Bệnh tim mạch, đái tháo đường, ung thư… đều gia tăng
Việt Nam cũng như các nước trên thế giới đang phải đối mặt với gánh nặng bệnh tật, tỷ lệ tử vong cao do sự gia tăng của các bệnh không lây nhiễm (như ung thư, tim mạch, đột quỵ, đái tháo đường…).
Các bệnh này đang là nguyên nhân trực tiếp gây nên tình trạng quá tải bệnh viện, gia tăng nghèo đói và áp lực lên sự phát triển kinh tế, xã hội.
Ở nước ta, bệnh không lây nhiễm chiếm khoảng 70% số ca tử vong, trong đó 41% số ca tử vong xảy ra trước 70 tuổi.
Trong đó, “đại dịch” đái tháo đường làm số lượng người mắc bệnh tăng chóng mặt.
Điều tra quốc gia trên quy mô toàn quốc ở lứa tuổi 30-69 tuổi, năm 2002 có khoảng 2,3% dân số mắc đái tháo đường. 10 năm sau tỷ lệ này tăng lên 5,4% và kết quả điều tra mới nhất năm 2021, tỷ lệ này là 7,1%. Theo đó, ở Việt Nam có khoảng 5 triệu người mắc đái tháo đường.
Thông tin gây chú ý là trong số những người mắc bệnh đái tháo đường, chỉ có khoảng 50% được chẩn đoán, điều trị. Trong tổng số bệnh nhân đái tháo đường được điều trị, lại chỉ có 30% là có sự điều trị thực sự chất lượng.
Chính điều này đã dẫn đến một tỷ lệ rất cao, có đến 50% bệnh nhân đái tháo đường lúc phát hiện ra bệnh, đã có biến chứng tim mạch.
“Trong năm 2023, Quỹ Bảo hiểm y tế Hà Nội chi khoảng 1.000 tỷ đồng điều trị bệnh lý này cho người dân. Tuy nhiên, đây chỉ là phần nổi của tảng băng chìm.
Thực tế, nhiều bệnh nhân đái tháo đường phải mua thêm thuốc ở bên ngoài, nhiều người mắc bệnh đái tháo đường nhưng không biết mình mắc bệnh”, TS.BS Nguyễn Đình Hưng, Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế Hà Nội cho biết.
Tương tự, xu hướng chung của Việt Nam và thế giới là đều gia tăng số ca mắc ung thư. Ước tính trong năm 2024, Việt Nam có khoảng 200.000 ca mắc ung thư mới, với gần 140.000 ca tử vong. Trong khi con số mắc mới vào năm 2000 chỉ là gần 69.000, năm 2010 là khoảng 127.000.
Bên cạnh đái tháo đường hay ung thư, bệnh tim mạch cũng là một trong những bệnh không lây nhiễm đáng báo động hiện nay. Bệnh tim mạch là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu cho nhân loại, thậm chí cao hơn ung thư. Diễn biến âm thầm chính là điều làm nên sự nguy hiểm của bệnh.
Tại Bệnh viện Tim Hà Nội, số ca mắc bệnh tim mạch đang gia tăng trung bình mỗi năm khoảng 10-20% và ngày càng trẻ hóa. Các bác sĩ đã tiếp nhận cấp cứu nhiều trường hợp bị nhồi máu cơ tim ở độ tuổi trước 40.
Những con số trên đang dấy lên hồi chuông cấp thiết cần có một đạo luật để giúp ngăn ngừa sự gia tăng của các bệnh không lây nhiễm, góp phần giảm gánh nặng bệnh tật quốc gia.
Luật toàn diện về phòng bệnh: Không chỉ cần thiết mà còn cấp thiết
Một cơ sở pháp lý vững chắc cho vấn đề phòng bệnh là mong mỏi của toàn hệ thống y tế. Những chính sách chăm sóc sức khỏe toàn diện là nhu cầu, kỳ vọng và quyền lợi của mỗi người dân.
Với thực trạng và gánh nặng bệnh tật hiện tại, cùng những hạn chế và thiếu hụt trong luật pháp hiện hành, đã đến lúc Việt Nam cần sớm có một đạo luật toàn diện để khắc phục những hạn chế của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm hiện nay.
Đồng thời, nó cũng bao phủ quản lý toàn diện sức khỏe cộng đồng và nâng cao chất lượng sống, tuổi thọ của người dân.
Bằng việc đề xuất xây dựng Luật Phòng bệnh, Bộ Y tế hướng tới việc quản lý toàn diện sức khỏe, không chỉ tập trung vào bệnh truyền nhiễm, mà còn bao gồm các vấn đề như dinh dưỡng, sức khỏe tâm thần, bệnh không lây nhiễm. Bộ Y tế cũng kỳ vọng Luật Phòng bệnh được sớm xem xét và ban hành trong năm nay.
Chia sẻ với phóng viên, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), nêu quan điểm, chúng ta đã có Luật Khám bệnh, chữa bệnh thì cũng cần có Luật Phòng bệnh để cân đối.
“Các cụ xưa vẫn có câu “phòng bệnh hơn chữa bệnh”, làm sao để người dân sống thọ, sống khỏe. Phòng bệnh không chỉ giải quyết phòng bệnh truyền nhiễm mà giải quyết thêm về bệnh không lây nhiễm mà trước đó chưa có luật nào điều chỉnh để nâng cao sức khỏe người dân”, PGS Phu nói.
Nguồn: https://dantri.com.vn/suc-khoe/dai-dich-benh-khong-lay-nhiem-de-doa-suc-khoe-nguoi-viet-20250119201400134.htm