Khẳng định từ thực tiễn
Từ đầu nhiệm kỳ, Thành ủy Hà Nội ban hành Chương trình số 07-CTr/TU về “Đẩy mạnh phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025”. Đây là lần đầu Hà Nội xây dựng một chương trình riêng về phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Hà Nội đã hai năm liên tiếp dẫn đầu xếp hạng Chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương. Cùng với Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội lọt vào top 200 thành phố khởi nghiệp sáng tạo trên toàn cầu. Kết quả đã đóng góp quan trọng vào thành tựu kinh tế-xã hội. Năm 2024, dù gặp nhiều khó khăn nhưng tăng trưởng GRDP của Thủ đô đạt 6,52%; thu ngân sách đạt 501,6 nghìn tỷ đồng…
Xác định chuyển đổi số là phương tiện liên kết của khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, năm 2022, Tỉnh ủy Bắc Ninh ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TU về Chương trình chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Đây là Nghị quyết chuyên đề riêng của tỉnh về chuyển đổi số, trong đó lấy người dân làm trung tâm, coi dữ liệu là tài nguyên mới và nền tảng, là giải pháp đột phá để triển khai chuyển đổi số đạt hiệu quả cao. Qua hơn hai năm triển khai Nghị quyết, chuyển đổi số và hoạt động của ngành công nghệ thông tin của tỉnh đạt kết quả cao. Chỉ số chuyển đổi số, chỉ số sẵn sàng ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin của Bắc Ninh trong những năm gần đây ở trong nhóm 10 địa phương dẫn đầu cả nước. Kinh tế số duy trì kết quả cao, trong đó, tỷ trọng kinh tế số trên GRDP xếp thứ nhất cả nước, đạt 56,83%. Bắc Ninh là một trong những địa phương đầu tiên trong cả nước thực hiện cấp phiếu lý lịch tư pháp trên VNeID. Tính đến tháng 12/2024, tỷ lệ hồ sơ giải quyết trực tuyến toàn tỉnh là 93,18%. Ứng dụng Phản ánh kiến nghị trên thiết bị di động đã cấp tài khoản tới hơn 200 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp với hơn 1.400 tài khoản và 33 lĩnh vực phản ánh kiến nghị; đã tiếp nhận hơn 12 nghìn phản ánh kiến nghị, tỷ lệ xử lý đạt 96%. Chuyển đổi số trở thành đòn bẩy giúp Bắc Ninh đạt nhiều kết quả nổi bật trong phát triển kinh tế-xã hội và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Năm 2024, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) ước đạt 232,8 nghìn tỷ đồng; tăng trưởng đạt 6,03% so với năm 2023. Thu nhập bình quân đầu người tăng 14,8%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực.
Là tỉnh miền núi còn khó khăn nhưng Yên Bái luôn chú trọng công tác chuyển đổi số. Năm 2021, Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 51-NQ/TU về chuyển đổi số tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, với ba trụ cột trọng tâm là chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Sau hơn ba năm triển khai đã có hơn 57% số người dân trưởng thành cài đặt và sử dụng nền tảng Công dân số tỉnh Yên Bái (YenBai-S); tỷ lệ đảng viên có tài khoản sử dụng nền tảng ứng dụng Sổ tay đảng viên điện tử tỉnh Yên Bái đạt hơn 82,4%. Nền tảng công nghệ số được triển khai rộng khắp giúp người dân tiếp cận, áp dụng nhiều mô hình sản xuất tiên tiến, nâng cao năng suất lao động, cải thiện đời sống. Tỉnh đã thử nghiệm thiết bị cảm biến và công nghệ điều khiển từ xa theo dõi tình hình đất đai, cây trồng tại 5 huyện với hơn 1.000 hộ nông dân tham gia. Kết quả cho thấy, năng suất của các sản phẩm nông sản (như chè, lúa, rau) đã tăng trung bình từ 10-15% so với trước khi áp dụng công nghệ. Thương mại điện tử cũng được triển khai vào việc quảng bá, kết nối các sản phẩm nông sản đặc trưng của tỉnh với thị trường toàn quốc. Các sản phẩm như gạo, chè, mận và cá nheo… được đưa lên các sàn thương mại điện tử lớn như Tiki, Lazada và Shopee… Ông Nguyễn Kiều Hưng, Chủ tịch UBND xã Đại Minh, huyện Yên Bình cho biết, nhờ áp dụng công nghệ gắn mã truy xuất, sản phẩm đặc sản bưởi Đại Minh của địa phương được nâng cao giá trị, đồng thời là điểm nhấn thu hút du khách. Chính quyền số, kinh tế số và xã hội số đang nâng cao chỉ số hạnh phúc của người dân Yên Bái, vốn là địa phương một thời dài thuộc diện khó khăn, thiếu thốn.
