Trong quá trình sắp xếp các đơn vị hành chính địa phương, sáng kiến của Bộ Nội vụ về việc khuyến khích đặt tên đơn vị hành chính cấp xã mới theo tên của đơn vị hành chính cấp huyện trước khi sắp xếp, kết hợp với số thứ tự, nếu được thực hiện đồng bộ trên toàn quốc sẽ là một bước tiến lớn trong chiến lược chuyển đổi số của đất nước.
Việc chuẩn hóa tên gọi các đơn vị hành chính không chỉ giúp hiện đại hóa quản lý mà còn tạo điều kiện thuận lợi trong tra cứu, lưu trữ và đồng bộ dữ liệu giữa các hệ thống.
Dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính do Bộ Nội vụ soạn thảo, đã đề cập đến các tiêu chí quan trọng để thực hiện công tác sắp xếp. Theo đó, việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã dựa trên nhiều yếu tố, bao gồm diện tích tự nhiên, quy mô dân số, lịch sử – văn hóa, tôn giáo, dân tộc, địa kinh tế, địa chính trị, cũng như các yếu tố về quốc phòng và an ninh… Các yếu tố này nhằm đảm bảo việc sắp xếp không chỉ mang tính kỹ thuật, mà còn phản ánh được đặc điểm đặc thù của từng địa phương và mở ra không gian phát triển mới.

Thành phố Vinh nhìn từ trên cao (Ảnh: Sách Nguyễn).
Nguyên tắc đặt tên đơn vị hành chính cấp xã, phường sau sắp xếp nhấn mạnh tính dễ nhận diện, ngắn gọn, dễ đọc, dễ nhớ, đồng thời đảm bảo tính hệ thống và khoa học. Đây là những nguyên tắc quan trọng, giúp tên gọi mới không chỉ thuận tiện trong quản lý mà còn phù hợp với đặc thù văn hóa và truyền thống.
Nhìn tổng thể, đề xuất của Bộ Nội vụ về đặt tên đơn vị hành chính gắn với số thứ tự khi được triển khai, tích hợp với các chương trình chuyển đổi số trong quản lý nhà nước của các bộ, ngành khác, sẽ góp phần tạo nền tảng và thúc đẩy phương thức quản lý hiện đại.
Hiện nay Bộ Xây dựng đóng vai trò then chốt trong việc quy hoạch, xây dựng cơ sở hạ tầng và quản lý đô thị. Các chương trình lớn mà Bộ Xây dựng đã triển khai bao gồm việc phân cấp không gian đô thị theo mã hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho việc quản lý và theo dõi sự phát triển vùng. Bộ cũng đã ứng dụng công nghệ vào quản lý quy hoạch, tích hợp hệ thống dữ liệu địa chính để tạo ra bức tranh rõ ràng về tình trạng đất đai, cơ sở hạ tầng và không gian đô thị.
Những nỗ lực nêu trên không chỉ hỗ trợ các địa phương trong việc phát triển các khu đô thị mới, mà còn đặt nền tảng cho việc triển khai các giải pháp đô thị thông minh trên quy mô lớn, tạo sự đồng bộ trong quản lý hành chính.
Ngoài ra, thông tư số 08 của Bộ Xây dựng về quản lý, sử dụng số nhà dù phạm vi ảnh hưởng chủ yếu ở cấp vi mô, song mang lại giá trị đáng kể trong việc chuẩn hóa và đồng bộ hóa quản lý hành chính. Các biển số nhà được thiết kế đồng bộ, dễ nhận biết, và liên kết với quy hoạch tổng thể sẽ hỗ trợ hiệu quả trong việc định vị và quản lý địa chỉ. Mặc dù không tác động mạnh mẽ như các dự án lớn, nhưng thông tư 08 tạo tiền đề cho các giải pháp quản lý chi tiết, góp phần hoàn thiện bức tranh tổng thể về quản lý đô thị.
Nhìn ra thế giới, các quốc gia phát triển đã triển khai nhiều giải pháp quản lý hành chính tiên tiến, cung cấp những bài học giá trị cho Việt Nam.
Tại Hoa Kỳ, hệ thống quản lý địa giới hành chính được xây dựng rất khoa học và minh bạch. Các thành phố như New York hay Chicago thường sử dụng cách đánh số nhà và khu phố theo hệ thống “lưới”, giúp việc định vị và quản lý trở nên dễ dàng. Ở Manhattan (New York), các đại lộ chạy dọc được đánh số từ 1 trở lên, trong khi các đường chạy ngang được đặt theo số tăng dần. Các địa chỉ như “42nd Street” hay “5th Avenue” không chỉ dễ tìm mà còn mang giá trị biểu tượng. Ngoài ra, Hoa Kỳ còn sử dụng mã FIPS (tiêu chuẩn xử lý thông tin liên bang) để tiêu chuẩn hóa thông tin hành chính trên toàn quốc, giúp tạo sự đồng nhất trong hệ thống dữ liệu.
Việc đánh số nhà và khu phố theo cách dễ hiểu ở Mỹ còn hỗ trợ hiệu quả việc lập danh mục các khu vực hành chính, một cách tiếp cận mà Việt Nam có thể áp dụng khi đặt tên xã, phường.
