LTS: TP.HCM là TP lớn nhất nước với hơn 1 triệu công nhân lao động, đa phần là người nhập cư. Từ năm 2008, UBND TP.HCM đã có Chỉ thị 03 yêu cầu các khu công nghiệp, khu chế xuất trên địa bàn xây dựng trường mầm non đáp ứng nhu cầu gửi con của công nhân song do nhiều nguyên nhân, đến nay vấn đề này vẫn là bài toán khó.
Nhiều phụ huynh đánh giá trường mầm non công lập trong các khu công nghiệp, khu chế xuất (KCX-KCN) là môi trường tốt, học phí hợp lý. Nhưng lý do họ không gửi con là cung – cầu không gặp nhau khi trường làm việc giờ hành chính, nghỉ thứ Bảy; công nhân (CN) làm ca và không nghỉ thứ Bảy.
“Điều kiện đến đâu mình lo đến đó”
Đợi chị hàng xóm cho con trai mình ăn tối xong, anh Đoàn Thanh Phong (quê Đồng Tháp) cảm ơn rồi bồng bé trai mới 14 tháng tuổi về phòng trọ cách đó vài bước chân.
Trong dãy trọ hơn 50 phòng, căn phòng nhỏ hẹp anh Phong thuê chỉ đủ chỗ trải chiếc nệm và đặt vài thứ đồ dùng.

Sau khi đặt con xuống, anh Phong cẩn thận kéo một khung sắt chắn ngang cửa ra vào. “Phải làm vậy mới đảm bảo an toàn chị ạ, bất cẩn một chút là bé ra ngoài lúc nào không hay…” – anh Phong vừa cười vừa giải thích.
Đồng hồ chỉ 20 giờ nhưng vợ anh Phong vẫn chưa đi làm về, anh chia sẻ: “Vợ tôi làm nail nguyên tuần, cả Chủ nhật, 21 giờ mới về nên giờ này chỉ có hai cha con chơi với nhau. Tôi ít tăng ca nên 17 giờ tan làm là về đón con, bữa nào tăng ca như hôm nay thì gửi bé thêm giờ”.
Theo anh Phong, do hai bên nội ngoại đều ở xa, không thể hỗ trợ nên vợ anh phải nghỉ việc ở nhà chăm con đến khi bé tròn một tuổi. Thời gian đó, anh phải một mình lo kiếm tiền gánh sinh hoạt cho cả gia đình.
“Chúng tôi tính gửi con ở trường mầm non công lập gần nhà nhưng trường không giữ thứ Bảy. May mắn, gần đây có chị hàng xóm ở nhà nội trợ đồng ý giữ bé. Chi phí 3 triệu đồng/tháng bao gồm ăn trưa, chiều, bữa nào kẹt quá chị chăm đến tối luôn” – anh Phong cho biết.

Còn chị Song Nguyễn (ngụ quận Bình Thạnh) phải vừa đi làm vừa ngược xuôi tìm chỗ gửi con. Sau khi chị hết thời gian nghỉ thai sản, mẹ chị ở quê có vào hỗ trợ chăm cháu vài tháng nhưng đến lúc bà cũng phải về.
“Gần đây trường công ít; trường tư thì nhận bé từ một tuổi trong khi con mình lại nhỏ quá; có vài nhóm trẻ nhưng không gian chật chội, bí bách… Cuối cùng, nhờ người quen giới thiệu, tôi quyết định sẽ gửi con cho một bác gái đang ở nhà trông cháu với chi phí 3 triệu đồng/tháng. Gửi con sớm cũng xót lắm song điều kiện đến đâu thì mình lo đến đó” – chị Song tâm sự.
Chỉ 15% trường công đáp ứng được nhu cầu
Theo khảo sát năm 2024 của Ban Nữ công Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tại năm địa phương có nhiều KCN-KCX là Hải Phòng, Hà Nội, Thái Nguyên, TP.HCM và Long An, tình trạng người lao động thường xuyên làm thêm giờ chiếm 18%, thỉnh thoảng phải làm thêm giờ khi có đơn hàng chiếm 48,5% và thời gian trung bình làm thêm giờ một tuần là 5-12 giờ.
Do phải đi làm thường xuyên nên 52,9% người lao động được khảo sát cho biết ít có thời gian gần con; 16,9% cảm thấy mệt mỏi khi làm việc.
Vấn đề thiếu trường lớp gần nơi ở, thiếu nhà trẻ và dịch vụ giữ trẻ ngoài giờ khiến nhiều gia đình CN phải loay hoay trong cân bằng giữa công việc và chăm sóc con cái. Riêng tại TP.HCM, chỉ 15% nhu cầu gửi con của CN được đáp ứng bởi các cơ sở công lập, 85% còn lại phụ thuộc vào các cơ sở ngoài công lập.
Có trường nhưng… “ló cái khó”
Tại TP.HCM, một số trường mầm non công lập đã được đầu tư xây dựng tại các KCX-KCN để đáp ứng nhu cầu gửi con của CN.
Đơn cử, Trường Mầm non Tân Tạo do KCN Tân Tạo (quận Bình Tân) xây dựng từ năm 2007, khi đó chỉ có sáu lớp và là trường cấp 4. Đến năm 2018, trường được UBND quận 7 xây dựng mới hoàn toàn, mở rộng.

