểm phù hợp
Ưu tiên chạy ở công viên cây xanh, đồng quê hoặc khu vực xa đường giao thông và công trường xây dựng. Tránh các khu vực đô thị đông đúc, những nơi có nguồn ô nhiễm cục bộ như nhà máy.
4. Sử dụng khẩu trang chống bụi mịn
Đeo khẩu trang chuyên dụng (N95 hoặc N99) có thể giúp lọc bụi mịn (PM2.5, PM10). Tuy nhiên, khẩu trang có thể gây khó thở khi chạy, nên chọn loại phù hợp.
5. Giảm cường độ và thời gian chạy
Hạn chế chạy quá lâu hoặc quá nhanh trong môi trường ô nhiễm. Các bài tập cường độ thấp hơn có thể giảm lượng chất ô nhiễm hít vào.
6. Bổ sung dinh dưỡng
Tăng cường thực phẩm giàu chất chống oxy hóa như vitamin C (trái cây họ cam, quýt) và vitamin E (hạt, dầu thực vật) để giúp cơ thể chống lại tác động của ô nhiễm.
7. Thay đổi hình thức luyện tập
Nếu ô nhiễm không khí kéo dài, hãy cân nhắc tập luyện trong nhà với máy chạy bộ hoặc tham gia các lớp thể dục trong không gian kín, có hệ thống lọc không khí.
Nếu bạn cảm thấy các triệu chứng như khó thở, đau ngực, hoặc ho kéo dài sau khi chạy bộ ngoài trời, hãy dừng lại và tham khảo ý kiến bác sĩ ngay. Việc ưu tiên sức khỏe luôn quan trọng hơn việc duy trì lịch trình tập luyện.
Không khí ô nhiễm gây nhiều ảnh hưởng với da, hệ hô hấp
Thời điểm này thời tiết Hà Nội đang ở giai đoạn cao điểm của ô nhiễm không khí hằng năm khi trời hanh khô, không có gió, nhiều tháng không mưa. Rất nhiều VĐV chạy bộ đường dài, đạp xe… thường xuyên tập luyện hằng ngày trên đường trong điều kiện không khí ô nhiễm cho biết họ có nhiều biểu hiện của viêm đường hô hấp như: Đau rát cổ, viêm họng, viêm da mặt (biểu hiện là ngứa mặt, nổi mụn, mẩn đỏ…).
Chị N.A. – người chạy bộ ở khu vực Cầu Giấy – cho biết thời gian này khi ra đường chạy thường xuyên chị liên tục có biểu hiện dị ứng da mặt khi bị mẩn ngứa, nổi mề đay. Khi đi khám tại Bệnh viện Da liễu Hà Nội, các bác sĩ chẩn đoán chị bị viêm da dị ứng có thể do thời tiết, không khí ô nhiễm do chị thường xuyên chạy bộ ngoài trời.
Nguồn: https://tuoitre.vn/co-nen-tap-luyen-ngoai-troi-khi-khong-khi-o-nhiem-20250116124152777.htm