Thứ bảy, Tháng hai 22, 2025
HomeĐời SốngĐãi ngộ hậu hĩnh, ngăn đường tư túi

Đãi ngộ hậu hĩnh, ngăn đường tư túi

Biệt đãi công thần

Với đội ngũ công thần, vua Lê có chế độ biệt đãi. Năm Mậu Thân (1428), các công thần khai quốc được vua Lê Thái Tổ phong tước, ban quốc tính… Năm Kỷ Dậu (1429), Toàn thư thông tin, vua “ban biển ngạch công thần cho 93 viên: Huyện thượng hầu 3 người là Lê Vấn, Lê Sát, Lê Văn Xảo. Á thượng hầu 1 người là Lê Ngân. Hương thượng hầu 3 người là Lê Lý, Lê Văn Linh, Lê Quốc Hưng. Đình thượng hầu 14 người” gồm 9 bậc khác nhau…

Nhà Lê sơ làm trong sạch chốn quan trường: Đãi ngộ hậu hĩnh, ngăn đường tư túi- Ảnh 1.

An Tĩnh cổ lục (bản dịch, in 2005) của Hyppolite Le Breton ghi chép về ruộng đất của Nguyễn Xí, Nguyễn Sư Hồi

Công thần còn được phong thưởng ruộng đất rất hậu. Theo nghiên cứu Chế độ ruộng đất ở Việt Nam thế kỷ XI – XVIII “diện tích ruộng đất phong thưởng cho từng người là từ 400 – 500 mẫu”. Thời Lê Thánh Tông, vua “cấp ruộng thế nghiệp cho 30 viên công thần, số mẫu có thứ bậc khác nhau”. An Tĩnh cổ lục còn ghi lại việc công thần Nguyễn Xí được cấp lãnh địa cả miền duyên hải nằm giữa Cửa Lò và Cửa Hội (Hội Thống) ngày nay. Nguyễn Sư Hồi được ban cấp đầm phá Cây Bằng.

Vua còn thi hành chính sách lộc điền gồm đất đai, ruộng lúa, ruộng dâu, ao đầm cho công thần và quan viên ở hàng tứ phẩm trở lên. Chính sách về điền trạch, đất ở cho quan lại cũng được thực hiện. Vua Lê Thái Tổ, năm Mậu Thân (1428) đã cho công hầu và các quan đất làm nhà ở. Năm Quý Tỵ (1473), vua Lê Thánh Tông ban hành quy định về lệ cấp đất ở kinh thành Thăng Long cho các công thần, quan lại. Chế độ lương bổng cho đội ngũ quan lại cũng được thực hiện, lệnh chỉ năm Mậu Thìn (1448) chỉ rõ, “nhà nước đã cấp bổng lộc theo thường lệ để nuôi gây đức tính thanh liêm”. Tiền lương bổng khác nhau theo cấp bậc, chức vụ “nhằm làm cho người hưởng lộc không nhũng lạm”, theo Việt sử cương mục tiết yếu.

Nhà nước còn cấp hộ ăn lộc cho tôn thất và đại thần với số hộ ăn lộc khoảng 50 – 100 hộ, thu thuế từ những hộ đó chi dùng. Lại còn tiền bổng hằng năm được ban từ năm Ất Hợi (1455). Bổng lộc cho quan lại cao cấp xét ra là nhiều, nên có trường hợp Đô đốc Tây đạo Lê Lựu từ chối không nhận tiền bổng hằng năm. Bởi tự thấy bản thân không có công trạng gì, được ăn lộc đến 50 hộ, nay lại được cấp thêm tiền bổng nhiều gấp đôi so với mong muốn.

Nhà Lê sơ làm trong sạch chốn quan trường: Đãi ngộ hậu hĩnh, ngăn đường tư túi- Ảnh 2.

