Thời gian qua, quá trình phát triển kinh tế- xã hội của đất nước đã tạo ra nhiều áp lực lớn lên môi trường, các hệ sinh thái và đa dạng sinh học của nước ta. Tình trạng ô nhiễm nguồn nước, đất, không khí, nhất là ô nhiễm bụi đang trở thành vấn đề báo động tại các đô thị lớn ở Việt Nam. Ô nhiễm tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp và làng nghề tiếp tục gia tăng. Ðáng lo ngại, mỗi năm nước ta phát sinh hàng chục triệu tấn rác thải sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp, hàng trăm nghìn tấn chất thải nguy hại, rác thải nhựa. Hầu hết chất thải rắn chưa được phân loại tại nguồn, và vẫn còn xử lý theo hình thức chôn lấp, trong đó nhiều bãi chôn lấp không hợp vệ sinh.
Hiện nay, các hệ sinh thái tự nhiên tiếp tục bị chia cắt, thu hẹp về diện tích và xuống cấp về chất lượng. Những vấn đề này đang cản trở mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội. Nhận thức rõ những thách thức, áp lực rất lớn nêu trên, Ðảng và Nhà nước đã ban hành các chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường, nhờ đó, các cơ quan chức năng đã xử lý nhiều vấn đề môi trường, mức độ gia tăng ô nhiễm môi trường tại nhiều địa phương có xu hướng chậm lại. Các chuyên gia kỳ vọng Bộ chỉ số đánh giá kết quả bảo vệ môi trường là cơ hội để nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh và thực hiện được đúng nguyên tắc “không đánh đổi môi trường lấy phát triển kinh tế” theo quan điểm, chủ trương của Ðảng, Chính phủ hiện nay.
Ðể bảo đảm Bộ chỉ số đánh giá kết quả bảo vệ môi trường của các tỉnh, thành phố thực hiện một cách minh bạch, khách quan, Bộ Tài nguyên và Môi trường cần tập trung chỉ đạo các đơn vị chuyên môn sớm ban hành các văn bản hướng dẫn về khái niệm, phương pháp tính đối với từng chỉ số thành phần như: Tỷ lệ dân số đô thị được cung cấp dịch vụ thu gom và xử lý nước thải; tỷ lệ hộ gia đình thực hiện phân loại rác tại nguồn; tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được thu gom, xử lý; tỷ lệ cụm công nghiệp đang hoạt động có hệ thống thu gom, xử lý nước thải tập trung được cấp phép môi trường hoặc đã đăng ký theo quy định; tỷ lệ cơ sở thực hiện kiểm kê và có kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính; tỷ lệ hài lòng của người dân đối với môi trường sống trên địa bàn mình cư trú…
Ðể nâng cao chỉ số về bảo vệ môi trường trên địa bàn mình quản lý, chính quyền các tỉnh, thành phố cần tập trung đầu tư các nguồn lực cho công tác bảo vệ môi trường; triển khai đồng bộ và có hiệu quả các giải pháp về bảo vệ môi trường như: Xử lý chất thải rắn sinh hoạt, ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm không khí, nhất là tại các đô thị lớn và các làng nghề. Các địa phương chủ động kiểm soát chặt chẽ các các nguồn thải lớn; theo dõi, giám sát, nắm bắt đầy đủ, kịp thời diễn biến các vấn đề môi trường, công tác bảo vệ của các đối tượng thuộc loại hình sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao; phục hồi và cải thiện chất lượng môi trường, nhất là ngăn chặn suy giảm và nâng cao chất lượng đa dạng sinh học.
Ðối với các đơn vị sản xuất, kinh doanh, nhất là các nhà máy, xí nghiệp, làng nghề hoạt động trên địa bàn, cần tiếp tục đầu tư các công nghệ hiện đại, thân thiện môi trường như: Công nghệ ít chất thải, công nghệ tái chế và tái sử dụng chất thải, công nghệ các-bon thấp, công nghệ vật liệu mới thay thế và ứng dụng trong xử lý môi trường.
Các chuyên gia lĩnh vực môi trường lưu ý, các cơ quan chức năng cần thực hiện việc chấm và thẩm định kết quả tự đánh giá của các địa phương một cách nghiêm túc, khách quan, tránh tình trạng “nể nang”, “hình thức”. Trong quá trình này, các tổ chức chính trị-xã hội và người dân trên địa bàn cần tham gia giám sát.
Các cơ quan chức năng cần triển khai việc thực hiện và đánh giá đúng các tiêu chí mà Bộ chỉ số đề ra để phản ánh toàn diện, khách quan kết quả bảo vệ môi trường của các địa phương, đồng thời, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm, khuyến khích nỗ lực của các cơ quan quản lý nhà nước và người dân trong công tác bảo vệ môi trường.
Nguồn: https://nhandan.vn/danh-gia-no-luc-bao-ve-moi-truong-cua-dia-phuong-post860560.html