Trao đổi với Tuổi Trẻ về những thay đổi, điều chỉnh của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025, GS.TS Huỳnh Văn Chương, cục trưởng Cục Quản lý chất lượng giáo dục – Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), cho biết: “Năm 2025 là năm đầu tiên tổ chức thi tốt nghiệp THPT theo chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 với nhiều thay đổi đáng kể so với trước đây, đặc biệt trong cách tiếp cận kiến thức và đánh giá năng lực.
Kỳ thi được phân cấp, phân quyền giao chủ động cho các địa phương trong việc tổ chức các khâu của kỳ thi. Bộ Giáo dục và đào tạo có trách nhiệm ban hành quy chế, hướng dẫn và ra đề thi chung trên toàn quốc và phối hợp trong công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát nhằm đảm bảo kỳ thi được tổ chức công bằng, khách quan, an toàn, có kết quả tin cậy”.
Những điểm mới của đề thi tốt nghiệp THPT 2025
* Xin ông chia sẻ những điểm mới đáng chú ý so với các năm trước trong định hướng ra đề thi năm 2025?
– Đề thi tốt nghiệp THPT năm 2025 có những điểm mới so với các kỳ thi trước. Cụ thể là đề thi cho kỳ thi từ năm 2025 không chỉ kiểm tra kiến thức mà tập trung hướng đến nhiều hơn vào việc đánh giá năng lực vận dụng kiến thức vào thực tiễn.
Theo đó, sẽ có nhiều câu hỏi được xây dựng từ các tình huống thực tế trong đời sống, khoa học, xã hội, giúp thí sinh thấy rõ mối liên hệ giữa kiến thức học được và thế giới xung quanh.
Kết quả thi tốt nghiệp THPT được sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau: vừa sử dụng để xét công nhận tốt nghiệp THPT, đánh giá lại quá trình dạy, học và vừa để các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp có thể sử dụng để xét tuyển sinh theo tinh thần tự chủ, do đó đề thi sẽ được thiết kế để có sự phân hóa rõ ràng giữa các nhóm thí sinh.
Một điểm mới đáng chú ý là môn ngữ văn có thể sẽ sử dụng ngữ liệu ngoài sách giáo khoa khi xây dựng đề thi. Điều này giúp đánh giá khả năng đọc hiểu và cảm thụ văn bản của học sinh trong các tình huống thực tế, tránh học tủ, học thuộc lòng máy móc. Ngữ liệu có thể bao gồm các đoạn văn, thơ, hoặc tình huống mang tính thời sự, đời sống xã hội.
* Năm 2025, bên cạnh thí sinh học chương trình giáo dục phổ thông 2018 thì có các thí sinh tự do học chương trình cũ (chương trình 2006) dự thi, vậy công tác ra đề thi sẽ triển khai thế nào để đảm bảo quyền lợi cho mọi thí sinh?
– Việc bảo đảm quyền lợi cho các thí sinh không học theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 là vấn đề được nhiều người quan tâm. Trong thông tư ban hành quy chế thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 đã có điều khoản chuyển tiếp riêng về vấn đề này. Cụ thể trong năm 2025, Bộ Giáo dục và đào tạo sẽ tổ chức xây dựng 2 bộ đề thi (1 bộ đề thi theo chương trình 2006 và 1 bộ đề thi theo chương trình GDPT 2018).
Các thí sinh học theo chương trình 2006 và trước đó chưa tốt nghiệp sẽ được dự thi với đề thi được xây dựng theo chương trình 2006 (tương tự như đề thi năm 2024 và các năm trước đó). Các thí sinh học theo chương trình 2006 đã tốt nghiệp THPT nhưng có mong muốn dự thi năm 2025 để lấy kết quả xét tuyển sinh đại học, cao đẳng có thể chọn để dự thi theo đề thi của chương trình 2006 hoặc đề thi theo chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT đa mục tiêu
* Kỳ thi tốt nghiệp THPT mặc dù được xác định mục tiêu chính là xét tốt nghiệp và đánh giá chất lượng dạy học phổ thông nhưng hiện vẫn có nhiều trường đại học sử dụng phương thức xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi này. Ông có thể cho biết tỉ lệ câu hỏi cơ bản và phân hóa sẽ như thế nào trong đề thi để phù hợp với mục đích xét tốt nghiệp và tuyển sinh đại học?
– Sử dụng kết quả tốt nghiệp THPT phục vụ công tác tuyển sinh là 1 trong 3 tiêu chí của kỳ thi tốt nghiệp THPT với mong muốn giảm chi phí, giảm áp lực và tăng tính công bằng giữa học sinh các vùng miền trên cả nước.
Do vậy, đề thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 sẽ có một số thay đổi quan trọng. Cụ thể, đề thay đổi về định dạng cấu trúc để phù hợp tốt hơn cho việc đánh giá năng lực người học.
