Lúc tôi nhìn ra buổi sáng một ngày giữa tháng 2 sau khi đọc lại truyện Love Story của Erich Segal, câu chuyện tình huyền thoại của thập niên 1970 dậy lên quá nhiều cảm xúc.
Lúc ấy, cây mai già tôi đặt ở góc nhà chợt bung 3 đóa vàng rực. Đã vừa qua rằm tháng giêng, nguyên tiêu còn phảng phất phố phường. Hình dung như mùa xuân của đôi trai gái trong tác phẩm Love Story của Erich Segal vẫn còn mãi, dù đã trải qua hơn nửa thế kỷ. Và đấy cũng là cội nguồn của một bản nhạc mà tôi vô cùng yêu thích từ ngày còn trẻ.
![‘Cuộc tình quý giá như những ngọc ngà’- Ảnh 1. ‘Cuộc tình quý giá như những ngọc ngà’- Ảnh 1.](https://baolacai.net/wp-content/uploads/2025/02/‘Cuoc-tinh-quy-gia-nhu-nhung-ngoc-nga.jpg)
Bìa bản nhạc Chuyện tình của Phạm Duy (do Nguồn sống ấn hành năm 1971)
Love Story, dịch ra tiếng Việt là Chuyện tình, ban đầu là từ một cuốn tiểu thuyết, được chuyển thể kịch bản sang bộ phim ăn khách một thời. Bản nhạc của bộ phim ấy do Francis Lai viết, cũng lấy tên của tựa phim, là nhạc phẩm đã đoạt giải Oscar, trong số 7 đề cử Oscar cho riêng bộ phim này.
Nhưng để biết hành trình của truyện, của phim và của nhạc đạt đến đỉnh cao của sự lay động lòng người, cũng cần nhắc đến chuyện tình thơ mộng và đau đớn khiến cho quyển sách của Erich Segal tạo ra niềm cảm hứng vô bờ cho đạo diễn Arthur Hiller khi quyết định đưa lên màn ảnh rộng thuở ấy.
Oliver Barrett là một sinh viên khoa luật Đại học Harvard (Mỹ), tình cờ quen nàng Jenny Cavilleri, một nữ sinh viên ưu tú khoa nhạc Trường cao đẳng Radeliffe. Nàng, theo mô tả trong truyện của Erich Segal là “đẹp và vô cùng thông minh, yêu Mozart và Bach, yêu nhóm Beatles”. Họ gặp nhau lần đầu trong một lần đến thư viện và tiếp theo là ở trận khúc côn cầu mà chàng là cầu thủ khá nổi tiếng, và nàng đến để cổ vũ, rồi từ đó chuyện tình nảy nở…
Họ yêu nhau đắm say, quyết định xin gia đình làm lễ thành hôn sau khi tốt nghiệp và sống những tháng ngày gian khó bên nhau. Chàng phải đi tìm việc làm thêm, nàng đi dạy nhạc với đồng lương ít ỏi. Mặc dù bố của Oliver là một doanh nhân giàu có, nhưng Oliver từ chối mọi sự trợ cấp vì giữa hai cha con có những điểm không tương đồng khi ông nhìn chuyện tình của Oliver và Jenny ở góc độ “môn đăng hộ đối”, bởi Jenny là con của một người thợ làm bánh.
Đến một ngày, khi Jenny 24 tuổi, lúc Oliver đã trở thành luật sư của một hãng luật danh tiếng với mức lương 18.900 USD/năm (thời ấy), họ mong muốn sinh đứa con mà đôi vợ chồng đã giao ước đặt tên là Bozo Oliver. Mọi nỗ lực bất thành, nên cả hai đi khám. Kết quả xét nghiệm của Jenny khiến Oliver sững sờ: nàng mắc một chứng bệnh bạch cầu, không thể sống được. Kể từ đó, Oliver đã có những tháng ngày đau khổ, nghẹn ngào nuốt nỗi buồn vào trong để chăm sóc Jenny cho đến lúc nàng ra đi, với một vòng tay ôm chặt và dư vọng câu nói bất hủ của nàng: “Yêu là không bao giờ để mình phải nói câu ân hận!”.
![‘Cuộc tình quý giá như những ngọc ngà’- Ảnh 2. ‘Cuộc tình quý giá như những ngọc ngà’- Ảnh 2.](https://baolacai.net/wp-content/uploads/2025/02/1739425866_852_‘Cuoc-tinh-quy-gia-nhu-nhung-ngoc-nga.jpg)
![‘Cuộc tình quý giá như những ngọc ngà’- Ảnh 3. ‘Cuộc tình quý giá như những ngọc ngà’- Ảnh 3.](https://baolacai.net/wp-content/uploads/2025/02/1739425866_178_‘Cuoc-tinh-quy-gia-nhu-nhung-ngoc-nga.jpg)
Bản nhạc Chuyện tình của Phạm Duy chuyển ngữ
Thực ra, bản nhạc Love Story nguyên tác trong phim sau đó có 2 bản đặt lời Việt của 2 nhạc sĩ là Phạm Duy và Ngọc Chánh. Ngoài Ngọc Lan – nữ ca sĩ hải ngoại có giọng hát trong veo nhưng yểu mệnh – thỉnh thoảng diễn tả rất hay bản của Ngọc Chánh; thì hầu hết các ca sĩ thời trước hay cho đến sau này vẫn thường hát bản của Phạm Duy, một bản chuyển ngữ xuất thần khó ai chê nổi.
