Vụ việc đánh ghen khiến người vợ trong câu chuyện bị khởi tố hình sự thêm một hồi chuông cảnh báo về những hành động khiến người ta có thể đang từ đúng thành sai, thậm chí lĩnh án. Những người cổ vũ, hỗ trợ cho hành động đánh ghen cũng sẽ không vô can khi công an phát đi khuyến cáo người dân không được phép chia sẻ hình ảnh, clip liên quan đến sự việc. Bởi đây cũng rất có thể được xem như hành vi vi phạm pháp luật. Luật sư Nguyễn Thị Thu Thủy, công ty Luật THHH Châu Phong, Hà Nội có những phân tích về các tình huống này.
Đánh ghen biến “đúng” thành “sai”
“Đánh ghen” được hiểu là hành vi, hành động của 1 hoặc nhiều người trong mối quan hệ tình cảm, quan hệ yêu đương, quan hệ vợ chồng, thường phát sinh khi một bên phát hiện ra đối phương có mối quan hệ tình cảm với người khác mà xã hội thường gọi là người thứ 3.
Theo Luật sư Nguyễn Thị Thu Thủy, công ty Luật THHH Châu Phong, Hà Nội, “ghen” thường là biểu hiện về mặt cảm xúc, hành vi nhưng “đánh ghen” lại là cụm từ chỉ hành động, phần lớn mang tính tiêu cực, hoặc dẫn đến bạo lực nhằm mục đích xúc phạm đến thân thể, sức khỏe, danh dự nhân phẩm của đối phương, mà đối tượng của hành động này có thể là người thứ 3 hoặc chính là người đang trong mối quan hệ tình cảm với mình.
Người thực hiện hành vi đánh ghen thường xuất phát từ suy nghĩ mình đang hành động đúng, vì động cơ của hành động để bảo vệ gia đình hay bảo vệ hạnh phúc cá nhân nhưng khi người đó đã bị tổn thương về mặt tâm lý và tinh thần nên rất dễ không kiểm soát được ý thức và hành động thì có khả năng dẫn tới việc vi phạm pháp luật là rất cao.
Qua các kênh thông tin đại chúng và phương tiện mạng xã hội cho thấy, các vụ việc gần đây đã xảy ra, không chỉ gây mất trật tự nơi công cộng mà còn dẫn đến những hậu quả đáng tiếc cho cá nhân người hành xử và những người liên quan trong vụ việc. Thêm vào đó, hành vi có thể bị xử lý vi phạm hành chính hoặc hình sự nếu đủ các yếu tố cấu thành tội phạm. Và hậu quả là người thực hiện phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về hành vi của mình, Luật sư Nguyễn Thu Thủy nhận định.
Trong trường hợp như vụ đánh ghen ở Cần Thơ, căn cứ vào hành vi của chủ thể thì bên cơ quan điều tra có thẩm quyền sẽ khởi tố vụ án hình sự để điều tra đối với:
Tội “cố ý gây thương tích” theo điều 134 BLHS hiện hành: Người nào có hành vi cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác nếu có đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm thì sẽ phải chịu mức hình phạt theo các khung hình phạt tương ứng.
Đối với hành vi đánh người mà có dấu hiệu tội “Cố ý gây thương tích” thì sẽ cấu thành tội khi kết quả giám định thương tích có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% trở lên. Trường hợp giám định dưới 11% nhưng nếu người phạm tội có hành vi dùng hung khí nguy hiểm vẫn có thể bị xử lý hình sự về tội danh này.
Tội “Làm nhục người khác” được quy định tại Điều 155 BLHS hiện hành: Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm. Khung hình phạt tối đa cho tội này là bị phạt tù lên tới 5 năm.
Tội “gây rối trật tự công cộng” theo điều 318 Bộ luật Hình sự thì người thực hiện hành vi này có thể bị phạt tiền từ 5 triệu đến 50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm. Nếu trường hợp xác định hành vi được thực hiện có tổ chức, dùng vũ khí, hung khí, phá phách, xúi giục người khác gây rối… thì mức phạt từ 2 năm đến 7 năm tù.
Luật sư Nguyễn Thị Thu Thủy cũng cho biết, pháp luật hiện hành có các quy định bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các bên trong mối quan hệ hôn nhân. Trong trường hợp cần thiết, các cơ quan như Hội Phụ nữ, các tổ chức đoàn thể tại địa phương hay các tổ chức Công đoàn, Đảng tại cơ quan (nếu có) của người vi phạm có thể can thiệp. Tuy nhiên tuyệt đối không nên có hành vi chửi bới, xúc phạm danh dự, nhân phẩm đối phương; không được đánh nhau, gây thương tích cho đối phương, không được gây rối trật tự công cộng.
“Tùy theo từng trường hợp nếu có căn cứ chứng minh đối phương vi phạm chế độ hôn nhân 1 vợ 1 chồng được pháp luật bảo vệ thì áp dụng biện pháp tố cáo thì người chồng/người vợ hoàn toàn có quyền tố cáo để pháp luật xử lý”, Luật sư Nguyễn Thị Thu Thủy nhấn mạnh.
Người quay phim chụp ảnh đưa lên mạng cũng bị xử lý
Theo Luật sư Nguyễn Thị Thu Thủy, mỗi người đều có quyền đối với hình ảnh của mình. Theo quy định tại Điều 32 Bộ luật Dân sự 2015 thì “Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý nếu sử dụng hình ảnh của người khác vì mục đích thương mại thì phải trả thù lao cho người có hình ảnh, Người có hình ảnh bị vi phạm có quyền yêu cầu Tòa án ra quyết định buộc người vi phạm, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan chấm dứt việc sử dụng hình ảnh, bồi thường thiệt hại và áp dụng các biện pháp xử lý khác.
Việc tự ý đăng tải hành vi đăng tải clip đánh ghen xé áo có hình ảnh của người khác lên mạng xã hội khi chưa có sự đồng ý của người trong clip thì đây là một hành vi vi phạm pháp luật.
Ngoài ra người sử dụng mạng xã hội cũng phải tuân thủ Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội được ban hành kèm theo Quyết định 874/QĐ-BTTTT năm 2021. Có 04 Quy tắc ứng xử chung trên mạng xã hội, cụ thể: Tuân thủ pháp luật Việt Nam, tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Hành vi, ứng xử trên mạng xã hội phù hợp với các giá trị đạo đức, văn hóa, truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Tuân thủ các quy định và hướng dẫn về bảo vệ an toàn và bảo mật thông tin. Chịu trách nhiệm về các hành vi, ứng xử trên mạng xã hội; phối hợp với các cơ quan chức năng để xử lý hành vi, nội dung thông tin vi phạm pháp luật.
Nguồn: https://kenh14.vn/danh-ghen-ranh-gioi-mong-manh-giua-cam-xuc-va-vi-pham-phap-luat-2152501140801519.chn