Bảng thống kê số liệu cấp đất ở kinh thành cho công thần, quan lại năm Quý Tỵ (1473)

Tiền tết nuôi lòng trong

Thời Lê sơ có một loại tiền đặc biệt là tiền dưỡng liêm. Vua Lê Chiêu Tông đã ban cho Hữu thị lang bộ Lại Ngô Tuấn Kiệt tiền, gạo dưỡng liêm vì sống thanh liêm, nếp nhà thanh bạch. “Tiền dưỡng liêm cấp cho các quan địa phương những khi họ túng thiếu để họ khỏi nhũng lạm của dân”, Việt Nam văn hóa sử cương cho hay. Triều đình còn ban tiền Tết cho quan viên khi năm Ất Mão (1435), vua “ban tiền Tết cho các quan văn võ theo thứ bậc khác nhau”. Tiền Tết như là một loại tiền dưỡng liêm không chính thức, ngăn ngừa tệ hối lộ, tham ô thông qua việc biếu xén trá hình ngày Tết.

Để tạo nên vị thế của quan lại về mặt tinh thần cao đẹp hơn hẳn so với bách tính, nhà nước thực hiện lệ tập ấm cho con cái của quan viên, là điển chế vinh phong cho thân thích, cha mẹ của người làm quan. Câu thành ngữ “Một người làm quan, cả họ được nhờ” ra đời cũng từ thực tế ấy. Việc phân cấp phẩm trật quan lại làm 9 bậc (cửu phẩm) cùng hệ thống phẩm tước “công, hầu, bá, tử, nam” góp phần tạo động lực để quan viên ra sức làm việc, phụng sự hòng được cất nhắc chức tước, được vinh phong, rạng danh gia đình, dòng họ. Đó là một mô hình chóp nón về phẩm tước để nuôi chí tiến thủ cho đội ngũ áo dài, đai rộng. Đại Việt lịch triều đăng khoa lục ghi nhận trường hợp Bùi Xương Trạch (1451 – 1529) xuất thân con nhà nông dân, thi đậu tiến sĩ bước chân vào chốn quan trường. Với tài năng của mình, ông làm đến Thượng thư, được ban tước Quảng Văn hầu. Khi mất được truy tặng Thái phó, Quảng quận công.

Về cơ bản, chính sách đãi ngộ của nhà nước thời Lê sơ đối với đội ngũ quan viên là giúp họ ổn định về mặt kinh tế, ngăn ngừa sự tham ô, nhũng nhiễu dân lành như Sĩ hoạn châm quy chỉ rõ, “nên ăn đúng lộc nhà mình, không được tranh lợi với dân, bổng lộc là từ dân mà ra”. Chính sách đãi ngộ quan viên được thực hiện thường xuyên (qua việc ban cấp bổng lộc, ruộng đất…) và không thường xuyên (tiền dưỡng liêm) có tác dụng đáng kể. Thời Lê sơ phần lớn đội ngũ quan viên làm tốt vai trò, góp phần đắc lực làm cho công nghiệp trị nước của vua Lê được rạng rỡ, trở thành một triều đại có tiếng là thịnh trị.

Tuy nhiên, chính sách đãi ngộ trên cũng bộc lộ một số hạn chế. Với quyền lực rất lớn so với đại bộ phận dân thường, vẫn có một bộ phận quan lại dùng quyền lực để “biếm công vi tư”. Tổng quản Lê Hiệu của huyện Thạch Thất, năm Đinh Tỵ (1437) cho người lấy đất lấp một nhánh sông trong huyện chiếm làm đất của mình, đến nỗi thuyền bè đi lại bị cản trở là một ví dụ. (còn tiếp) 

(Lược trích từ tác phẩm Nhà Lê sơ (1428 – 1527) với công cuộc chống nạn “sâu dân, mọt nước” – NXB Tổng hợp TP.HCM, có bổ sung tư liệu) 

Nguồn: https://thanhnien.vn/nha-le-so-lam-trong-sach-chon-quan-truong-dai-ngo-hau-hinh-ngan-duong-tu-tui-185250218200040463.htm

ThanhNien Logo

Hello Mình là Cải

Theo dõi
Thông báo của
0 Góp ý
Mới nhất
Cũ nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận

Tin Nóng Hôm Nay