Đồng thời định dạng cấu trúc mới cũng góp phần làm tăng tính phân hóa của đề thi, đặc biệt là các định dạng mới là dạng đúng/sai và dạng trả lời ngắn.
Đề thi năm 2025 phân bố tỉ lệ câu hỏi các cấp độ tư duy biết, hiểu, vận dụng là 4:3:3. Có thể thấy, với tỉ lệ biết và hiểu khoảng 70% sẽ nghiêng về mục đích tốt nghiệp trong khi tỉ lệ hiểu và vận dụng khoảng 60% sẽ có tác dụng phân hóa tốt phục vụ mục đích tuyển sinh.
* Với định hướng đẩy mạnh chuyển đổi số, kỳ thi năm nay sẽ có những thay đổi nào trong khâu đăng ký dự thi, chuẩn bị tổ chức kỳ thi? Thí sinh sẽ có lợi thế gì so với trước đây khi Bộ GD-ĐT ứng dụng công nghệ thông tin mạnh mẽ hơn?
– Đây là nội dung đã làm rất tốt từ năm 2023, 2024 thể hiện ở sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa Bộ Giáo dục và đào tạo và Bộ Công an, các địa phương trong khâu đăng ký dự thi trực tuyến và xác thực thông tin đăng ký trực tuyến. Từ năm 2025, tất cả các thí sinh đều có thể đăng ký dự thi theo hình thức trực tuyến (kể cả thí sinh tự do, các năm trước đăng ký bản giấy).
Trong thời gian tới, Bộ GD-ĐT cũng sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan khác để tiếp tục tích hợp và liên thông các hệ thống cơ sở dữ liệu để giảm thiểu các hồ sơ thí sinh phải nộp, đặc biệt là các hồ sơ minh chứng để hưởng chế độ ưu tiên chính sách.
* Quy định về trách nhiệm của thí sinh khi tham gia kỳ thi tốt nghiệp năm 2025 thế nào? Có nội dung nào thí sinh cần đặc biệt lưu ý, thưa ông?
– Các quy định về trách nhiệm thí sinh được giữ ổn định như quy định trước đây, cụ thể nhất là các năm 2023, 2024. Tuy nhiên thí sinh cần lưu ý một số nội dung:
Khi dự thi bài thi tự chọn, thí sinh phải có mặt tại điểm thi ngay từ đầu buổi thi và chỉ được ra khỏi điểm thi khi hết giờ thi bài thi tự chọn (kết thúc cả 2 môn thi tự chọn). Ví dụ trước đây thí sinh chỉ thi môn thi thứ 2 trong bài thi tự chọn thì có thể đến trước giờ thi môn thi thứ hai 15 phút. Tuy nhiên từ năm 2025, thí sinh phải đến ngay từ đầu buổi thi.
Thí sinh học chương trình giáo dục phổ thông 2018 chỉ được đăng ký các môn thi trong số các môn thí sinh được học ở lớp 12.
Thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ đáp ứng yêu cầu vẫn được phép sử dụng để miễn thi nhưng không được quy đổi thành 10 điểm trong xét công nhận tốt nghiệp như trước đây.
Thí sinh sẽ không được cộng điểm nghề như trước đây, điều này được thực hiện theo thiết kế của chương trình giáo dục phổ thông mới.
Từ năm 2025, các thí sinh là người nước ngoài học THPT tại Việt Nam được phép sử dụng chứng chỉ tiếng Việt để miễn thi môn ngữ văn trong xét công nhận tốt nghiệp.
3 điều thí sinh cần lưu tâm khi thi tốt nghiệp THPT2025
Hiểu rõ mục tiêu của chương trình: Chương trình giáo dục phổ thông 2018 không chỉ trang bị kiến thức mà còn phát triển năng lực và phẩm chất. Vì vậy các em cần chú trọng vào việc hiểu bản chất vấn đề, vận dụng kiến thức vào thực tiễn thay vì học thuộc lòng máy móc.
Luyện tập với đề tham khảo: Bộ GD-ĐT đã công bố các đề tham khảo, giúp các em làm quen với cấu trúc định dạng đề thi mới. Việc luyện tập thường xuyên sẽ giúp các em nhận diện được điểm mạnh, điểm yếu và cải thiện hiệu quả.
Quan tâm đến sức khỏe tinh thần và thể chất: Đây là giai đoạn quan trọng nhưng cũng dễ gây căng thẳng. Các em cần sắp xếp thời gian học tập và nghỉ ngơi hợp lý, tránh áp lực quá mức để có tâm lý thoải mái khi bước vào kỳ thi.
Nguồn: https://tuoitre.vn/de-thi-tot-nghiep-thpt-2025-tang-cau-hoi-tinh-huong-thuc-te-de-van-co-the-ngoai-sach-giao-khoa-20241225225039392.htm