Nghệ sĩ Quang Đạt sinh năm 1962, quê gốc Đà Nẵng, hiện sống tại tỉnh Bình Thuận. Anh từng tham gia hơn 100 phim trong và ngoài nước với nhiều vai trò: đạo diễn, diễn viên, cố vấn võ thuật, họa sĩ thiết kế… (phim trong nước: Tây Sơn hiệp khách, Ngọc trản thần công, Cảnh sát hình sự, Mỹ nhân…; phim hợp tác với nước ngoài: Người mỹ trầm lặng – Mỹ, Tạm biệt sông Ba – Hàn Quốc…). Nói như NSND đạo diễn Đào Bá Sơn – cây “đại thụ” trong làng điện ảnh Việt Nam: ở Quang Đạt có một niềm đam mê điện ảnh đến kỳ lạ.
![Dành cả đời đi tìm kỷ vật điện ảnh- Ảnh 1. Dành cả đời đi tìm kỷ vật điện ảnh- Ảnh 1.](https://baolacai.net/wp-content/uploads/2025/02/Danh-ca-doi-di-tim-ky-vat-dien-anh.jpg)
Nghệ sĩ Quang Đạt bên chiếc máy dựng phim của bộ phim nổi tiếng Cánh đồng hoang
Dấu tích thời gian bên trong bảo tàng
Hàng chục năm qua, nghệ sĩ Quang Đạt đã đi từ Bắc chí Nam để tìm tòi, sưu tập những món đồ, kỷ vật gắn liền với nền điện ảnh nước nhà, với những nhân vật đã có nhiều đóng góp cho loại hình nghệ thuật thứ 7 tại Việt Nam. Có những thứ mà người ta cho là cũ kỹ, lỗi thời, thì với Quang Đạt, đó là kỷ vật vô giá.
Như việc anh sưu tầm, lưu giữ và xem là “bảo vật” – chiếc máy dựng phim dùng để hậu kỳ phim Cánh đồng hoang (công chiếu năm 1979, từng đoạt rất nhiều giải thưởng trong và ngoài nước; đạo diễn: Nguyễn Hồng Sến, biên kịch: Nguyễn Quang Sáng). Hoặc anh đi khắp nơi, xin 99 chiếc giày của đạo diễn, diễn viên nổi tiếng, để làm thành bộ sưu tập “có 1 không 2”: Những dấu chân thời gian nghệ thuật.
Anh nói, mình chỉ xin một chiếc, vì nếu xin một đôi, anh em lại nghĩ mình vụ lợi, bán buôn. “Tôi vẫn nhớ lần đi xin một chiếc giày của cố NSƯT Hồ Kiểng (người nổi tiếng với ông Ba ‘ngủ’ hay vai ‘ông già ăn cá sống’ trong trong phim Đất phương Nam (đạo diễn: Nguyễn Vinh Sơn) khiến người xem ám ảnh. Chú chỉ có duy nhất một đôi giày tây, nhưng sẵn sàng tặng cho tôi một chiếc”, nghệ sĩ Quang Đạt cho biết. Nhưng sau đó, anh liền mua một đôi giày mới, tặng lại nghệ sĩ Hồ Kiểng.
NSND Đào Bá Sơn
Dần dà, nhiều người trong giới biết anh sưu tầm kỷ vật điện ảnh đã chủ động liên hệ để gửi gắm, tặng anh những “báu vật” mà gia đình người quá cố lưu giữ. Điển hình như, gia đình cố đạo diễn, NSƯT Khương Mễ trao tặng toàn bộ kỷ vật sinh thời của ông, như: máy quay, máy chiếu, huy chương, huân chương…
Anh lý giải: “Mình sợ rằng, mai sau, mọi thứ mai một, ít ai còn biết đến thế hệ cha ông ta đã từng gian nan, khổ cực để tạo ra những thước phim như thế nào. Mình muốn lưu giữ ‘thanh xuân điện ảnh’ qua từng món đồ, từng câu chuyện dung dị, là như vậy”.
![Dành cả đời đi tìm kỷ vật điện ảnh- Ảnh 2. Dành cả đời đi tìm kỷ vật điện ảnh- Ảnh 2.](https://baolacai.net/wp-content/uploads/2025/02/1739162554_490_Danh-ca-doi-di-tim-ky-vat-dien-anh.jpg)
Nghệ sĩ Quang Đạt bên chiếc xe có 499 chữ ký của văn nghệ sĩ
Chiếc xe của tình yêu thương và mất mát
Nghệ sĩ Quang Đạt được Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam ghi nhận nhiều kỷ lục, như: chiếc xe Lambretta có 449 chữ ký của các văn nghệ sĩ nổi tiếng; cây bút có 99 chữ ký của các phóng viên, nhà báo; một máy quay phim với 99 chữ ký của các nhà quay phim…
Hiện tại, trên chiếc xe có 499 chữ ký của văn nghệ sĩ mang lại nhiều cảm xúc trong anh. Và mỗi lần anh dùng bút đỏ, để đánh dấu “x” vào cạnh chữ ký của nhân vật nào đó, nghĩa là một lần tiễn biệt một kiếp nhân sinh. Anh cho biết, chữ ký trên chiếc xe dần tăng các chữ x màu đỏ, theo quy luật tự nhiên… Lê Công Tuấn Anh (tài tử đã tự tử khi đang ở đỉnh cao sự nghiệp) là người đầu tiên anh đánh dấu “x” ngay bên cạnh chữ ký, trong đau đớn và tiếc thương. Bởi, anh nhiều lần đóng phim chung, diễn kịch, đi làm phim cùng với Lê Công Tuấn Anh – người bạn cùng thời… Chiếc xe đầy ắp những kỷ niệm này của anh hiện có hơn 80 dấu “x” đỏ.