Theo Ban Kinh tế Trung ương, hiện tại cả nước có 423 tổ chức nghiên cứu và phát triển với quy mô khác nhau; khoảng 4.000 doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, 208 quỹ đầu tư, 84 vườn ươm, 20 trung tâm khởi nghiệp sáng tạo. Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của Việt Nam đứng thứ 56/100 quốc gia; thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh lọt vào top 200 thành phố khởi nghiệp sáng tạo toàn cầu. Năm 2024, Việt Nam xếp hạng 44/133 về Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu và 71/193 quốc gia về Chỉ số phát triển Chính phủ điện tử. Đến hết năm 2024, tỷ trọng kinh tế số trong GDP ước tính là 18,3%. Năm 2024, công nghiệp công nghệ số đạt doanh thu 152 tỷ USD; kim ngạch xuất khẩu phần cứng, điện tử ước đạt 132 tỷ USD. Đây là những con số ấn tượng, minh chứng cho sự nỗ lực của các cấp, các ngành, địa phương trong thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Tăng tốc, đột phá, chiếm lĩnh đỉnh cao
Ngày 22/12/2024, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Quán triệt sâu sắc tư tưởng chỉ đạo, nội dung nhiệm vụ của Nghị quyết số 57, các địa phương tiếp tục đề ra các giải pháp tạo đột phá. Thành phố Hà Nội ban hành Kế hoạch nâng cao chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương (PII) của Hà Nội, trong đó lồng ghép xây dựng các nhiệm vụ, giải pháp nâng cao Chỉ số PII với các giải pháp, nhiệm vụ nâng cao các chỉ số khác của thành phố như: chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI); cải cách hành chính (PAR INDEX); chuyển đổi số (DTI); hiệu quả quản trị hành chính công (PAPI)…
Quyết tâm chiếm lĩnh đỉnh cao đổi mới sáng tạo, Thành phố Hồ Chí Minh đang khẩn trương tiến hành các bước để xây dựng thành phố trở thành trung tâm tài chính quốc tế theo Thông báo số 47-TB/TW của Bộ Chính trị về xây dựng trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam. Đây sẽ là động lực mạnh mẽ, nơi thu hút nguồn vốn với chi phí cạnh tranh thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phát triển các sản phẩm tài chính công nghệ cao, hỗ trợ cho doanh nghiệp và cộng đồng khởi nghiệp phát triển. Bước vào năm 2025, Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh khẩn trương chỉ đạo công tác xây dựng chính sách, cơ chế, hành lang pháp lý và đầu tư cơ sở vật chất, đào tạo nguồn nhân lực bảo đảm cho hoạt động của trung tâm tài chính. Đối với thành phố, đây là việc mới, khó và phức tạp. Vì thế, Thành ủy yêu cầu hệ thống chính trị thành phố phải vào cuộc quyết liệt, nêu cao tính tiền phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên và trách nhiệm người đứng đầu.
