Làm sao để giữ được lối sống lành mạnh dịp quá tải tiệc này?
Dư thừa năng lượng, quá tải rượu bia
Hơn một tuần qua, anh Bùi Văn Thắng (32 tuổi, Hà Nội) thường “cắt cơm” nhà để dự tiệc cuối năm. Anh chia sẻ ngoài tiệc cuối năm của công ty thì còn tiệc cuối năm của nhóm bạn bè, đội bóng, họ hàng… và lịch trình tiệc tất niên của anh còn kéo dài đến 29 Tết.
Anh Thắng nói dù những bữa tiệc cuối năm đem lại niềm vui, xả stress, nhưng do bị bệnh gout và đau dạ dày khiến anh cảm thấy sức khỏe những ngày này giảm sút.
“Bình thường ở nhà tôi hạn chế đồ ăn cay, nóng, thức ăn giàu đạm…, nhưng trong bữa tiệc thì rất khó để kiêng. Bởi vậy vài ngày nay những mấu gout ở chân bắt đầu lên, tôi phải uống thuốc giảm đau để cầm cự. Vì công việc, mối quan hệ nên cũng khó để từ chối những cuộc vui như vậy.
Còn anh Bình (40 tuổi, Hà Nội) cũng chìm vào rượu bia suốt một tuần qua. Chưa có bệnh lý nền nên anh Bình khá thoải mái trong việc uống rượu bia trong những cuộc vui.
“Ngày tôi vẫn đi làm ở công ty, còn tối thì “lên kèo” tất niên cùng bạn bè, đối tác. Vì uống nhiều rượu bia nên mỗi sáng dậy tôi thấy rất mệt, thậm chí không muốn đi làm, người luôn uể oải. Dù vậy nhưng cũng không biết làm cách nào vì cả năm mới có một dịp để gặp gỡ mọi người”, anh Bình nói.
Dịp cuối năm, những bữa tiệc gặp gỡ với mong muốn cùng nhau nhìn lại một năm vừa qua, tri ân những người đã giúp đỡ hay đơn giản là gặp mặt nhau sau thời gian dài, thế nhưng nhiều người lo lắng về sức khỏe.
Nhóm thực phẩm nào cần lưu ý trong tiệc cuối năm?
Theo bác sĩ Nguyễn Trọng Hưng – Viện Dinh dưỡng quốc gia, đối với các bữa tất niên, thực đơn hầu hết là các món giàu đạm, giàu chất béo nên năng lượng từ bữa tiệc có thể cao gấp nhiều lần so với nhu cầu, ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe.
“Việc ăn uống dư thừa chất béo làm tăng triglycerid máu, tăng cholesterol toàn phần và cholesterol tỉ trọng thấp (LDL – cholesterol). Đây là những tác nhân làm tăng nguy cơ bệnh tim mạch như xơ vữa động mạch, cao huyết áp, bệnh mạch vành.
Đặc biệt, đối với những người đã có sẵn các bệnh nền như tăng huyết áp, tim mạch, tiểu đường, việc ăn uống quá độ sẽ khiến tình trạng bệnh diễn biến nặng nề hơn. Vì vậy, những người có bệnh nền cần chú ý hạn chế các nhóm thực phẩm, tránh gây ảnh hưởng đến sức khỏe”, bác sĩ Hưng cho hay.
Còn bác sĩ Nguyễn Thị Lâm, nguyên phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia, cho rằng một trong những “thảm họa” của tiệc cuối năm đó là việc sử dụng rượu bia quá đà. Trong đó, hệ lụy dễ thấy nhất ngay sau khi lạm dụng rượu bia đó là những chất kích thích có thể gây rối loạn tâm thần, hoang tưởng.
Đặc biệt, việc sử dụng rượu bia lâu ngày sẽ làm suy yếu hệ miễn dịch, giảm sức đề kháng của cơ thể. Uống quá nhiều rượu sẽ sinh ra các bệnh liên quan đến gan, thoái hóa hệ thần kinh, nhiễm độc, bệnh dạ dày và bệnh tim.
Tổ chức Y tế thế giới khuyến nghị rằng nếu uống rượu bia chỉ nên uống ở mức vừa phải: nam giới không quá 3 đơn vị rượu/ngày, nữ giới không quá 2 đơn vị rượu/ngày. Để tránh vượt quá giới hạn an toàn của sức khỏe, cần phải biết uống một cách điều độ.
Kiểm soát bản thân trong mùa tiệc
Theo các bác sĩ, điều quan trọng nhất để giữ sức khỏe trong bữa tiệc đó là phải kiểm soát bản thân. Mỗi người có một nền tảng sức khỏe khác nhau, có thể có những bệnh lý nền khác nhau. Bởi vậy, chỉ có bản thân mới hiểu rõ tình trạng sức khỏe của mình và kiểm soát để không gây hại đến sức khỏe.
Bác sĩ Hưng cũng khuyến cáo đối với những người đang mắc các bệnh lý tăng huyết áp, tiểu đường, tim mạch, gout… cần chú ý ăn kiêng theo chế độ dinh dưỡng bác sĩ khuyến cáo. Trong bữa tiệc hãy lựa chọn các đồ ăn mình có thể ăn được.
Đối với những người bình thường, không có bệnh lý nền thì nên tăng cường đa dạng các loại thực phẩm trong bữa tiệc. Nên tăng cường rau xanh, trái cây, ăn đủ nhóm dinh dưỡng, không nên ăn quá no, quá nhiều.
Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng khuyến cáo khi dự tiệc không nên quá tập trung vào việc ăn uống mà có thể giao lưu, nói chuyện. Điều này khiến bạn ăn ít đi và còn giúp tiêu hao năng lượng.
Bạn cũng không nên để bụng đói trước khi tham gia bữa tiệc bởi khi đói bạn sẽ không kiểm soát được việc ăn uống, dẫn đến ăn quá nhiều. Ngoài ra, bạn cũng cần duy trì tập luyện thể dục thể thao để giúp cơ thể tiêu hao năng lượng dư thừa và tăng cường sức đề kháng.
Mẹo tránh say xỉn trong mùa tiệc
Chia sẻ về kinh nghiệm của bản thân khi uống rượu bia tại các bữa tiệc, anh Thành (35 tuổi, Hà Nội) cho hay khoảng 5 năm nay anh đã không say xỉn trong những bữa tiệc cuối năm. “Thực tế, hiện nay trong những bữa tiệc mọi người cũng đã cư xử khá văn minh khi mời rượu. Tất nhiên, theo văn hóa xã giao của người Việt vẫn cần chén rượu để không khí vui vẻ hơn.
Nhưng bạn có thể uống 2-3 chén đầu, sau đó “nhấp môi” và xin phép không uống được. Hoặc có thể tự đi xe đến để có “cớ” không sử dụng rượu bia vì còn phải lái xe về. Thực tế tôi nghĩ rằng nếu kiểm soát được bản thân thì có thể làm được”, anh Thành bày tỏ.
Bên cạnh đó, nhiều người cho rằng cuối năm thay vì tổ chức tiệc ăn uống, những nhóm bạn, đối tác có thể hẹn uống nước, vừa giảm chi phí cho những bữa tiệc vừa tốt cho sức khỏe.
Nguồn: https://tuoitre.vn/cuoi-nam-tiec-tung-lien-mien-giu-suc-khoe-ra-sao-20250120075045405.htm