Sáng 12-2, tại kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội đã nghe tờ trình, báo cáo thẩm tra và thảo luận tại tổ về dự án Luật Ban hành văn bản Quy phạm pháp luật (sửa đổi).
Trình bày tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh cho hay thực hiện việc thể chế hóa chủ trương đổi mới tư duy xây dựng pháp luật, dự thảo Luật bố cục gồm 8 chương, 72 điều. Như vậy, dự thảo trình Quốc hội lần này đã giảm 9 chương, tương ứng với 53% số chương; 101 điều, tương ứng với 58,4% số điều so với Luật năm 2015.
Rút ngắn thời gian ban hành luật
Bộ trưởng Bộ Tư pháp sau đó nêu bảy vấn đề đổi mới quan trọng, mang tính đột phá của dự thảo, trong đó có việc đổi mới quy trình xây dựng, ban hành văn bản QPPL.
Cụ thể, dự thảo Luật trình Quốc hội đã sửa đổi, bổ sung quy định xây dựng, ban hành văn bản QPPL theo trình tự, thủ tục rút gọn ở bất kỳ bước nào của cả quá trình xây dựng chính sách và quy trình soạn thảo, đề cao tính tự quyết định, chịu trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan soạn thảo.
![Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh. Ảnh: PHẠM THẮNG ong-Nguyen-Hai-Ninh.jpg](https://baolacai.net/wp-content/uploads/2025/02/Dai-bieu-Quoc-hoi-Moi-thay-doi-ve-quy-trinh.webp.webp)
Ông Nguyễn Hải Ninh cho biết với quy trình này, có thể rút ngắn thời gian ban hành luật có thể từ 22 tháng xuống còn 10 tháng. Thời gian để xây dựng, ban hành theo trình tự, thủ tục rút gọn chỉ khoảng 1- 2 tháng, giảm được 6-8 tháng.
Theo dự thảo, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua dự thảo luật, nghị quyết tại một kỳ họp. Trường hợp dự thảo chưa được thông qua, Quốc hội xem xét, quyết định lùi thời điểm thông qua để tiếp tục hoàn thiện, trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp tiếp theo hoặc trình lại.
Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết Ủy ban này cơ bản tán thành với định hướng các dự án luật, nghị quyết về nguyên tắc sẽ được xem xét, thông qua trong một kỳ họp nhằm đẩy nhanh tiến độ ban hành nhưng vẫn bảo đảm chất lượng của văn bản.
![Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng. Ảnh: PHẠM THẮNG ong-Hoang-Thanh-Tung.jpg](https://baolacai.net/wp-content/uploads/2025/02/1739340269_555_Dai-bieu-Quoc-hoi-Moi-thay-doi-ve-quy-trinh.webp.webp)
Quy định như dự thảo, theo cơ quan thẩm tra, đã thể hiện được trách nhiệm “đến cùng” của cơ quan trình dự án, trách nhiệm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội đối với việc xem xét, cho ý kiến, chỉ đạo công tác tiếp thu, chỉnh lý dự thảo văn bản để báo cáo Quốc hội xem xét, cho ý kiến, thông qua đối với dự thảo luật, nghị quyết…
‘Mọi thay đổi về quy trình soạn luật luôn có tính hai mặt’
Nêu ý kiến tại tổ, đại biểu Quốc hội Hà Sỹ Đồng (đoàn Quảng Trị) ghi nhận dự thảo Luật trình Quốc hội lần này có hai thay đổi lớn. Một trong số đó là sự linh hoạt trong quá trình soạn thảo, rút ngắn nhiều khoảng thời gian để có thể đẩy nhanh tiến độ ra quyết sách.
“Mọi thay đổi về quy trình soạn luật luôn có tính hai mặt” – ông Hà Sỹ Đồng nói và cho rằng mặt được, đương nhiên là đẩy nhanh tốc độ ra quyết định.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị nhận xét ở các nước khác trên thế giới, quá trình soạn thảo luật của Quốc hội rất linh hoạt. Miễn là chỉ cần Quốc hội bỏ phiếu thông qua là được, còn các quy trình thủ tục trước đó không quá quan trọng.