“Trường có 212 trẻ nhưng chỉ 60 trẻ là con CN. Khu vực này CN đông nhưng họ chọn gửi con gần chỗ trọ để tiện đưa đón, lại có giữ trẻ ngoài giờ khi cha mẹ làm ca” – cô Nguyễn Thu Hiền, Hiệu trưởng nhà trường, chia sẻ.
Để CN yên tâm làm việc, Trường Mầm non KCX Tân Thuận (quận 7) đã được đầu tư và đi vào hoạt động từ tháng 9-2016. Cô Dương Thị Minh Hà, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết trường có 569 trẻ thì có đến 312 trẻ là con CN (chiếm 55%), còn lại là con em ở địa phương.
Được gửi con vào trường công là mơ ước nhưng nhiều phụ huynh không thể gửi con vào đây vì trường làm việc giờ hành chính, nghỉ thứ Bảy; công nhân làm ca và không nghỉ thứ Bảy.
“Trường này được xây dành riêng cho con CN. Tuy nhiên, sau dịch COVID-19, các công ty cắt giảm lao động nên số lượng CN về quê khá nhiều, số trẻ gửi tại đây cũng giảm theo” – cô Hà thông tin.

Cũng theo cô Hà, trường từng thí điểm giữ trẻ ngoài giờ từ tháng 3-2019 (từ 16 giờ 30 đến 17 giờ 30 các ngày trong tuần và thứ Bảy) nhưng đến tháng 4-2021 thì tạm dừng. Từ đó đến nay, trường không giữ trẻ ngoài giờ do vướng quy định “không được làm thêm giờ vượt quá 200 giờ/năm theo Bộ luật Lao động 2019”.
Được gửi con vào trường công là mơ ước nhưng nhiều phụ huynh không thể gửi con vào đây vì trường làm việc giờ hành chính, nghỉ thứ Bảy; CN làm ca và không nghỉ thứ Bảy.

Chị Nguyễn Kiều Oanh có con học tại Trường Mầm non KCX Tân Thuận tâm sự: “Chúng tôi thường phải tăng ca trong khi trường công không giữ trẻ ngoài giờ, thứ Bảy do vướng quy định. Những lúc đó vợ chồng tôi phải thay phiên nhau đón con, vài người kẹt quá đành xin không tăng ca trong khi CN chỉ có tăng ca mới mong tăng thêm thu nhập”.
Còn anh Nguyễn Sỹ Huyền (quê Nghệ An), CN một công ty chuyên sản xuất bạt nhựa, cũng cho hay vừa chuyển chỗ học cho con trai sau một năm học trường công sang mầm non tư thục.
“Tôi 17 giờ mới tan làm trong khi 16 giờ con đã tan học. Bởi vậy, ngoài tiền học chính khóa hơn 2 triệu đồng tôi phải nhờ đến dịch vụ đón con, thêm 800.000 đồng/tháng. Qua chỗ mới tiền học không hơn bao nhiêu nhưng giờ giấc linh hoạt, yên tâm chuyện con cái” – anh Huyền trần tình. •
Cần thiết có đề án nâng cao chất lượng giáo dục mầm non
Sáng 10-4, Bộ GD&ĐT tổ chức hội thảo tham vấn giải pháp xây dựng “Đề án nâng cao chất lượng giáo dục mầm non ở địa bàn đô thị, KCN giai đoạn 2025-2030, định hướng đến năm 2045”.
Theo Bộ GD&ĐT, các cơ sở giáo dục mầm non độc lập tư thục vẫn đang là lựa chọn của đa số CN nhập cư làm việc tại KCN do linh hoạt về thời gian nhận, trả trẻ, học phí phù hợp với nhu cầu của CN có thu nhập thấp, địa điểm gần nơi trọ của CN.
Công tác quy hoạch, phát triển cơ sở giáo dục mầm non chưa phù hợp với nhu cầu của CN, người lao động. Tỉ lệ trường mầm non công lập đạt 67,1% trên tổng số cơ sở giáo dục mầm non ở địa bàn có KCN nhưng hoạt động lại chưa phù hợp với nhu cầu đón sớm, trả muộn theo giờ làm việc của CN. Một số trường quy hoạch ở khu vực xa nơi ở của CN, không thuận tiện đưa đón trẻ…
Bên cạnh đó, hệ thống trường mầm non còn hạn chế về năng lực tiếp nhận trẻ nhà trẻ (3-36 tháng tuổi) trong khi phần lớn CN là lao động nhập cư có nhu cầu cao về gửi trẻ nhà trẻ, đặc biệt là trẻ từ 12 đến dưới 24 tháng tuổi. Từ các vấn đề trên cho thấy cần thiết ban hành “Đề án nâng cao chất lượng giáo dục mầm non ở địa bàn đô thị, KCN”.
Kỳ tới:
Chính quyền cùng doanh nghiệp chung tay giải bài toán khó

Nguồn: https://plo.vn/cong-nhan-loay-hoay-tim-cho-gui-con-post843714.html