Tại Nhật Bản, hệ thống địa chỉ độc đáo dựa trên phân khu và thứ tự xây dựng nhà, thay vì dựa vào tuyến đường, cũng mang lại hiệu quả quản lý cao. Ví dụ, địa chỉ “Tokyo, Shinjuku-ku, 3-chome, 12-6” cung cấp thông tin rõ ràng về quận, khu phố và số thứ tự của nhà trong khu vực cụ thể. Cách tiếp cận này, kết hợp giữa yếu tố lịch sử và hiện đại, giúp Nhật Bản duy trì văn hóa địa phương đồng thời tối ưu hóa quản lý hành chính. Đặt tên xã phường tại Việt Nam theo cách tương tự, kết hợp yếu tố văn hóa và mã số, sẽ giúp dễ dàng số hóa và tổ chức dữ liệu địa giới hành chính.
Ở châu Âu, Liên minh châu Âu đã phát triển hệ thống NUTS (hệ thống phân loại các đơn vị lãnh thổ cho thống kê) nhằm chuẩn hóa cách phân chia lãnh thổ của các quốc gia thành viên để dễ dàng so sánh dữ liệu thống kê giữa các vùng khác nhau; làm cơ sở để phân bổ các quỹ hỗ trợ; và giúp xây dựng, giám sát các chính sách phát triển kinh tế – xã hội ở cấp vùng.
Tại Pháp, mã INSEE (hệ thống mã số dùng để định danh cá nhân, địa lý và hành chính) được sử dụng để quản lý hành chính và dữ liệu chính xác đến từng địa phương. Hệ thống này không chỉ tạo sự đồng bộ giữa các cấp quản lý mà còn cung cấp một phương thức khoa học để phân loại đơn vị hành chính. Việt Nam có thể tham khảo từ Pháp việc áp dụng mã số vào đặt tên xã phường, đảm bảo tính đơn giản nhưng vẫn thể hiện được yếu tố địa phương.
Nga, quốc gia có diện tích lớn nhất thế giới, áp dụng các mã OKATO và OKTMO (hai hệ thống mã dùng để phân loại lãnh thổ trong quản lý hành chính và thống kê) để phân định và quản lý các đơn vị hành chính từ trung ương đến địa phương. Ví dụ, thành phố Moscow có mã OKATO là 45, giúp đảm bảo việc quản lý dữ liệu liên quan đến dân số và cơ sở hạ tầng diễn ra suôn sẻ.
Trong khi đó, Trung Quốc nổi bật với hệ thống phân cấp hành chính chặt chẽ. Các đô thị lớn như Thượng Hải áp dụng mã hóa và công nghệ GIS (công nghệ thu thập, lưu trữ, phân tích, hiển thị và chia sẻ thông tin không gian, trong đó dữ liệu gắn liền với vị trí địa lý) để quản lý khu dân cư và hỗ trợ quy hoạch đô thị một cách hiệu quả. Hệ thống này tạo điều kiện thuận lợi cho việc quản lý hành chính, từ cấp quận đến cấp xã, đồng thời đảm bảo tính chính xác và minh bạch.
Nhìn chung, nhiều quốc gia đang tận dụng mã hóa để hỗ trợ đặt tên đơn vị hành chính, giúp tạo sự đồng nhất và dễ dàng số hóa thông tin. Các bài học quốc tế cho thấy việc đặt tên và mã hóa đơn vị hành chính không chỉ giúp cải thiện hiệu quả quản lý mà còn mang lại nhiều lợi ích kinh tế – xã hội.
Tại Việt Nam, sáng kiến của Bộ Nội vụ về việc đặt tên đơn vị hành chính cấp xã mới, kết hợp tên huyện cũ và số thứ tự, là một bước đi đúng đắn trong chiến lược hiện đại hóa. Tuy nhiên, để sáng kiến này phát huy tối đa hiệu quả, cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ ngành, đặc biệt là Bộ Xây dựng, nhằm đảm bảo đồng bộ hóa với các dự án quy hoạch đô thị và quản lý địa chính. Đồng thời, sự tham gia của người dân và cộng đồng địa phương là yếu tố then chốt để đảm bảo tính khả thi và phù hợp với đặc thù từng khu vực.
Việc xây dựng một hệ thống tên gọi và quản lý địa giới hành chính hiện đại không chỉ là giải pháp kỹ thuật, mà còn là bước đệm quan trọng để thúc đẩy sự phát triển bền vững trong thời kỳ chuyển đổi số. Nếu được triển khai hiệu quả, sáng kiến này sẽ không chỉ giúp nâng cao hiệu suất quản lý nhà nước mà còn góp phần xây dựng một môi trường sống thông minh và hiện đại hơn cho toàn xã hội.
Tác giả: Ông Lý Văn Vinh là Tiến sĩ quản lý đô thị; nguyên thư ký Bộ trưởng Bộ Xây dựng; nguyên Giám đốc Cung triển lãm kiến trúc, quy hoạch quốc gia.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!
Nguồn: https://dantri.com.vn/tam-diem/dat-ten-don-vi-cap-xa-vua-truyen-thong-vua-hien-dai-20250327100056845.htm