Trả lời phóng viên, PGS.TS Nguyễn Hiệu, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN), cho biết, dự kiến đến năm 2030, ĐHQGHN sẽ đào tạo khoảng 20.000 sinh viên chip bán dẫn, trong đó Trường ĐH Công nghệ (thuộc ĐHQGHN) đóng vai trò quan trọng trong việc đào tạo chip bán dẫn và các ngành như: Trí tuệ nhân tạo, Rô bốt máy tính…
Ngoài ra, một số trường thành viên khác của ĐHQGHN cũng sẽ tham gia đào tạo như: ĐH Khoa học tự nhiên, Trường ĐH Việt Nhật và Trường Quốc tế.
Với số nhân lực ngành chip bán dẫn lớn như vậy, theo PGS.TS Nguyễn Hiệu, ĐHQGHN sẽ nghiên cứu cân đối chỉ tiêu. Cơ bản, hiện ĐHQGHN có nhiều lĩnh vực đào tạo liên quan đến chip bán dẫn, do đó nhà trường sẽ nghiên cứu bổ sung các chương trình phù hợp trong thời gian tới.
Ngành bán dẫn là ngành công nghệ lõi của công nghiệp sản xuất các thiết bị điện tử, máy tính, và thiết bị di động bằng việc sử dụng chất bán dẫn. Các vi mạch (còn gọi là chip) được sản xuất từ chất bán dẫn có độ dẫn điện ở mức trung gian giữa chất dẫn điện và chất cách điện.
Đây là ngành công nghiệp quan trọng, đóng vai trò thiết yếu trong sự phát triển của lĩnh vực khoa học kỹ thuật và kinh tế toàn cầu. Đồng thời, đây là nền tảng để phát triển các ngành công nghiệp điện tử, tự động hóa, vận tải, xe hơi, thậm chí cả hàng không vũ trụ và an ninh quốc phòng.
Hiện tại, ĐHQGHN xây dựng đội ngũ các nhà khoa học tuyến đầu có năng lực lãnh đạo các hoạt động nghiên cứu, đào tạo và phát triển liên quan đến ngành công nghệ cao, trong đó có công nghiệp bán dẫn.
Ngoài ra, trường cũng tập hợp một số nhóm chuyên gia chuyên sâu để triển khai các công việc liên quan đến đề án quốc gia về nguồn nhân lực bán dẫn.
Đặc biệt, Viện Công nghệ Thông tin của ĐHQGHN đang triển khai đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng thiết kế vi mạch cho đội ngũ giảng viên các trường đại học ở miền Trung và miền Bắc, nhằm góp phần vào đào tạo nguồn lực trong lĩnh vực này.
Trước đó, tại Kết luận số 64-KL/TW ngày 18/10/2023 của Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về kinh tế – xã hội năm 2023-2024 yêu cầu: “Tập trung đào tạo 50-100 nghìn nhân lực chất lượng cao cho ngành sản xuất chíp bán dẫn đến năm 2025 và năm 2030”.
Thủ tướng Chính phủ cho biết, phát triển ngành công nghiệp bán dẫn phải tập trung vào 5 trụ cột: phát triển hạ tầng; xây dựng và hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách; đào tạo nguồn nhân lực; huy động nguồn lực; xây dựng hệ sinh thái cho sự phát triển ngành công nghiệp bán dẫn.
Việt Nam có khoảng 240 trường đại học, trong đó gần 160 trường có chuyên ngành đào tạo kỹ thuật, có khả năng chuyển đổi để đào tạo nhân lực bán dẫn; có 35 cơ sở đào tạo đang đào tạo các ngành có liên quan đến công nghiệp bán dẫn.
Nhiều doanh nghiệp công nghệ thông tin đang có định hướng phát triển trong lĩnh vực này có thể phối hợp, hỗ trợ trong công tác đào tạo nguồn nhân lực cũng như sử dụng chính nguồn nhân lực qua đào tạo.
Nguồn: https://dantri.com.vn/giao-duc/dai-hoc-quoc-gia-ha-noi-se-dao-tao-20000-nhan-luc-chip-ban-dan-20241225085158092.htm