Đến Bảo tàng Điện ảnh của Quang Đạt, người ta như lạc vào những câu chuyện điện ảnh mà ít nơi nào có được. Và cũng chính vì những báu vật, những câu chuyện sống động bên trong bảo tàng này, có người đã từng đề nghị trả 29 tỉ đồng với tất cả các kỷ vật mà anh sưu tầm. Anh từ chối, bởi theo anh, nếu vì tiền, anh đã dành cả đời kiếm tiền chứ không phải đổi lấy thanh xuân đi tìm cổ vật điện ảnh.
![Dành cả đời đi tìm kỷ vật điện ảnh- Ảnh 3. Dành cả đời đi tìm kỷ vật điện ảnh- Ảnh 3.](https://baolacai.net/wp-content/uploads/2025/02/1739162555_567_Danh-ca-doi-di-tim-ky-vat-dien-anh.jpg)
Bảo tàng Điện ảnh của nghệ sĩ Quang Đạt tại Bình Thuận
Ít ai biết, Quang Đạt là một võ sư, có võ đường tại Long Hải (Vũng Tàu), nhưng vì đam mê tiếng gọi của phim ảnh, anh đã dấn thân cùng nghệ thuật thứ 7. Anh tham gia nhiều phim, nhưng đa phần vào vai phản diện, không là kẻ cưỡng dâm thì cũng là ác ôn, giết người. Đơn cử như năm 1995, anh vào vai “người trọc”, đập mộ chị Võ Thị Sáu trong phim Như một huyền thoại. Chỉ xuất hiện vài phân đoạn trong phim, nhưng “người trọc – Quang Đạt” đã gây phẫn nộ với khán giả. Người ta còn căm ghét anh đến tận ngoài đời thật. Anh chỉ giải thích đó là vai diễn. Nói như NSND Đào Bá Sơn thì Quang Đạt trong phim ác ôn bao nhiêu, ngoài đời hiền từ, dễ mến bấy nhiêu. “Khi Quang Đạt đến TP.HCM hoạt động nghệ thuật, anh ở nhà tôi. Mẹ tôi thương Quang Đạt như con ruột. Tôi với Đạt như anh em ruột. Đạt toàn vào vai phản diện, nhưng ai chơi với Đạt rồi sẽ hiểu: Đạt là người tử tế, nghĩa tình đến dường nào”.
Về Quang Đạt, đạo diễn Hồng Phú Vinh nói: “Tôi chơi với anh Quang Đạt tính đến nay đã hơn 20 năm. Trong nghề, anh kính trên nhường dưới, nhẹ nhàng và không oán trách với cả những người gây phiền hà cho anh. Cách đây 20 năm tôi có nghe anh tâm sự, muốn sưu tầm di vật, kỷ vật điện ảnh Việt Nam thành bộ sưu tập. Tưởng anh nói chơi, ai ngờ làm thật. Nếu không có đam mê và kiên trì, thì anh khó lòng xây dựng được Bảo tàng Điện ảnh như hiện nay. Những cái gì lịch sử của điện ảnh Việt Nam, bất kỳ ai muốn biết, cứ đến bảo tàng của anh Quang Đạt là có tất cả”.
Quang Đạt là người từng chạy xe Vespa thực hiện 7 chuyến hành trình xuyên Việt ý nghĩa. Điển hình như năm 2006, anh thực hiện hành trình xuyên Việt: “Vì nạn nhân chất độc da cam”. Năm 2008, anh tiếp tục hành trình xuyên Việt lần hai: “Vì tuổi thơ Việt Nam”, quyên góp được hơn 300 triệu đồng mua áo ấm tặng trẻ em nghèo; hay 3 năm liền anh kêu gọi ủng hộ 800 triệu đồng cho nhiều mẹ Việt Nam anh hùng trên cả nước…
Anh cũng là người được xác nhận kỷ lục: Người đi xuyên Việt nhiều nhất Việt Nam để làm từ thiện.
Năm 2009, nghệ sĩ Quang Đạt quyết định xây dựng Bảo tàng Điện ảnh trên diện tích 130 m2 của gia đình tại tỉnh Bình thuận, để thuận tiện tập hợp và trưng bày các hiện vật vô giá, như: bản gốc kịch bản của cố đạo diễn Hồng Sến, những máy chiếu phim cổ từng phục vụ các bản làng hẻo lánh, 20 máy quay phim, trong đó có chiếc máy quay phim của nhà quay phim Lê Dũng, cố NSND Nguyễn Thế Đoàn, cố NSND Đường Tuấn Ba (người đoạt giải quay phim xuất sắc trong phim Cánh đồng hoang), cố NSƯT Khương Mễ, cố NSND Phạm Khắc…
Nguồn: https://thanhnien.vn/danh-ca-doi-di-tim-ky-vat-dien-anh-185250210103424954.htm