Lần theo quyển hồi ký Dòng đời của ca sĩ Elvis Phương, một nam danh ca nổi tiếng từng đạt giải Kim khánh trước 1975 với nhiều bản nhạc trẻ của nhóm Phượng Hoàng, tôi đã đọc thấy (và nghe thấy) Elvis Phương đã thu âm bản nhạc này ở đĩa nhạc Shotguns 26 vào năm 1971. Ở bản thu này, với kỹ thuật phối khí khá kinh điển – chỉ có vài nhạc cụ điện tử như guitar lead, guitar bass, trống và organ – của hơn nửa thế kỷ trước, vẫn nghe da diết, với giọng huýt sáo kết bài quen thuộc và không lẫn vào đâu được của nam danh ca này.
![‘Cuộc tình quý giá như những ngọc ngà’- Ảnh 4. ‘Cuộc tình quý giá như những ngọc ngà’- Ảnh 4.](https://baolacai.net/wp-content/uploads/2025/02/1739425867_748_‘Cuoc-tinh-quy-gia-nhu-nhung-ngoc-nga.jpg)
Nam danh ca Elvis Phương (chụp lại từ quyển hồi ký Dòng đời của Elvis Phương)
Trong quyển Dòng đời (do Phương Nam Book phối hợp với NXB Thế giới ấn hành tháng 6.2023), Elvis Phương có nhắc một đoạn, trong đó có câu vắn tắt về nhạc ngoại quốc lời Việt, có Love Story: “Thời gian dài cộng tác với Shotguns trong biệt đoàn văn nghệ song song với những buổi trình diễn tại vũ trường Queen Bee và phòng trà Quốc tế đã lưu lại trong tôi nhiều kỷ niệm, vì đó cũng là thời kỳ tên tuổi tôi nổi tiếng với những nhạc phẩm Việt Nam như: Lời cuối cho em, Lần tiễn đưa cuối cùng, Về đây nghe em, Tiếng hát sông Lô, Người vợ nghèo, Chia phôi, Chờ người, Duyên kiếp, Những bước chân âm thầm… cùng rất nhiều nhạc phẩm dành cho giới trẻ của nhóm Phượng Hoàng, đó là chưa kể tới những nhạc phẩm ngoại quốc lời Việt như: Godfather, Aline, Main Dans La Main, Lady Belle, Love Story…”.
Chỉ bấy nhiêu, nhưng có lẽ về sau này, nghe Duy Quang hoặc nhiều ca sĩ trẻ hơn các thế hệ sau hát bản này, riêng tôi vẫn thấy thấm thía chuyện tình trong tiếng hát vút lên đoạn cao trào của Elvis Phương, hơn cả: “Thôi hết cuộc đời im tiếng/Đời lẻ loi đã tan/ta đã được nàng/Làm gì còn tiếng than/nắm đôi tay thiên thần/Đi hết mùa xuân…”. Để rồi, khi gần kết lại bản nhạc, ca từ của người nhạc sĩ tài hoa Phạm Duy vẫn cứ còn là một dấu hỏi: “Sẽ còn được biết mấy?/Một đời luyến ái, yêu sẽ lâu dài hoặc là quá ngắn?”.
Chợt nhớ lại cái kết trong truyện của Erich Segal, tác giả viết một đoạn đối thoại và cả độc thoại (nguyên văn) khi bố của Oliver nghe tin con dâu chết, đã chạy bổ đến gặp con trai. Và đoạn này do Oliver kể lại:
“- Jenny chết rồi!
– Ba rất ân hận – giọng ông khẽ khàng, bàng hoàng.
Không hiểu sao, tôi bất giác nhắc lại câu nói đã học được từ lâu của một người con gái xinh đẹp, nay đã chết.
– Yêu là không bao giờ để mình phải nói câu ân hận.
Thế rồi, tôi lại làm cái điều tôi chưa từng bao giờ làm trước mặt ông, càng chưa bao giờ làm trong cánh tay ông. Tôi khóc”.
Đọc hết đoạn văn kết thúc truyện, tự dưng lý giải được phần nào dấu hỏi ấy, dù một cách hơi mơ hồ, ở các câu chuyển ngữ cuối của bản nhạc từ ngòi bút của Phạm Duy. Ông đã thấm thía và tôn vinh sự tồn tại của một tình yêu, dù cho người trong cuộc tình ấy đã không còn nữa: “Nhưng vẫn cho rằng cuộc đời có hết/loài người có chết/Sao sáng trên đời ngày nào sẽ tắt/em vẫn gần ta…”.
Có lẽ, với thông điệp tình yêu vĩnh cửu nên bản nhạc phim Love Story vẫn sống mãi với nhân loại. Và biết bao thế hệ người Việt vẫn say đắm lòng mình khi nghe các ca sĩ cất lời trên khung nhạc, lúc nét giọng “chạm” đến với bản dịch thần tình của nhạc sĩ Phạm Duy!
Sài Gòn, mùa Valentine 2025
Nguồn: https://thanhnien.vn/cuoc-tinh-quy-gia-nhu-nhung-ngoc-nga-185250212202745499.htm