![ĐBQH Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị). Ảnh: PHẠM THẮNG Đại biểu Quốc hội: 'Mọi thay đổi về quy trình soạn luật luôn có tính hai mặt'](https://baolacai.net/wp-content/uploads/2025/02/Dai-bieu-Quoc-hoi-Moi-thay-doi-ve-quy-trinh.webp)
Dù vậy, theo ông Hà Sỹ Đồng, điều này đi kèm với hai điều kiện khác. Một là, để Quốc hội thông qua luật không dễ, các phiếu biểu quyết hay các phát biểu của nghị sĩ đều công khai. Hai là, các cơ chế kiểm soát chất lượng luật sau khi ban hành như toà án hiến pháp, cho phép khởi kiện một quy định là vi hiến hay trái văn bản cấp trên.
“Việc cho phép linh hoạt quá trình soạn luật tại Việt Nam khi chưa có các điều kiện trên là tương đối rủi ro” – ông Hà Sỹ Đồng nhận xét.
Theo ông, ‘mặt mất’ là rủi ro chất lượng văn bản pháp luật sẽ thấp và chất lượng thấp thì kéo theo một số mấy rủi ro khác.
“Khi văn bản luật ban hành ra sẽ lại có nhiều vướng mắc thực thi do quy định chưa hết các trường hợp hoặc ngôn từ chưa minh bạch. Chưa đánh giá kỹ tác động nên đưa ra quyết định cực đoan. Làm gấp nên người dân và doanh nghiệp không có thời gian chuẩn bị thích ứng, gây xáo trộn sản xuất, thương mại, đời sống” – ông Hà Sỹ Đồng lo ngại.
Đại biểu Quốc hội đoàn Quảng Trị cũng nhận xét “gần đây có hiện tượng lạm dụng thủ tục rút gọn”. Ông dẫn chứng năm 2025 này, Chính phủ dự định xem xét ban hành khoảng 130 văn bản thì cho phép đến 69 văn bản trong đó được thực hiện thủ tục rút gọn.
“Thủ tục rút gọn thì gần như chỉ có soạn, trình và ký. Việc đăng tải hay lấy ý kiến chỉ là tuỳ từng trường hợp mà không bắt buộc” – ông Hà Sỹ Đồng nói và đề nghị có thể không có thời gian lấy ý kiến nhưng vẫn phải đăng tải công khai dự thảo.
“Không cần đăng 20 ngày như văn bản khác, đăng tải một ngày cũng được. Quan trọng là hồ sơ đó được lưu” – vẫn lời ông Hà Sỹ Đồng.
‘Chuyển vai’ nhiều về cho Chính phủ
Một thay đổi lớn khác trong dự thảo, theo đánh giá của đại biểu Quốc hội Hà Sỹ Đồng, là “chuyển vai nhiều về cho Chính phủ”. Quốc hội sẽ chỉ thông qua hoặc không thông qua luật; nội dung luật sẽ là luật khung, luật ống còn chi tiết thì Chính phủ làm.
Ông Hà Sỹ Đồng nhận xét việc này có thể được coi là một hình thức để linh hoạt hoá quá trình soạn thảo quy định, bởi quy trình xây dựng Nghị định linh hoạt hơn so với làm luật.
Theo ông, người dân và doanh nghiệp thường cũng không quá quan tâm xem quy định ở cấp luật hay nghị định hay thông tư nhưng quy trình tham vấn sẽ thay đổi nên ý chí phản ánh sẽ khác.
Đối với luật, đại biểu Quốc hội thường chịu khó lắng nghe dư luận nhiều hơn so với các bộ ngành. Do đó, việc chuyển vai cho Chính phủ đồng nghĩa với việc tiếng nói của dư luận qua các kênh báo chí, mạng xã hội sẽ kém hơn.
Mặt khác, việc rút ngắn các thời gian lấy ý kiến, tham vấn, đăng tải công khai làm giảm cơ hội tham gia ý kiến. Và việc cho phép áp dụng thủ tục rút gọn cũng làm giảm cơ hội tham gia ý kiến. Thủ tục rút gọn thậm chí cho phép không tham vấn ý kiến.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị kiến nghị vấn đề đăng tải công khai và lấy ý kiến cần làm kỹ để bổ khuyết lại cho những rủi ro của quy trình linh hoạt.
![Đại biểu Quốc hội: 'Mọi thay đổi về quy trình soạn luật luôn có tính hai mặt' 1 Nhiều đề xuất mới hướng tới sửa đổi quy trình lập pháp](https://baolacai.net/wp-content/uploads/2025/02/1739340270_526_Dai-bieu-Quoc-hoi-Moi-thay-doi-ve-quy-trinh.webp.webp)
Nguồn: https://plo.vn/dai-bieu-quoc-hoi-moi-thay-doi-ve-quy-trinh-soan-luat-luon-co-tinh-hai-mat-post833907.html