Thời gian tới, tỉnh Ninh Bình đề ra mục tiêu xây dựng đô thị di sản thiên niên kỷ, thành phố sáng tạo. Để tăng tốc bứt phá, Tỉnh ủy yêu cầu cấp bách xây dựng cơ chế, chính sách thúc đẩy sáng tạo, phát triển ngành du lịch văn hóa gắn với phân cấp, phân quyền cho địa phương, hỗ trợ doanh nghiệp, cộng đồng và người dân làm du lịch; chú ý bảo đảm hài hòa lợi ích của người dân và doanh nghiệp trong quá trình khai thác tài nguyên văn hóa để phát triển du lịch. Tăng cường ứng dụng thành tựu khoa học-kỹ thuật và công nghệ hiện đại trong phát triển các sản phẩm du lịch văn hóa và nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch văn hóa. Triển khai số hóa, xây dựng và hoàn thiện cơ sở dữ liệu về văn hóa, di sản văn hóa (vật thể và phi vật thể), dịch vụ văn hóa, tạo nền tảng quan trọng xây dựng cơ sở dữ liệu toàn diện về ngành du lịch của tỉnh. Xây dựng và triển khai các chương trình quảng bá thương hiệu sản phẩm, dịch vụ du lịch văn hóa, thương hiệu doanh nghiệp văn hóa; qua đó thúc đẩy ngành du lịch văn hóa phát triển, góp phần tạo nhiều việc làm, nâng cao thu nhập, bảo đảm an sinh xã hội cho người dân, đồng thời lan tỏa sâu rộng các giá trị văn hóa, con người Ninh Bình, nâng tầm thương hiệu địa phương trong tiến trình phát triển và hội nhập quốc tế.
Tỉnh ủy Bắc Ninh xác định 5 giải pháp tạo đột phá chuyển đổi số trong năm 2025, đó là, tập trung xây dựng, phát triển nền tảng Chính quyền điện tử/Chính quyền số; bảo đảm an toàn thông tin và an ninh mạng; duy trì trong nhóm các địa phương dẫn đầu cả nước về bộ chỉ số chuyển đổi số và chỉ số ICT index; tăng cường đào tạo, tập huấn, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực CNTT của các cơ quan nhà nước; bảo đảm nguồn lực triển khai các nhiệm vụ về chuyển đổi số.
Được chọn nơi đặt nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của cả nước, Ninh Thuận xem đây là cơ hội để tiếp tục bứt phá phát triển. Tỉnh ủy xác định lấy khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo làm động lực. Ban Thường vụ Tỉnh ủy có Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 29/11/2021 về chuyển đổi số tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh có Nghị quyết số 14-NQ/TU ngày 10/1/2022 về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Đồng chí Phạm Văn Hậu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy chia sẻ, Ninh Thuận mong muốn trở thành trung tâm năng lượng, năng lượng tái tạo bền vững quốc gia, đồng thời là trung tâm của các ngành nghề thuộc lĩnh vực vượt trội như bán dẫn, trí tuệ nhân tạo… Tỉnh đang tập trung ba khâu đột phá quan trọng là cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tháo gỡ khó khăn về thủ tục hành chính và khơi thông nguồn lực. Tỉnh đã đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, từ cải thiện quy hoạch, đất đai, xây dựng đến việc thúc đẩy các chương trình liên kết đào tạo nguồn nhân lực. Với quyết tâm của hệ thống chính trị, Ninh Thuận tin tưởng sẽ đạt được tốc độ tăng trưởng hai con số trong nhiệm kỳ tới. Tuy nhiên, tỉnh cũng kiến nghị Trung ương trao quyền tự chủ lớn hơn, nhằm triển khai các chính sách đặc thù phù hợp với thực tiễn địa phương.
Thời gian thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ Đại hội XIII của Đảng không còn nhiều. Đất nước đang đứng trước cơ hội lớn để vươn mình, nhưng thách thức cũng vô cùng to lớn. Phát huy những thành quả và kinh nghiệm từ đầu nhiệm kỳ, cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, các địa phương quyết liệt tăng tốc thực hiện các nhiệm vụ với nỗ lực, quyết tâm, tạo bước đột phá, sớm hiện thực hóa mục tiêu đưa đất nước vững bước tiến vào kỷ nguyên mới, phát triển thịnh vượng, phồn vinh và hùng cường.
Quyết liệt tăng tốc thực hiện các mục tiêu phát triển
Nguồn: https://nhandan.vn/bai-3-coi-trong-ung-dung-khoa-hoc-cong-nghe-va-doi-moi-sang-tao-post857242.html