Nút thắt khó gỡ
Đài CNN ngày 1.4 đưa tin nhà đàm phán của Nga Kirill Dmitriev sẽ đến Mỹ vào tuần này để đối thoại với ông Steve Witkoff, đặc phái viên của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Bên cạnh thảo luận về giải pháp tăng cường quan hệ hai nước, vấn đề chấm dứt xung đột Ukraine cũng sẽ trở thành trọng tâm thảo luận. Chuyến thăm của ông Dmitriev đánh dấu lần đầu tiên một quan chức cấp cao Moscow đến Washington D.C kể từ khi xung đột Nga – Ukraine bùng phát năm 2022.

Một tòa nhà ở tỉnh Kharkiv (Ukraine) ngày 2.4
Động thái trên từ phía Nga diễn ra trong bối cảnh triển vọng để đạt được một lệnh ngừng bắn tại Ukraine lâm vào bế tắc. Dù đã trải qua nhiều cuộc đàm phán, mọi chuyện đến nay dường như “trở lại vạch xuất phát”. Mới nhất, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov ngày 1.4 nói rằng Moscow không thể chấp nhận đề xuất ngừng bắn của Washington, cho rằng các điều khoản không giải quyết nguyên nhân gốc rễ xung đột. Các yêu sách của Nga về lãnh thổ và quân đội Ukraine đến nay vẫn bị Kyiv kiên quyết từ chối.
Ông Trump “bực bội” vì ông Putin, dọa áp thuế dầu Nga nếu không đạt thỏa thuận ngừng bắn
Theo trang Axios, Ukraine đã đồng ý đề xuất của Mỹ về việc ngừng bắn vô điều kiện và các kế hoạch ngừng bắn quy mô nhỏ trên biển. Song, Moscow tuần trước đã đưa thêm những yêu cầu mới, bao gồm Mỹ phải dỡ bỏ một số lệnh cấm vận Nga, trong khi Washington trước đó ra tuyên bố khẳng định Nga đã đồng ý ngừng bắn trên biển Đen. Hãng tin Reuters dẫn lời các quan chức chính quyền Mỹ thừa nhận nhiều khả năng thỏa thuận hòa bình Ukraine khó đạt được trong vài tháng tới, và Washington đang lập kế hoạch để tạo sức ép lên cả Kyiv và Moscow.
Ông Trump đổi thái độ?
Thông tin về việc đàm phán bước vào ngõ cụt khiến Tổng thống Donald Trump không hài lòng, khi ông là người muốn sớm đạt được thỏa thuận hòa bình tại Ukraine. Tiến trình hòa bình càng bị trì trệ thì càng đi ngược với các cam kết của ông Trump với cử tri Mỹ. Người phát ngôn Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ Brian Hughes hôm 1.4 nói rằng các cuộc đàm phán vẫn tiếp diễn nhưng ông Trump đã thể hiện sự thất vọng với lập trường của Nga. Trước đó, ông Trump ngày 30.3 trả lời phỏng vấn Đài NBC News nói rằng đã tức giận khi Tổng thống Nga Vladimir Putin chỉ trích uy tín của người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky, sau khi nhà lãnh đạo Nga đề xuất lập chính phủ lâm thời tại Ukraine để tổ chức bầu cử, trước khi các bên đàm phán hòa bình.
Những diễn biến trên thể hiện sự thay đổi trong thái độ của ông Trump đối với Nga. Đầu tháng 3, ông Trump bày tỏ thái độ tích cực rằng Nga sẽ cam kết với các đề xuất hòa bình. Tuy nhiên, Reuters dẫn các nguồn thạo tin trong chính quyền Mỹ cho biết Nhà Trắng gần đây đã cảnh giác với ý định từ Điện Kremlin. Trong khi đó, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov ngày 1.4 nhấn mạnh các cuộc thảo luận về tình hình Ukraine rất phức tạp và cần nhiều nỗ lực, nêu thêm Nga hoàn toàn tuân thủ điều khoản ngừng tấn công hạ tầng năng lượng.
Hé lộ ‘thâm cung bí sử’ dính líu sâu rộng của Mỹ vào xung đột Ukraine
Ông Dennis Ross (Viện Washington về chính sách Cận Đông, Mỹ) có bài viết trên tạp chí Foreign Policy ngày 1.4 nêu rằng ông Trump cần thể hiện rõ sức nặng trong các lời cảnh báo nếu Nga phớt lờ đàm phán. Cụ thể, ông Trump có thể dùng lá bài tăng cường viện trợ quân sự và kinh tế cho Ukraine, hoặc gia tăng cấm vận nếu Nga từ chối ngừng bắn. Theo ông Ross, điểm mấu chốt là cần có thời gian cụ thể và phải làm cho Nga hiểu được sẽ có hậu quả thật sự nếu đàm phán trì trệ. Trong khi với tình hình hiện tại, Tổng thống Trump cũng đang có một số bất đồng với Ukraine về thỏa thuận khai thác khoáng sản và không thể hiện rõ sự ủng hộ Kyiv như người tiền nhiệm Joe Biden.
Nga – Ukraine tiếp tục tố nhau tập kích cơ sở năng lượng
Các quan chức Ukraine ngày 2.4 thông báo vụ tấn công bằng máy bay không người lái (UAV) của Nga trong đêm đã khiến 1 người chết và 10 người bị thương. Kyiv nêu thêm đợt tấn công đã làm hư hại 2 cơ sở năng lượng tại 2 tỉnh Sumy và Dnipropetrovsk. Trong khi đó, giới chức tỉnh Zaporizhzhia ghi nhận 1 trường hợp thiệt mạng do đợt không kích. Lực lượng phòng không Ukraine tuyên bố bắn rơi 41 trong số 74 UAV của Nga.
Ở chiều ngược lại, Moscow đã tố ngược quân đội Ukraine tổ chức 2 đợt tấn công vào hệ thống điện tại Nga. Thời gian qua, hai bên thường xuyên cáo buộc lẫn nhau vi phạm thỏa thuận không đánh vào hạ tầng năng lượng. Cũng trong hôm qua, Bộ Quốc phòng Nga cho biết lực lượng nước này đã kiểm soát khu định cư Razliv ở tỉnh Donetsk, miền đông Ukraine. Nga và Ukraine thường không phản hồi tuyên bố của đối thủ về hoạt động trên chiến trường.
Nguồn: https://thanhnien.vn/dam-phan-cham-dut-xung-dot-ukraine-van-be-tac-185250402215342501.htm