Dưới thời nhà Nguyễn, bên cạnh các loại ấn tín biểu trưng cho quyền lực tối cao của vua, còn có những vật dụng được coi là vật biểu trưng cho quyền lực của vua và các thành viên trong hoàng tộc. Đó là các loại áo, mão, kiếm, thẻ bài, hốt ngọc, hay những vật phẩm do nhà vua ban tặng cho người có công lớn trong những dịp trọng đại.
Ba thẻ bài của gia đình vua Khải Định
Trong sưu tập cổ vật cung đình triều Nguyễn tại Bảo tàng Lâm Đồng, có 3 chiếc thẻ bài bằng bạch ngọc thể hiện rõ thông tin các thành viên trong gia đình vua Khải Định (vua Khải Định, Từ Cung hoàng thái hậu và hoàng tử Vĩnh Thụy). Đây là điều khá hiếm, bởi các đời vua trước hoặc là không có con, hoặc là rất nhiều vợ con, thê thiếp nên khó có thể quy tụ đầy đủ các thẻ bài nếu có.
Trong những di sản văn hóa triều Nguyễn để lại, thẻ bài được cho là loại cổ vật có giá trị lịch sử, mỹ thuật. Thẻ bài thường được làm bằng những chất liệu quý tùy theo cấp bậc và địa vị người sử dụng. Tùy vào chất liệu chế tác để gọi tên các loại thẻ bài, như: kim bài (bài bằng vàng), ngân bài (bài bằng bạc), ngọc bài (bài bằng ngọc); mộc bài (bài bằng gỗ), thạch bài (bài bằng đá)…; hay tùy theo công dụng của thẻ bài mà gọi là bội bài (bài để đeo), tín bài (bài làm tín vật), lệnh bài (bài giao việc)…
Thẻ bài được chia làm các loại cơ bản, như thẻ bài thưởng cho người có công trạng (các vị đại thần, những người trong hoàng tộc, các binh sĩ… có công với triều đình và thường kèm theo những ân huệ nhất định); thẻ bài làm “phục trang” để phân biệt địa vị, phẩm hàm; thẻ bài có giá trị như giấy thông hành (dùng để ra vào nơi cung cấm, hay được dùng như giấy ủy nhiệm của quan lại cấp trên giao việc cho thuộc hạ…).
Ba chiếc thẻ bài trong sưu tập cổ vật cung đình triều Nguyễn tại Bảo tàng Lâm Đồng là loại “bội bài” dùng để đeo trên ngực áo trong mỗi dịp đại lễ của triều đình. Ba chiếc thẻ bài đều được chế tác từ đá ngọc màu trắng đục theo cùng một phong cách, có dây đeo bằng vàng. Thẻ bài hình chữ nhật, phần đầu hình hổ phù cách điệu, có lỗ dùng để buộc dây đeo. Cả hai mặt thẻ chạm khắc hoa văn với nhiều nét tương đồng bằng kỹ thuật khắc chìm và “chạm thủng”. Viền thẻ bài trang trí hoa văn khắc chìm bẻ góc hình chữ T nối tiếp nhau. Mặt thẻ bài khắc đôi rồng chầu, đuôi ở trên và phần đầu ở dưới vươn chầu hàng chữ ở giữa.
Thẻ bài của vua Khải Định ở mặt trước khắc nổi 4 chữ Hán nạm vàng “Đại Nam Thiên tử” (Hoàng đế nước Đại Nam), mặt sau khắc nổi 4 chữ Hán nạm vàng “Khải Định trân bảo” (ngọc quý thời vua Khải Định). Phần dây đeo được kết tỉ mỉ bằng những sợi vàng rất nhỏ. Trên dây đeo còn có 2 khối hình cầu cũng được kết từ các sợi vàng, mỗi khối gắn 4 viên “đá” nhỏ lấp lánh để trang trí. Đây là chiếc thẻ bài được vua Khải Định đeo trong các dịp đại lễ quan trọng của triều đình.
Thẻ bài của Từ Cung hoàng thái hậu (vợ vua Khải Định) trang trí tương tự chiếc thẻ bài của vua Khải Định, nhưng mặt trước khắc nổi 4 chữ Hán nạm vàng “Sủng tuy tứ phương” (vỗ về bốn phương), mặt sau khắc nổi 4 chữ Hán nạm vàng “Khải Định trân bảo”. Thẻ bài này được Từ Cung hoàng thái hậu đeo trong những dịp đại lễ của triều đình.
Thẻ bài của hoàng tử Vĩnh Thụy (sau này là vua Bảo Đại) có hình dáng, phong cách trang trí tương tự như hai chiếc thẻ bài trên và mặt sau cũng khắc nổi 4 chữ Hán nạm vàng “Khải Định trân bảo”. Điểm khác biệt là ở mặt trước thẻ bài này khắc nổi 5 chữ Hán nạm vàng “Đông cung hoàng thái tử”. Đây là thẻ bài nhà vua ban cho hoàng tử Vĩnh Thụy để dùng trong những dịp đại lễ.
Các thẻ bài này được chế tác vào khoảng thời gian từ năm 1922 – 1925 (tức khoảng thời gian từ khi hoàng tử Vĩnh Thụy được phong Đông cung hoàng thái tử đến khi vua Khải Định qua đời năm 1925).
Hốt ngọc vua ban tặng đại thần
Hốt ngọc (còn gọi là ngọc như ý) là một trong những vật biểu trưng cho quyền lực của nhà vua, thường được nhà vua cầm trên tay mỗi khi thiết triều.
Hốt ngọc trong sưu tập cổ vật cung đình triều Nguyễn tại Bảo tàng Lâm Đồng được chế tác từ đá ngọc nguyên khối màu trắng xanh. Thân hốt ngọc cong hình dấu ngã, tiết diện hình chữ nhật, khắc các đường chỉ chìm, phần cuối vát nhọn, có lỗ để đeo tua. Phần trên có hình lá đề, đỉnh lá chạm hình con dơi dang cánh và đám mây (biểu trưng cho chữ “Phúc”). Trên hốt ngọc có khắc bài thơ bằng chữ Hán gồm 8 dòng, mỗi dòng 5 chữ với nét chữ rất sắc sảo. Đây là bài thơ “Ngự chế” của vua Càn Long (Trung Quốc) nói về ngọc quý được coi như tín vật, được mọi người kính trọng, có thể thay mặt nhà vua chỉ huy ba quân nơi chiến trường.
Hai bên bài thơ còn khắc hai dòng chữ Hán bôi son đỏ, nội dung bên phải là “Đồng Khánh thân tứ” (vua Đồng Khánh thân tặng), bên trái là “… thần Nguyễn Hữu Độ”. Qua những thông tin trên, có thể đoán định chiếc hốt ngọc này được vua Đồng Khánh (1885 – 1889) ban tặng cho đại thần Nguyễn Hữu Độ (1813 – 1888), người từng giữ chức Kinh lược Bắc Kỳ và là bố của chính phi Nguyễn Hữu Thị Nhàn (Phụ Thiên Thuần hoàng hậu), tức vợ vua Đồng Khánh.
Các hiện vật không chỉ thể hiện một phần đời sống của hoàng cung, mà còn thể hiện sự tài hoa của các nghệ nhân trong Ngự xưởng triều Nguyễn. (còn tiếp)
Nguồn: https://thanhnien.vn/co-vat-trieu-nguyen-o-xu-suong-mu-the-bai-hot-ngoc-185250120220100577.htm