Pháp lệnh gồm 6 chương, 32 điều, là văn bản quy phạm cao nhất tính đến hiện nay để thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước về gìn giữ lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và quản lý, bảo vệ Khu Di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Bộ trưởng Quốc phòng được quyết ngừng lễ viếng tại Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh
Điều 17 của pháp lệnh quy định, lễ viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên được tổ chức vào buổi sáng các ngày thứ 3, thứ 4, thứ 5, thứ bảy và chủ nhật. Thứ 2 và thứ sáu nghỉ viếng.
Đáng chú ý, pháp lệnh quy định, hằng năm không tổ chức lễ viếng 1 đợt từ 2 – 3 tháng để làm công tác y tế giữ gìn lâu dài thi hài Bác và bảo dưỡng định kỳ công trình Lăng, Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ. Thời gian cụ thể Bộ Quốc phòng báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định và thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Các trường hợp ngừng tổ chức lễ viếng khác do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quyết định theo đề nghị của Bộ Tư lệnh Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Pháp lệnh cũng quy định nhiệm vụ bảo đảm an ninh, an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh thuộc về Bộ Quốc phòng.
Cạnh đó, Bộ Quốc phòng ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy trình công nghệ giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Vẫn theo quy định tại pháp lệnh, nội dung kiểm tra, đánh giá thi hài của Chủ tịch Hồ Chí Minh gồm: kiểm tra, đánh giá thường xuyên hằng năm; định kỳ 10 năm hoặc đột xuất.
Hội đồng quốc gia kiểm tra, đánh giá trạng thái thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập. Hội đồng có nhiệm vụ kiểm tra, đánh giá trạng thái thi hài Bác theo quy định để kiến nghị, đề xuất với Thủ tướng về giải pháp khoa học và công nghệ trong giữ gìn lâu dài và bảo vệ tuyệt đối.

Thiếu tướng Phạm Hải Trung phát biểu
Trả lời câu hỏi của báo chí về việc Việt Nam tiếp nhận chuyển giao công nghệ bảo vệ thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh như thế nào, thiếu tướng Phạm Hải Trung, Tư lệnh Bộ Tư lệnh bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, cho biết từ năm 1969 khi thực hiện nhiệm vụ gìn giữ lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Bác, các chuyên gia Liên Xô đã sang trực tiếp giúp đỡ Nhà nước Việt Nam.
Năm 1992, khi Liên Xô không còn nữa, Ban Quản lý Lăng đã báo cáo với Đảng, Nhà nước, cho phép hợp tác trực tiếp với chuyên gia Nga. Các hoạt động hợp tác là huấn luyện, đào tạo cho các cán bộ, bác sĩ của chúng ta trong nhiệm vụ y tế, nhiệm vụ bảo đảm duy trì hệ thống trang thiết bị kỹ thuật.
“Trong vòng 30 năm, từ năm 1992 – 2022, lực lượng y tế của Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đảm nhiệm các nhiệm vụ y tế trong giữ gìn thi hài Bác. Điều này cũng được thực hiện trong đại dịch Covid-19, các chuyên gia Nga không sang được, toàn bộ nhiệm vụ giữ gìn thi hài Bác được thực hiện bởi các cán bộ y tế của Bộ Tư lệnh bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh”, thiếu tướng Phạm Hải Trung nói.
Theo thiếu tướng Phạm Hải Trung, về hóa chất, các trang thiết bị, Việt Nam đã được Nga chuyển giao công nghệ để làm chủ. Từ những chuyển giao đó thì tất cả các công tác được bảo đảm.
“Hiện nay, các chuyên gia của Nga vẫn tiếp tục hợp tác, cùng phối hợp với chúng ta trong nhiệm vụ y tế, nghiên cứu để phát triển, hoàn thiện quy trình y tế đối với giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh”, thiếu tướng Phạm Hải Trung nói.
Nguồn: https://thanhnien.vn/cong-bo-phap-lenh-quan-ly-bao-ve-khu-di-tich-lang-chu-tich-ho-chi-minh-185250403105602595.htm