Sáng nay 14-1, phiên toà xét xử cựu chủ tịch Hội đồng thành viên Nhà xuất bản (NXB) Giáo dục Việt Nam Nguyễn Đức Thái cùng các đồng phạm bước vào phần thẩm vấn.
Theo cáo trạng, việc mua giấy in sách giáo dục là hoạt động thường xuyên của NXB Giáo dục, sử dụng nguồn vốn sản xuất kinh doanh. Trước năm 2017, đơn vị này đều áp dụng hình thức “chào giá”.
Theo cáo buộc, từ năm 2017, Nguyễn Đức Thái được bổ nhiệm là Chủ tịch HĐTV kiêm đại diện pháp luật của NXB Giáo dục, có quyền quyết định trong việc mua sắm giấy in phục vụ in sách giáo dục. Trên cương vị này, cựu chủ tịch NXB bị cáo buộc đã chỉ đạo lựa chọn mua giấy in theo phương thức chào hàng cạnh tranh rút gọn trái quy định nhằm hạn chế sự tham gia của các nhà thầu có năng lực.
Trong quá trình thực hiện các gói thầu được giao với tổng giá trị hơn 452 tỉ đồng, bị cáo Thái đã nhận hối lộ của hai nhà thầu Phùng Vĩnh Hưng và Minh Cường Phát tổng số tiền 24,9 tỉ đồng.
Tại toà, bị cáo Nguyễn Đức Thái khai “chỉ đồng ý chủ trương” cho các công ty Phùng Vĩnh Hưng và Minh Cường Phát tham gia thầu cung cấp giấy in. Bị cáo không chỉ đạo trực tiếp các nhân viên phải cho 2 doanh nghiệp “trúng thầu”.
Tuy vậy, bị cáo Nguyễn Đức Thái thừa nhận cung cấp các thông tin như số lượng giấy in hằng năm NXB Giáo dục mua, chủng loại hàng hóa… Hành vi này giúp các doanh nghiệp có thể biết trước “đề bài” và từ đó trúng thầu các gói.
Cựu chủ tịch NXB Giáo dục cho biết khi lên chức Chủ tịch NXB Giáo dục năm 2017, được Ban chỉ đạo mua sắm tư vấn thực hiện theo phương thức rút gọn, thay vì đấu thầu. Lúc đó, bị cáo này thấy đúng Luật Đấu thầu nên quyết định làm theo cách chào hàng cạnh tranh rút gọn “song quá trình điều tra mới biết mình làm như vậy là sai”.
Về hành vi nhận hối lộ của 2 doanh nghiệp, bị cáo Nguyễn Đức Thái khẳng định việc số tiền trên do tự doanh nghiệp tặng, cựu chủ tịch NXB Giáo dục không đòi hỏi, không thỏa thuận gì và nó chỉ diễn ra sau khi trúng thầu. Số tiền này đều đã chi tiêu cá nhân và cam kết sẽ nộp khắc phục toàn bộ.
Cũng trình bày tại tòa, bị cáo Nguyễn Trí Minh, Giám đốc Công ty Minh Cường Phát, khẳng định lời khai trên, cho hay không bị ép buộc hay thỏa thuận việc đưa tiền “cảm ơn” tới lãnh đạo NXB Giáo dục. Sau khi trúng thầu sẽ trừ đi các chi phí, yêu cầu kế toán báo cáo lợi nhuận và từ đó, “cắt lại” một phần mang đi “cảm ơn”.
“Chỉ là làm ăn có lãi nên biếu quà và không thỏa thuận gì với bên nhận. Bị cáo không nghĩ hành vi này phạm tội, sau được viện kiểm sát, các luật sư giải thích mới nhận thức được”- bị cáo nêu suy nghĩ về nhận thức vi phạm của mình song bị cáo cũng thừa nhận nếu không có người giúp đỡ thì không thể trúng được thầu.
Nguồn: https://nld.com.vn/cuu-chu-tich-nxb-giao-duc-noi-so-tien-gan-25-ti-dong-la-doanh-nghiep-tang-sau-khi-trung-thau-196250114125459691.htm